NHTW Trung Quốc hạ lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc, bơm ít nhất 1.000 tỷ NDT thanh khoản

Các quan chức Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực để giúp đỡ nền kinh tế trong cuộc chiến thương mại thứ hai với Mỹ.

Thống đốc PBoC Phan Công Thắng. (Ảnh: Bloomberg).

Thống đốc PBoC Phan Công Thắng. (Ảnh: Bloomberg).

Động thái kép

Tại cuộc họp báo ngày 7/5, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Phan Công Thắng thông báo cơ quan này sẽ giảm lãi suất repo đảo ngược kỳ hạn 7 ngày từ 1,5% xuống 1,4%. PBoC cũng sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm %.

Lãi suất repo đảo ngược mới sẽ có hiệu lực từ ngày 8/5 và tỷ lệ dự trữ bắt buộc mới có hiệu lực một tuần sau đó.

Thông báo của Thống đốc Phan được đưa ra vài giờ sau khi Bắc Kinh tiết lộ họ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán thương mại với các quan chức Mỹ vào cuối tuần này, lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 145% lên hàng hóa Trung Quốc.

Cùng với việc hạ lãi suất repo đảo ngược, ông Phan Công Thắng cũng công bố 9 biện pháp khác nhằm mục đích điều hướng chi phí đi vay xuống thấp hơn, bao gồm giảm lãi suất một loạt công cụ tái cho vay và các khoản vay cho ngân hàng chính sách.

Người đứng đầu PBoC ước tính việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giải phóng khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 139 tỷ USD) thanh khoản dài hạn.

Ông cho biết PBoC sẽ thiết lập một công cụ tái cho vay với quy mô 500 tỷ nhân dân tệ để thúc đẩy tiêu dùng và hỗ trợ chăm sóc người lớn tuổi. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng sẽ bổ sung 300 tỷ nhân dân tệ cho quỹ tái cho vay công nghệ.

Ngoài ra, ông cũng thông báo kế hoạch tăng cường quỹ tái cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Charu Chanana, Giám đốc đầu tư của Saxo Markets tại thị trường Singapore, bình luận: “Đây không phải các động thái nới lỏng chính sách tiền tệ đơn thuần. Bắc Kinh đang chuẩn bị để chống chịu thuế quan, cải cách nền kinh tế và trả đũa Mỹ nếu cần thiết.

PBoC không chỉ thúc đẩy thanh khoản và tín dụng, các quan chức còn tập trung vào công nghệ, tiêu dùng và chăm sóc người cao tuổi. Điều này báo hiệu nỗ lực trên quy mô lớn để hỗ trợ các động cơ quan trọng của nền kinh tế”.

Động thái mới nhất của PBoC cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang hành động khẩn trương để hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Giới chuyên gia và thị trường ngày càng kỳ vọng Bắc Kinh sẽ triển khai thêm biện pháp kích thích sau khi ông Trump nâng thuế quan lên mức có thể hủy hoại thương mại song phương.

Thống đốc Phan lặp lại rằng các quan chức sẽ triển khai chính sách tiền tệ “nới lỏng vừa phải”, có nghĩa là cung cấp thanh khoản dồi dào và đảm bảo nguồn vốn tài trợ với chi phí vay tương đối thấp.

Lần cuối cùng PBoC hạ lãi suất chính sách và tỷ lệ dự trữ bắt buộc diễn ra vào tháng 9 năm ngoái, khi ông Phan công bố một loạt biện pháp mạnh mẽ nhằm kìm hãm đà sa sút của nền kinh tế Trung Quốc.

Thay đổi ưu tiên

Trong tuần này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer sẽ tới Thụy Sỹ để đàm phán với phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Hà Lập Phong dẫn đầu. Cả Mỹ và Trung Quốc đều ra tuyên bố thông báo về kế hoạch này vào ngày 6/5.

Cũng trong buổi họp báo ngày 7/5, ông Li Yunze, người đứng đầu Cục Quản lý Tài chính Quốc gia Trung Quốc (NFRA), cam kết sẽ sớm đưa ra một loạt chính sách tài trợ để giúp ổn định thị trường nhà đất và thị trường vốn.

Ông cũng đề cập đến kế hoạch triển khai một gói chính sách nhằm tăng cường tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và công ty tư nhân. Ông nói thêm rằng Trung Quốc sẽ cho phép thêm nhiều ngân hàng thành lập chi nhánh đầu tư tài sản tài chính để rót vốn vào các công ty công nghệ.

Ông Lynn Song, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ING Bank, nhận xét: “Các quan chức Trung Quốc chọn thời điểm khá thích hợp để công bố các biện pháp hỗ trợ.

Đồng nhân dân tệ đang có xu hướng tăng và các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ vừa được thông báo trước đó, do vậy động thái cắt giảm lãi suất sẽ không bị coi là sự nhượng bộ trước áp lực thuế quan”.

Các động thái mới đánh dấu sự thay đổi rõ rệt về các ưu tiên của PBoC. Trong những tháng gần đây, các nhà hoạch định chính sách tập trung vào việc bảo vệ nhân dân tệ và kiềm chế hoạt động đầu cơ trên thị trường trái phiếu thay vì nới lỏng chính sách tiền tệ.

Tờ Bloomberg chỉ ra rằng nếu không có các biện pháp kích thích mạnh mẽ, nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu giảm tốc rõ rệt trong quý II, khiến các quan chức khó đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2025 là khoảng 5%.

Ông Frances Cheu, Giám đốc điều hành của ngân hàng Oversea-Chinese Banking Corp., đánh giá: “Thông báo ngày hôm nay phản ánh nỗ lực chung của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhằm hỗ trợ thanh khoản, đồng thời kích thích thị trường và nền kinh tế nói chung. Một nền kinh tế bền bỉ cũng sẽ giúp Trung Quốc có lợi thế khi đàm phán thuế quan”.

Giang

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/nhtw-trung-quoc-ha-lai-suat-va-ty-le-du-tru-bat-buoc-bom-it-nhat-1000-ty-ndt-thanh-khoan.html