Nhộn nhịp ngày hội Hội quán đất sen hồng
Lần đầu tiên tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp diễn ra ngày hội Hội quán đất sen hồng do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức.
Ngay từ sáng sớm 18/11, du khách khắp nơi đã nô nức tìm đến không gian ngày hội được đặt tại khu vực Công viên Văn Miếu, nơi diễn ra nhiều sự kiện, như: hội thi “Thủ lĩnh Hội quán đất sen hồng năm 2023”, hội thi “Ẩm thực Hội quán đất sen hồng”…
Đặc biệt, Không gian triển lãm các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm các Hội quán; sản phẩm OCOP, quà lưu niệm; gian hàng chuyển đổi số trong nông nghiệp, gian hàng chuyển đổi số của Bảo hiểm Xã hội tỉnh và khu trưng bày, giới thiệu mô hình Saemaul Undong (Hàn Quốc)… với quy mô 36 gian hàng đã mang đến nhiều trải nghiệm hấp dẫn đối với du khách gần xa.
Tại ngày hội, có những gian hàng mang đến cho khách tham quan nhiều điều mới mẻ, bất ngờ với những sản phẩm trưng bày như: khoai môn lên chậu, những cây lúa, cây sen khoe sắc cùng các sản phẩm khác như nhãn, cam, quýt, hoa kiểng, khô mắm, lươn, củ kiệu… Và điều đặc biệt là những hộ sản xuất, kinh doanh nông sản này đều tham gia vào Hội quán.
Mô hình Hội quán tỉnh Đồng Tháp được thành lập từ tháng 7/2016 với Hội quán đầu tiên mang tên “Canh Tân Hội quán”. Đến nay, đã thành lập được 145 Hội quán, trong đó có 38 Hội quán chuyển sang loại hình hợp tác xã.
“Từ câu chuyện thay đổi của thị trường cũng như mong muốn nông dân tập hợp lại cùng sản xuất sạch hơn theo chuỗi giá trị, tập trung quy mô lớn dẫn đến mô hình Hội quán nông dân được khởi xướng thành lập.
Các Hội quán ngày càng phát triển, phát huy vai trò cộng đồng, đóng góp quan trọng vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bảo đảm an ninh xã hội, ổn định chính trị và góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”, ông Lê Thành Công, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, Trưởng ban tổ chức ngày hội cho biết.
Mô hình Hội quán ở Đồng Tháp hoạt động với phương châm “Ba không, ba tự, ba cùng”, tức là: Không tổ chức bộ máy, không kinh phí từ ngân sách nhà nước, không cơ sở vật chất; tự nguyện, tự quản, tự quyết và cùng nghĩ, cùng làm, cùng hưởng.
Chủ nhiệm Tân An Hội quán, xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh Trần Ngọc Ẩn chia sẻ: “Nhờ tham gia hội quán, các thành viên đã dần ý thức được lợi ích của việc ứng dụng thuốc sinh học, phân bón hữu cơ thay thế thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học.
Toàn thể thành viên hội quán chúng tôi có cùng suy nghĩ, cứ tạo ra sản phẩm nông sản an toàn cho xã hội xem như là hành động biết ơn người tiêu dùng đã ủng hộ cho nông dân chúng ta”.
Từ hội quán, người nông dân kết nối được với các doanh nghiệp, các chuyên gia khoa học trong thực tế sản xuất, kinh doanh. Từ đó, vai trò chủ thể của người dân được phát huy, họ thật sự tham gia vào quản trị địa phương và “làm chủ” xóm làng.
Mô hình Hội quán là một thiết chế xã hội thu nhỏ, tập hợp những nông dân cùng ngành nghề lại với nhau để chia sẻ chuyện nhà cửa, đất đai và sản xuất, dựa trên sự thấu hiểu, mở lòng, chịu đổi mới của người nông dân, chấp nhận “bước ra khỏi ngôi nhà riêng của mình để vào ngôi nhà chung-Hội quán”.
Từ đó, nhận thức, tư duy kinh tế trong sản xuất nông nghiệp của người nông dân dần dần được thay đổi, nhiều giá trị khác cũng được phát huy, đặc biệt là xóa bớt dần khoảng cách giữa nông dân với chính quyền, củng cố phát triển “tình làng-nghĩa xóm”.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhon-nhip-ngay-hoi-hoi-quan-dat-sen-hong-post783241.html