Nhộn nhịp xuất khẩu ngày đầu năm
Ngay từ những ngày đầu năm mới 2022, nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tại TPHCM đã tất bật sản xuất hàng hóa, đưa hàng tấn sản phẩm sang các thị trường mới… Tất cả dự báo cho một năm nhiều thuận lợi, hanh thông.
Tấp nập đơn hàng
Ngay Tết dương lịch 1/1, Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (quận Gò Vấp, TPHCM) đã xuất khẩu 2 container cà phê nông sản thương hiệu Meet More đi thị trường châu Âu. 24 tấn hàng đợt này gồm các sản phẩm mới như cà phê trái nhàu, cà phê bạc hà, cà phê khoai môn, cà phê xoài, cà phê dừa, cà phê đậu xanh… Số hàng này được một hệ thống siêu thị có trụ sở tại Cộng hòa Séc đặt mua, dự kiến sẽ phân phối ở các thị trường Séc, Pháp, Đức.
“Để hoàn thành đơn hàng đầu tiên trong năm mới này, chúng tôi cùng công nhân chạy hết công suất, làm việc cả ngày đêm để hoàn thành đơn hàng đúng tiến độ cho đối tác. Đây cũng là đơn hàng “mở hàng” đầu năm của chúng tôi với hy vọng đem lại nhiều may mắn, hanh thông trong năm 2022”, ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập Meet More chia sẻ.
Cũng ông Luận cho biết, đây là lần đầu tiên DN của ông xuất khẩu cà phê sang châu Âu. Trước đó, cà phê đã xuất khẩu đi Hàn Quốc, Úc, Trung Đông. Theo ông Luận, công ty mất 6 tháng để đàm phán, gửi mẫu 2 lần để đối tác kiểm tra, theo yêu cầu… Khi thành phố vừa hết giãn cách (tháng 10/2021), đối tác ngoại đã đến nhà máy Meet More khảo sát và đánh giá sản phẩm, sau đó mới ký kết hợp đồng.
“Lúc đầu tôi cũng nghĩ họ sẽ yêu cầu gắt gao nhưng nhờ nông sản chế biến ngay từ đầu vào đã đạt chất lượng rất tốt nên mọi chuyện đều rất thuận lợi. Hiện nay, cà phê, trái cây của chúng tôi chuẩn bị để xuất đi Mỹ và Nga vào cuối tháng 1/2022”, ông Luận nói.
Trong khi đó, ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, DN chuyên sản xuất hồ tiêu chia sẻ, trong tuần đầu tiên của năm mới đã xuất 20 container hạt tiêu, cà phê đi Hà Lan, Đức với giá trị lên tới 6 triệu USD. Ngoài ra, các đơn hàng đi Nga, Pháp, Mỹ… cũng đã chốt lịch.
“Gần như chúng tôi làm việc xuyên Tết, bởi xuất khẩu phải liên tục, không để đứt đoạn, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên theo tôi, năm nay xuất khẩu sẽ có nhiều triển vọng, thành công hơn năm ngoái”, ông Thông nói.
Báo tin vui khi vừa xuất được 1 container sang thị trường mới là Nhật Bản, ông Phạm Thái Hoàng, Giám đốc Công ty Tân Nhiên chi nhánh TPHCM cho biết, công ty của ông vừa ký kết thêm nhiều đơn hàng mới trong năm 2022. “Ngay sau lô hàng vừa xuất đi Nhật, đối tác tại Mỹ đã đặt 5 container (50 tấn) bánh tráng không nhúng nước.
Tuy nhiên, do đang thời gian cận Tết, chúng tôi tập trung cho đơn hàng trong nước nên có thể trong tháng 1 này chỉ cung ứng được 10 tấn hàng sang Mỹ, còn lại sẽ xuất sau Tết Nguyên đán. Hiện tại, trung bình chúng tôi đưa ra thị trường 12-14 tấn bánh tráng/ngày”, ông Hoàng cho biết.
Chinh phục mục tiêu mới
Bắt đầu trở lại làm việc từ ngày 3/1, công nhân Công ty CP may mặc Dony (huyện Bình Chánh) khẩn trương hoàn thành đơn hàng gia công xuất đi Mỹ trong tuần này; ngoài ra, 2 container xuất đi Nhật và Đài Loan cũng đang chờ lên tàu trong năm 2022.
