Nhộn nhịp thị trường đào Tết Sa Pa

Chỉ còn hơn chục ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Những ngày này, khu vực phường Hàm Rồng, xã Trung Chải và một số tuyến đường vào các xã, phường khác của thị xã Sa Pa, người dân mang bán đào cành rất nhiều, tạo nên chợ bán đào cành lớn nhất tỉnh.

Khu vực dọc Quốc lộ 4D đoạn thuộc phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa những ngày áp Tết nhộn nhịp cảnh mua bán. Người dân từ khắp các xã, phường của thị xã Sa Pa hối hả chở đào về đây bán. Các vị khách phương xa cũng cẩn thận lựa chọn những cành đào ưng ý nhất về dáng cành, màu sắc hoa. Anh Sùng A Sinh, thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn vừa đi xe máy đến, chở theo cành đào đầy rêu mốc. Vì cành đào to, cồng kềnh, nên anh Sinh phải chọn một góc rộng bên lề đường và ngồi trên xe để giữ thăng bằng trong lúc chờ các “thượng đế” đến ngắm hoa, trả giá. Anh Sinh chia sẻ: Đây là chuyến thứ hai trong ngày của mình rồi. Buổi sáng cành nhỏ hơn, mình chở được 3 cành và đã bán hết. Chuyến này cành to nên chỉ chở được 1 cành. Gia đình mình trồng được hơn chục gốc đào xung quanh vườn. Mỗi năm Tết đến, xuân về cũng chặt được vài chục cành to, nhỏ, thu lợi gần chục triệu đồng.

Anh Sùng A Sinh, thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn tất bật chở đào đi chợ bán.

Anh Sùng A Sinh, thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn tất bật chở đào đi chợ bán.

Cũng giống như anh Sinh, những người dân đến đây bán đào đều có trong tay “vốn liếng” cả chục cành đào của gia đình. Ngoài ra, nhận thấy nhu cầu mua đào của khách hàng ngày một tăng cao, nhiều người còn thu gom đào của bà con trong xã và các xã lân cận.

Năm nào cũng vậy, cứ khoảng ngoài rằm tháng Chạp, anh Má A Chỉnh, tổ 1, phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa lại đi khắp nơi tìm mua đào cành tại nhà các hộ dân trong vùng. Do đã có kinh nghiệm thu mua, nên cành đào của anh Chỉnh chọn có dáng đẹp, tán tầng phù hợp, cân đối, được các lái buôn “săn tìm”.

Vừa lấy dây cuốn cành đào gọn lại để chủ hàng mang về xuôi, anh Chỉnh vừa vui vẻ chia sẻ: Người dân ở vùng thấp rất thích đào Sa Pa. Để chuẩn bị đào cung cấp cho thị trường, ngoài việc chăm sóc vườn đào với hơn chục cây của gia đình, tôi còn đến các gia đình trong thôn, bản lựa chọn và đặt tiền trước với người dân để chủ động nguồn hàng cho dịp Tết.

Với khí hậu đặc trưng, phù hợp với loại hoa “báo Xuân” của miền Bắc, đào Sa Pa luôn được khách hàng ưa chuộng. Không chỉ có dáng cành rêu mốc đẹp, đào Sa Pa và các vùng núi cao còn có hoa to, cánh dày, thắm sắc và tươi lâu. Khi nở, hoa có màu phơn phớt hồng rất đẹp, nên thường được các “tay chơi” gọi là đào phai.

Anh Nguyễn Văn Hiếu, quận Long Biên (thành phố Hà Nội) có thâm niên 20 năm gắn bó với nghề buôn đào Tết, trong đó quá nửa thời gian là buôn đào cành Sa Pa. Theo anh Hiếu, những dân “sành chơi” ở Hà Nội, Hải Phòng rất thích chơi đào cành của Sa Pa trong dịp Tết, nên năm nào cũng vậy, anh chủ động vào bản đặt hàng của người dân từ nhiều tháng trước đó. Dịp gần Tết, anh cân đối lượng khách đặt qua các ngày rồi thu mua chở về xuôi luôn cho tươi cành. Từ đầu vụ đến giờ, anh đã chở được hơn chục chuyến đào cành, mỗi xe cũng cả trăm cành lớn, nhỏ.

Những cành đào được chọn mang đến chợ bán đều được người dân chặt trong vườn nhà hoặc được thương lái thu mua từ các hộ dân trong vùng. Nhiều năm nay, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, người dân Sa Pa tích cực trồng đào để bán cành vào dịp Tết. Đồng thời, học hỏi thêm kỹ thuật tạo cành, dựng tán, tạo độ rêu mốc để tăng thêm giá trị cho sản phẩm của mình. Đào được trồng trong vườn nhà, trên nương đồi, không chỉ tạo sản phẩm đào Tết đem lại thu nhập cao, mà còn tạo cảnh quan thu hút khách du lịch đến với đất trời Sa Pa.

Ông Vũ Anh Linh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sa Pa cho biết: Do đặc trưng địa hình của địa phương nằm trên độ cao gần 2.000 mét so với mực nước biển trở lên, nên cây đào thường xù xì, rêu phong, nhiều người lầm tưởng là đào rừng, mọc hoang dại, nhưng thực ra, tất cả đào được bày bán ở các chợ đầu mối và các địa phương của thị xã đều được bà con trồng trong vườn nhà.
Sau 2 năm trầm lắng vì đại dịch Covid-19, thị trường đào Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sôi động hơn. Người dân vì thế cũng có nguồn thu phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của gia đình. Đây cũng là động lực để bà con mở rộng diện tích trồng đào ở địa phương.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/363823-nhon-nhip-thi-truong-dao-tet-sa-pa