Nhộn nhịp mùa thu hoạch cam Sành
Hà Giang, mảnh đất địa đầu của Tổ quốc không chỉ được biết đến bởi những thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, mà còn có nhiều loại đặc sản nổi tiếng được ghi danh. Những ngày này, khi cánh đào phai khoe sắc nơi Cao nguyên đá, cũng là thời điểm cam Sành chín rực, nhuộm vàng óng trên lưng đồi, bao trùm lên những miền quê trù phú. Khắp các vùng trồng cam, nông dân tất bật, nhộn nhịp vào mùa thu hoạch quả để gửi gắm những trái cam Sành thơm ngon, bổ dưỡng đến tay người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước.
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 6.700 ha cam Sành, được trồng tập trung chủ yếu tại 3 huyện: Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Cam Sành là cây trồng chủ lực, khẳng định vai trò trụ cột trong phát triển kinh tế và làm giàu cho người dân. Điều đó chứng tỏ cam Sành đã giữ vững được uy tín, thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường; ngay cả ở những nơi khó tính nhất. Để làm nên thành công đó, những năm gần đây, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp quy hoạch, phát triển vùng trồng cam gắn với nâng cao chất lượng, mẫu mã quả cam. Đặc biệt, với tâm của mình, các nhà vườn cũng tự ý thức, chủ động đẩy mạnh việc trồng cam theo hướng VietGAP, hữu cơ; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để tạo ra những trái cam đạt tiêu chuẩn. Sau nhiều nỗ lực, cam Sành Hà Giang đã được cấp Chỉ dẫn địa lý, có tem, nhãn, mác và được các siêu thị: Vinmart, Big C, Tmart và các chuỗi cửa hàng bao tiêu sản phẩm.
Niên vụ năm 2019 - 2020, tổng sản lượng cam Sành trên địa bàn tỉnh ước đạt 49.000 tấn; những ngày này, cam Sành chính thức bước vào vụ thu hoạch. Giá bán lẻ tại vườn đạt từ 7.000 - 10.000 đồng/kg. Trở về xã Yên Hà, một trong những vùng trồng cam trọng điểm của huyện Quang Bình; từ sáng sớm, người dân đã chuẩn bị mọi phương tiện, tập trung nhân lực thu hái những quả cam chín vàng, mọng nước để kịp cho những chuyến hàng về xuôi. Với diện tích trên 365 ha, năng suất 80 tạ/ha, sản lượng ước đạt 2.400 tấn; cam Sành hứa hẹn đem lại giá trị kinh tế gần 20 tỷ đồng, đóng góp rất lớn vào công cuộc giảm nghèo cho bà con nơi đây. Chị Đặng Thị Lan, thôn Chàng Thẳm cho biết: “Nhà tôi có 3 ha cam Sành, để cây cam phát triển bền vững, tôi áp dụng quy trình sản xuất cam sạch theo hướng VietGAP, nhằm đảm bảo an toàn sản phẩm. Vì vậy, thương lái tìm đến tận vườn thu mua; cây cam thật sự đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình tôi với nguồn thu nhập ổn định hàng chục triệu đồng mỗi năm”.
Rời huyện Quang Bình, tôi đến Bắc Quang, địa phương trồng cam Sành lớn nhất của tỉnh; với sản lượng ước đạt 40.000 tấn. Những vựa cam lớn chủ yếu tập trung ở các xã: Vĩnh Hảo, Vĩnh Phúc, Vĩnh Tuy, Tân Thành. Để phát triển ổn định lâu dài vùng cam, huyện đã và đang thực hiện quy hoạch vùng sản xuất cây có múi, phấn đấu trong tương lai không xa, sẽ có 83% tổng diện tích trồng cây có múi đạt VietGAP. Đồng thời, khuyến khích nhân dân thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, hiệp hội cam Sành, chi hội nghề nghiệp trồng cam để tổ chức hội thảo, trao đổi kinh nghiệm giữa người trồng cam với các chuyên gia nhằm tháo gỡ những khó khăn từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ. Nhờ đó, trái cam Sành Bắc Quang đã có mặt khắp nơi trên thị trường từ trong Nam đến ngoài Bắc.
Ông Nguyễn Mậu Mạnh, thôn Tân Tấu, xã Tân Thành vui mừng chia sẻ: “Chúng tôi tham gia vào Tổ sản xuất cam VietGAP của xã. Việc trồng cam có quy trình nghiêm ngặt, bài bản, dùng chủ yếu phân hữu cơ, tạo ra những trái cam có vị ngọt thanh, cùi dày, thời gian bảo quản lâu ngày mà không bị hỏng nên dễ tiêu thụ. Bởi thế, giữ gìn danh tiếng cam Sành là trách nhiệm, danh dự của người trồng cam. Mấy năm nay, cam Sành được mùa, sau khi thu hoạch, người dân sẽ tiến hành phân loại quả, đóng hộp cho các thương lái về thu mua và để bày bán tại các điểm bán hàng dọc tuyến Quốc lộ 2 - Hà Giang; những vườn cam Sành trĩu quả đã mang lại cơ ngơi bạc tỷ cho các hộ dân, giúp chúng tôi có cuộc sống sung túc, no đủ hơn”.
Sau hàng chục năm miệt mài xây dựng thương hiệu, cam Sành Hà Giang nay đã trở thành đặc sản nức tiếng và được lòng “thượng đế” gần, xa. Cùng với không khí rộn ràng của mùa thu hoạch cam, tỉnh ta đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam Sành để mở rộng thị trường tiêu thụ cho người dân.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202001/nhon-nhip-mua-thu-hoach-cam-sanh-754225/