Nhộn nhịp làng cá khô Tịnh Kỳ

Sau Tết, làng nghề hấp cá ở xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi luôn đỏ rực ánh lửa.

Một góc cá cơm phơi dọc gần bờ biển Tịnh Kỳ.

Một góc cá cơm phơi dọc gần bờ biển Tịnh Kỳ.

Sáng 26/2, chúng tôi có mặt ở thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ. Tới đầu thôn, mùi thơm kèm với làn khói trắng lan tỏa đã đưa chân chúng tôi đến với những lò hấp cá, một nghề từ lâu đã mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân nơi đây.

Bà Phạm Thị Hạnh phơi cá cơm đã hấp xong.

Bà Phạm Thị Hạnh phơi cá cơm đã hấp xong.

Tại đây, hàng chục nhân công đang tất bật đẩy các vỉ cá cơm hấp chín đem đi phơi nắng hoặc họ vận chuyển các sọt cá cơm tươi rói từ bến cảng Tịnh Kỳ về lò hấp để sơ chế giữ độ tươi cho cá.

Nhân công đang xếp các vỉ cá cơm để phơi nắng.

Nhân công đang xếp các vỉ cá cơm để phơi nắng.

Dạo quanh một vòng trong làng, trải ra trước mắt chúng tôi từ các sân vườn nhà, những bãi đất trống cho đến bãi biển bao la, ở đâu cũng thấy cá cơm được trải đầy ra từng lớp, từng lớp để phơi nắng. Mùi thơm, vị mặn mòi của cá biển lan tỏa khắp nơi, đó chính là một nét rất riêng của Tịnh Kỳ.

Theo nhiều người dân làng chài Tịnh Kỳ, nghề hấp cá đã có từ lâu đời, được người dân làm cả năm, mùa nào thì hấp cá đấy. Nhưng thời điểm nhộn nhịp nhất là từ tháng Giêng đến tháng 9 âm lịch hằng năm, nhất là khi cá cơm được mùa. Nhà nhà, người người cùng làm nghề này, cảnh nhân công hành nghề hấp cá, cảnh thương lái khắp nơi đổ về chào hàng, mua bán, cùng với đó việc vận chuyển cá đi tiêu thụ, phân bổ khắp nơi khiến cho làng quê trở nên sôi động.

Những vỉ cá chuẩn bị đưa vào lò để hấp chín.

Những vỉ cá chuẩn bị đưa vào lò để hấp chín.

Đang đưa cá cơm lên vỉ lưới để cho vào lò hấp, bà Võ Thị Nga ở xã Tịnh Kỳ chia sẻ: “Công việc hấp cá chín không quá khó, nhưng phải có người đứng tại lò liên tục để canh thời gian cho chuẩn xác. Bởi vì, nếu hấp cá dư vài phút thì cá sẽ nát, còn lấy sớm vài phút thì cá sẽ tanh. Do đó, muốn cá thơm ngon và giữ được độ tươi ngọt của thịt cá, vị mặn mòi của biển thì phải có người túc trực tại lò hấp để lấy cá ra khi vừa chín tới”.

Những vỉ cá đã được hấp chín còn nóng bốc khói trắng và hương thơm.

Những vỉ cá đã được hấp chín còn nóng bốc khói trắng và hương thơm.

Tại cơ sở hấp cá của ông Nguyễn Văn Tùng (xã Tịnh Kỳ) thời điểm này đang vào mùa hấp cá cơm nên từ sáng sớm đến quá trưa, nhân công luôn chân luôn tay. Có những vỉ cá vừa hấp chín đưa ra khỏi lò là được nhân công mang đi phơi nắng ngay để đảm bảo độ thơm, vị đậm đà của cá. Để có đủ diện tích phơi cá, ngoài những giàn phơi được bố trí sẵn, nhóm nhân công phơi cá còn phải đẩy những vỉ cá hấp ra phơi dọc bãi biển. Vừa phơi, họ vừa phải trở cá liên tục cho cá hấp đủ nắng.

“Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, làng cá Tịnh Kỳ tăng cường nhân công làm việc cả mùa nắng lẫn mùa mưa, lúc nào làng cũng tất bật nhân công hấp cá. Vào mùa nắng, cá hấp xong được mang ra phơi. Còn mùa mưa không phơi được thì cá được đưa vào sấy trong lò. Cứ thế, nghề hấp cá diễn ra quanh năm. “Mùa cá nào, thì hấp cá đấy” - ông Tùng chia sẻ.

Còn ngư dân Trương Thanh An (xã Tịnh Kỳ) thì cho biết: “Vào mùa cá cơm, tàu cá của tôi đánh bắt về bao nhiêu cũng không lo ế, vì ngoài số cá tươi đưa đi tiêu thụ ở các chợ và bán cho thương lái, còn lại các lò hấp thu mua hết để làm cá hấp, cá khô. Hiện giá cá cơm tôi bán cho chủ cơ sở hấp cá từ 20 - 40 nghìn đồng/kg”.

Đang phơi các vỉ cá cơm bên bờ biển Tịnh Kỳ, bà Phạm Thị Hạnh (ở thôn An Vĩnh) cho biết: “Vào thời điểm này, tôi được các chủ lò hấp cá cơm thuê trả tiền công 250.000 đồng/ngày, nếu trả công lao động theo giờ là 30.000 đồng/giờ. Nghề hấp cá phụ thuộc rất nhiều số lượng cá mà ngư dân địa phương đánh bắt được, nếu hôm nào biển động mạnh thì số lượng cá sẽ ít hơn”.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Liêu, chủ cơ sở hấp cá Tịnh Kỳ cho biết: “Cơ sở hấp cá của tôi dùng những chiếc thùng nhựa lớn được xếp thành hàng dài chứa đầy nước đá, cá cơm sau khi thu mua từ bến cảng về được ngâm ngay vào những thùng nước này để đảm bảo độ tươi, sau đó vớt ra để ráo nước, cho vào vỉ lưới rồi mới đưa vào lò hấp. Trong khi nhóm nhân công này đảm nhiệm công việc ngâm và vớt cá thì nhóm khác đẩy xe đem vỉ cá hấp chín đi phơi nắng”.

Theo các chủ lò hấp cá ở xã Tịnh Kỳ, trung bình 8 tấn cá cơm tươi, sau khi hấp cá chín đem phơi khô thì thu về được gần 3 tấn cá khô. Cá cơm thành phẩm trong đó có cả loại 1 nắng được chọn lựa theo tiêu chí của thương lái: đẹp, không quá khô hoặc được loại bỏ phần đầu. Sau đó đóng gói và xuất đi các tỉnh và các thị trường nước ngoài. Hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 10 cơ sở làm nghề hấp cá cơm, tạo công ăn việc làm cho hơn khoảng 50 lao động và cung cấp cá hấp cho nhiều khách hàng.

Ông Nguyễn Hoài Thanh - Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ cho biết: “Để đảm bảo an toàn thực phẩm, không sử dụng hóa chất trong quá trình sơ chế cá hấp, chính quyền xã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho các chủ cơ sở hấp cá. Lãnh đạo địa phương yêu cầu, các cơ sở này phải có giấy xác nhận an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ chức năng kiểm định về sản phẩm. Về lâu dài, chính quyền xã cũng kiến nghị với các cấp, mở rộng khu cảng cá để cung ứng đủ nguồn nguyên liệu cá cho các cơ sở thu mua cá ngay tại địa phương”.

Bài và ảnh: T.Thành - C.Đại

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhon-nhip-lang-ca-kho-tinh-ky-10274024.html