Ngay trong những ngày cuối năm 2021, một DN lớn của Việt Nam là Công ty CP Pacific Foods đã xuất khẩu 20 tấn gạo thơm Sóc Trăng sang Canada. Đơn hàng này sẽ mở ra triển vọng xuất các lô hàng tiếp theo trong năm 2022 và 2023.
Ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Pacific Foods cho hay, năm 2022 sẽ có rất nhiều cơ hội cho lúa gạo và các loại nông sản được sản xuất theo hướng xanh hơn, bền vững hơn của Việt Nam được xuất sang thị trường nước ngoài, giúp tăng hiệu quả của kinh tế nông nghiệp.
Năm 2022, dự báo sẽ nhiều thách thức khi chủng mới của đại dịch COVID-19 đang hoành hành ở các thị trường chính của Công ty CP Phúc Sinh. Thế nhưng ông Phan Minh Thông tính toán: “Chúng tôi sẽ phải linh hoạt. Dịch bệnh kéo dài và chưa kết thúc nên năm 2022, tình hình kinh doanh sẽ còn khó khăn, nhiều công ty phá sản trên thế giới. Ở mảng kinh doanh nội địa, nhiều dự báo cũng cho thấy sẽ khó khăn do áp lực lạm phát, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên chúng tôi phải kiên nhẫn và linh hoạt để thích ứng. Năm 2022, chúng tôi có kế hoạch xây thêm nhà máy sản xuất cà phê cung cấp cho thị trường nội địa và tham gia chế biến sâu hơn nữa trong lĩnh vực gia vị”.
Ông Nguyễn Ngọc Luận cho hay, trong thời gian giãn cách xã hội, đơn vị này đẩy nhanh tiến độ và hoàn thiện nhiều sản phẩm mới hướng đến bảo vệ sức khỏe người dùng. “Mục tiêu chúng tôi đề ra là tăng trưởng gấp đôi năm 2021, trong đó nâng tỷ trọng xuất khẩu lên 60% tổng sản lượng sản xuất và đưa sản phẩm lên kệ tất cả các siêu thị bán lẻ trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như tìm kiếm thêm thị trường mới”, ông Luận chia sẻ.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2022 khi kinh tế trong nước và nhiều quốc gia đang hồi phục và phát triển. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM cho rằng, hiện tại, nhiều DN trong ngành đã ký hợp đồng xuất khẩu đến hết quý 1/2022. Nếu so với cùng kỳ năm trước thì ước tính đơn hàng dệt may chưa tăng nhưng đã khởi sắc nhiều so với cuối năm 2021.
“Không thiếu đơn hàng dệt may trong năm mới và mục tiêu cả ngành đặt ra là xuất khẩu trong năm tới khá lạc quan, lên hơn 40 tỷ USD. Quan trọng nhất là các DN vẫn lo số lượng lao động còn chưa quay lại nhà máy đầy đủ. Bên cạnh đó, sau dịp Tết âm lịch cũng thường có biến động khi công nhân về quê, thay đổi công việc. Đồng thời, hiện giờ, các DN cũng quan tâm nhiều hơn là phải đảm bảo phòng chống dịch để đảm bảo sản xuất an toàn không bị đứt gãy như trước”, ông Hồng nhìn nhận.
Cục Thống kê TPHCM dự báo năm 2022, kinh tế thành phố sẽ phục hồi theo hình chữ V. Ông Lê Mạnh Hùng, Trưởng phòng Tổng hợp Cục Thống kê TPHCM lý giải, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) sau khi chạm đáy vào quý III/2021 (chỉ bằng 75% so với cùng kỳ) đã tăng trở lại vào quý IV (bằng 88% so với cùng kỳ). Cũng theo ông Hùng, thời gian tới, lực lượng lao động sẽ quay trở lại thành phố giúp đáp ứng nhu cầu sản xuất, thực hiện đơn hàng.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhon-nhip-xuat-khau-ngay-dau-nam-post1406698.tpo