Nhốt trẻ trong tủ: Không nên làm giáo viên và một nghề này

Như nhiều vụ phạt học sinh có yếu tố bạo lực tinh thần trước đó, tôi không cho rằng cô giáo có ác ý, chỉ là kiểu tâm lý của cô không phù hợp với nghề giáo mà thôi.

Cô giáo ở một trường mầm non đóng trên địa bàn Hà Nội phạt trẻ bằng cách nhốt trẻ vào tủ quần áo. Không một vết thương nào trên cơ thể các em được lưu lại nhưng dấu ấn đáng sợ đó có thể sẽ ảnh hưởng tâm lý của em rất lâu sau đó.

Rất nhiều người đã nói cho tôi biết họ đã phải chật vật trong những cảm xúc tiêu cực khi nhớ đến một kỷ niệm đáng sợ nào đó từ thuở còn là học sinh. Một bạn đọc kể với tôi: "Khi là học sinh lớp 1, cô giáo lấy thước đập vào mặt tôi, tôi đã mất đi một quãng thời gian ấu thơ của mình. Tôi luôn căng thẳng thái quá khi dẫn con hoặc cháu mình vào lớp 1, vì sợ chúng bị y như thế".

Đối với tôi nghề nào cũng có thể làm để kiếm sống, trừ hai nghề: lái xe và dạy trẻ. Hai nghề này, bạn cần có lòng yêu thương con người bao la, có sự kiên nhẫn và cần có một tâm lý ổn định, điềm tĩnh trong mọi tình huống. Nếu không có những yếu tố đó, xin đừng theo nghề. Lái xe mà nóng nảy thì có thể sẽ gây tai nạn chết người. Giáo viên mà thiếu kiên nhẫn thì sẽ giết chết tâm hồn của một đứa trẻ nào đó, hoặc để lại những tổn thương dài lâu đến tận khi đứa trẻ ấy trưởng thành.

Tiếc thay, buồn thay, nhiều người xem hai nghề đó như cần câu cơm đơn thuần. Gần như không có đòi hỏi gì về sức khỏe tâm lý cho hai nghề này dù rất cần thiết. Thậm chí nhiều cha mẹ thấy con ham chơi lêu lổng, ép con đi học lái xe cho có việc làm. Tôi luôn ghi lại tên, số xe của những tài xế nóng nảy từng cướp làn đường, ép xe trả đũa người khác để không bao giờ bước lên chiếc xe đó nữa. Kỹ năng lái xe điêu luyện không đủ bù khuyết cho một trái tim thiếu kiên nhẫn, thiếu tôn trọng mạng sống con người.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Trần Quốc Thảo, quận 3 được giáo viên ân cần đeo bảng tên. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Trần Quốc Thảo, quận 3 được giáo viên ân cần đeo bảng tên. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Nhiều bạn trẻ thi vào đại học sư phạm vì những lý do không liên quan gì đến lý tưởng hay lòng yêu trẻ. Họ chọn vì được miễn học phí, vì thích được tôn trọng, vì thích được ăn mặc đẹp, thậm chí không biết thi ngành gì thì chọn sư phạm.

Họ không lường trước được áp lực trong công việc sẽ rất lớn, nếu không có lòng yêu nghề, yêu trẻ thì rất khó mà cân bằng và sống hạnh phúc được với nghề. Nhiều thầy cô không đủ khả năng chịu áp lực, gặp các tình huống căng thẳng, điều đầu tiên họ làm là trút giận hoặc trừng phạt.

Thật ra, sự yêu thương bao dung, tư tưởng rộng mở của thầy cô mới giúp bọn trẻ lớn lên chứ không phải kiến thức bốn năm trong trường đại học. Kiến thức đó sẽ rất nhanh bị lạc hậu trong thời đại công nghệ số. Bây giờ kiến thức có khắp mọi nơi, trên mọi ứng dụng, phần mềm, nên nếu chỉ cần kiến thức, thật sự vai trò của thầy cô không còn là độc tôn nữa.

Các bé Trường Mầm non 30-4, quận Bình Tân rất thích được chơi với cô. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Các bé Trường Mầm non 30-4, quận Bình Tân rất thích được chơi với cô. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Nhiều người hay giải thích, bao biện ai chả có lúc nóng giận, chỉ người trong tình huống đó mới hiểu.

Không đâu, các bạn ạ. Việc không kiểm soát được cơn giận, việc không từ bỏ bạo lực đều là trách nhiệm của bạn. Bạo lực hay sự thiếu khoan dung đều khởi phát từ trong nội tâm thiếu ổn định của bạn.

Tôi không cho rằng những người nóng nảy, thiếu kiên nhẫn là người xấu, họ chỉ không phù hợp với nghề dạy trẻ hoặc nghề lái xe. Nếu chọn bỏ nghề, các bạn đừng xem đó là thất bại, chọn đúng nghề rồi làm lại, có khi sẽ thành công, hạnh phúc hơn nhiều.

HỒNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/nhot-tre-trong-tu-khong-nen-lam-giao-vien-va-mot-nghe-nay-853504.html