Nhơn Trạch sẽ là đô thị công nghiệp - thành phố cảng
Với vị trí 'vàng' 3 mặt giáp sông và nằm giữa trung tâm khu tam giác kinh tế TP.HCM - Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, H.Nhơn Trạch được định hướng xây dựng trở thành một đô thị công nghiệp - thành phố cảng.
Đầu tháng 1-2023, Ban TVTU đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về Phát triển đô thị Nhơn Trạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Thành lập TP.Nhơn Trạch vào năm 2030
Năm 2009, Ban TVTU ban hành Nghị quyết số 13 (Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 30-7-2009) xây dựng TP.Nhơn Trạch đạt các tiêu chí của một đô thị loại II vào năm 2020. Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, đến nay hình hài của một thành phố mới, từng được kỳ vọng là đô thị vệ tinh phía Đông của TP.HCM vẫn chưa thành hình.
Nghị quyết số 09 của Ban TVTU đặt mục tiêu đến năm 2025, H.Nhơn Trạch sẽ phấn đấu thực hiện 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Nhơn Trạch đạt các tiêu chí đô thị loại III và phấn đấu xây dựng 7 xã gồm: Long Thọ, Phước Thiền, Long Tân, Phú Hội, Phú Thạnh, Phú Đông và Đại Phước đạt các tiêu chuẩn cấp phường nhằm tương xứng với mục tiêu phát triển thành thành phố.
Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 13, Ban TVTU cho rằng, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, quá trình phát triển H.Nhơn Trạch còn nhiều hạn chế như: công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, đất đai; chưa có bước đột phá trong phát triển; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa mạnh, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh thấp…
Nhằm thúc đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị Nhơn Trạch, Ban TVTU đã xây dựng và ban hành một nghị quyết mới về Phát triển đô thị Nhơn Trạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Một trong những mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết số 09 đặt ra là đến năm 2025, Nhơn Trạch phải phấn đấu đạt các tiêu chí của một đô thị loại III. Cùng với đó, sẽ thành lập TP.Nhơn Trạch và đạt tiêu chí cơ bản của đô thị loại II vào năm 2030.
Về định hướng phát triển, với những lợi thế về vị trí cũng như nền tảng phát triển công nghiệp, H.Nhơn Trạch được định hướng phát triển thành đô thị công nghiệp - thành phố cảng trong tương lai.
So với các địa phương khác trong tỉnh, Nhơn Trạch là địa phương có tốc độ phát triển các khu công nghiệp (KCN) thuộc tốp đầu. Từ năm 1997, trên địa bàn H.Nhơn Trạch có 3 KCN được thành lập. Sau hơn 20 năm, đến nay H.Nhơn Trạch đã có 9 KCN được thành lập và đi vào hoạt động.
Bên cạnh thế mạnh về phát triển công nghiệp, cảng biển cũng là một thế mạnh khác của Nhơn Trạch trong phát triển kinh tế. Trong số 3 khu bến cảng biển trên địa bàn tỉnh, H.Nhơn Trạch có đến 2 khu bến cảng biển. Về số lượng, H.Nhơn Trạch là địa phương có số lượng cảng biển lớn nhất trên địa bàn tỉnh.
Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ cho hay: “Việc định hướng phát triển Nhơn Trạch thành đô thị công nghiệp - thành phố cảng là phù hợp với các tiềm năng thế mạnh của địa phương. Hiện nay, cảng Phước An là cảng biển lớn nhất của tỉnh đang được đầu tư xây dựng, sẽ làm gia tăng thêm lợi thế về cảng biển trong phát triển kinh tế của địa phương”.
Cũng theo Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, để cụ thể hóa các mục tiêu và giải pháp phát triển trong thời gian tới, Huyện ủy Nhơn Trạch đã giao UBND H.Nhơn Trạch xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa Nghị quyết số 09 của Ban TVTU.
Đa dạng hóa nguồn lực
Để đạt được mục tiêu phát triển H.Nhơn Trạch thành đô thị công nghiệp - thành phố cảng cũng như thành lập TP.Nhơn Trạch vào năm 2030, đòi hỏi một nguồn lực đầu tư rất lớn.
Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Thế Phong cho biết, chỉ tính riêng việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông của địa phương để kết nối với các trục giao thông chính do Trung ương đầu tư trên địa bàn đến năm 2025, cần đến nguồn vốn hơn 10 ngàn tỷ đồng. Với nhu cầu phát triển về nhà ở xã hội, thương mại dịch vụ để thu hút người dân về sinh sống, nguồn vốn đầu tư mà Nhơn Trạch cần trong thời gian tới còn lớn hơn rất nhiều. Do đó, việc tính toán, đa dạng hóa nguồn lực thực hiện là yếu tố quyết định hàng đầu.
“Huyện đang rà soát, thống kê danh mục các dự án sẽ triển khai trong thời gian tới để tính toán nguồn lực thực hiện. Cùng với việc kiến nghị tỉnh hỗ trợ thêm nguồn lực, địa phương đang tính toán đến việc huy động thêm các nguồn lực khác để đáp ứng nhu cầu” - ông Nguyễn Thế Phong cho biết.
Bên cạnh việc huy động các nguồn lực xã hội, một trong những giải pháp chính mà H.Nhơn Trạch hướng đến để tạo nguồn lực phát triển là đấu giá các khu đất công để tạo nguồn vốn đầu tư.
Theo ông Nguyễn Thế Phong, H.Nhơn Trạch đang rà soát để lập danh sách các khu đất công đủ điều kiện thực hiện việc đấu giá để đề xuất UBND tỉnh phê duyệt. Số tiền thu từ việc đấu giá đất sẽ là nguồn lực lớn giúp cho H.Nhơn Trạch có điều kiện để tái đầu tư cho các dự án phục vụ nhu cầu phát triển trong thời gian tới.
Cùng với đó, H.Nhơn Trạch cũng thực hiện rà soát để kiến nghị UBND tỉnh thu hồi các dự án chậm triển khai thực hiện làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của địa phương, cũng như gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.
Là địa phương thu hút nhiều dự án đầu tư, việc rà soát, kiến nghị thu hồi các dự án chậm triển khai thực hiện sẽ giúp H.Nhơn Trạch giải phóng được nguồn lực về đất đai, từ đó tăng hiệu quả trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.