Nhộn nhịp vào vụ… Tết

Tết Nguyên đán là 'thời điểm vàng' để tiêu thụ sản phẩm khi sức mua của người dân tăng cao. Bởi thế, các làng nghề, hộ sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng cây cảnh… đều 'tăng tốc' sản xuất, nắm bắt cơ hội, cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm an toàn, chất lượng, đẹp mắt, góp phần tăng thu nhập.

Những ngày cuối tháng 11 (âm lịch), chúng tôi có dịp ghé thăm thôn Bản Tát, xã Linh Hồ (Vị Xuyên), mùi thơm hương Trầm như gọi Tết về gần hơn. Hương là sản phẩm truyền thống không thể thiếu của mỗi gia đình mỗi dịp Tết, vì vậy được xem là vụ sản xuất chính trong năm của người làm hương. Nghề làm hương Trầm thôn Bản Tát có từ lâu đời, người dân nơi đây vẫn giữ được cách làm hương thủ công truyền thống với các hương liệu từ thiên nhiên, an toàn, được người tiêu dùng ưa chuộng. Trưởng thôn Bản Tát Nông Văn Chung chia sẻ: “Toàn thôn Bản Tát hiện có 5 gia đình làm hương, mỗi năm, mỗi hộ sản xuất được khoảng trên 1.000 bó, chủ yếu làm nhiều vào dịp Tết, nghề làm hương mang lại thu nhập từ 10 – 20 triệu đồng/hộ/năm”.

Gia trại chăn nuôi gà của chị Nguyễn Thị Thăm, thôn Nà Tèn, thị trấn Yên Minh (Yên Minh) cung cấp cho thị trường Tết.

Gia trại chăn nuôi gà của chị Nguyễn Thị Thăm, thôn Nà Tèn, thị trấn Yên Minh (Yên Minh) cung cấp cho thị trường Tết.

Cùng với nghề làm hương, người trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh cũng đang tất bật chuẩn bị cho vụ Tết. Những năm gần đây, nhận thấy thị hiếu chơi hoa Tết của người dân tăng lên, người dân xã Đạo Đức đã biến những cánh đồng ngô vụ Đông ít hiệu quả sang trồng hoa Tết cho thu nhập cao. Các loại hoa chủ yếu là: Hoa Ly, Lay ơn, Cúc các loại, ngoài ra nhiều gia đình đầu tư các vườn Đào để phục vụ Tết. Chị Nguyễn Thị Thân, thôn Làng Nùng, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) cho biết: “Nhiều năm nay, gia đình tôi mở rộng diện tích trồng hoa Lay ơn để phục vụ Tết; loài hoa này dễ trồng, chăm sóc và dễ bán, cho thu nhập cao hơn trồng các loại cây vụ Đông khác. Hiện, cây hoa đang phát triển tốt, hy vọng thời tiết thuận lợi để có hoa đẹp phục vụ mọi người chơi Tết”.

Một trong những nhu cầu không thể thiếu và tăng cao trong dịp Tết là thực phẩm. Từ đầu năm, dịch bệnh Viêm da nổi cục, dịch Cúm gia cầm và Tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh phần nào ảnh hưởng đến ngành Chăn nuôi. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, dịch bệnh trên vật nuôi được kiểm soát; đàn gia súc, gia cầm tiếp tục đà phát triển ổn định, nhiều hộ dân đã tái đàn sau dịch bệnh để đảm bảo thực phẩm phục vụ Tết. Toàn tỉnh hiện có 165 trang trại chăn nuôi; tổng đàn trâu, bò trên 277.770 con; đàn lợn trên 582.200 con, trong đó tái đàn được trên 72.900 con; đàn gia cầm trên 5,4 triệu con; sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 51 nghìn tấn, tăng 4,37% so với năm 2020 (tương đương 2.142 tấn).

Người dân xã Đạo Đức (Vị Xuyên) chăm sóc hoa Lay ơn phục vụ Tết.

Người dân xã Đạo Đức (Vị Xuyên) chăm sóc hoa Lay ơn phục vụ Tết.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Trung Sơn, xã Trung Thành (Vị Xuyên) hiện đang chăm sóc trên 200 con gà trống thiến. Chị Hoa chia sẻ: “Để kịp phục vụ thị trường dịp Tết, ngay từ tháng 8, tôi đã chọn mua gà giống tại các cơ sở uy tín để chăn thả, thực hiện tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ, xây dựng chuồng trại đảm bảo đủ ấm vào mùa Đông, thức ăn cho gà được chế biến từ các loại rau, củ tự nhiên, đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Gia trại chăn nuôi gà của chị Nguyễn Thị Thăm, thôn Nà Tèn, thị trấn Yên Minh (Yên Minh) đang chăm sóc trên 3 nghìn con gà giống địa phương và trên 200 con gà trống thiến. Với diện tích vườn đồi rộng hơn 2 ha, chị Thăm chủ yếu nuôi gà theo hình thức chăn thả tự do, đàn gà có không gian chạy nhảy, tìm kiến thức ăn và phát triển tự nhiên, giúp thịt gà săn chắc, ngon. Gà giống được nhập từ Trung tâm nghiên cứu giống gia cầm Thụy Phương (Hà Nội), được tiêm phòng đầy đủ; thức ăn cho gà chủ yếu là bỗng rượu, ngô, thóc, rau xanh. Đặc biệt, chị Thăm đã liên kết với một số cơ sở tiêu thụ sản phẩm tại thành phố Hà Giang và các huyện, tỉnh khác, đảm bảo đầu ra ổn định. Dự kiến đàn gà được xuất bán đúng dịp Tết, mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình.

Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Trịnh Văn Bình chia sẻ: “Dịch bệnh trên vật nuôi hiện đã cơ bản được kiểm soát, nhiều người dân đã tái đàn. Với số lượng gia súc, gia cầm hiện nay, hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho thị trường trong dịp Tết. Tuy nhiên, thời điểm cuối năm, thời tiết diễn biến bất thường, cũng là dịp gần Tết Nguyên đán nên tình hình vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm có xu hướng tăng cao, là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm bùng phát. Người dân cần triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đói rét cho đàn gia súc, gia cầm đảm bảo đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho Tết”.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa đến Tết, hiện tại, một số làng nghề, HTX, hộ sản xuất sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: Chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, rượu ngô men lá, thịt lợn, bò gác bếp, bánh chưng Gù, dệt thổ cẩm… không khí lao động sản xuất đều diễn ra sôi nổi. Nhiều cơ sở cho ra mắt thị trường các sản phẩm mới có mẫu mã đẹp, chất lượng, giá cả hợp lý, hứa hẹn thị trường Tết nhộn nhịp, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202201/nhon-nhip-vao-vu-tet-786165/