Nhu cầu bức thiết của cát sạch trong xây dựng
Cát sạch dành cho xây dựng công trình đã thể hiện ưu điểm lớn so với cát bẩn, cát không qua sàng rửa. Công trình bền đẹp, tuổi thọ trên 100 năm đều có sự đóng góp từ việc dùng nguồn cát sạch.
Nhu cầu bức thiết của cát sạch trong xây dựng
Chính phủ chỉ đạo cụ thể
Ngày 18/8/2020 Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1266/QĐ–TTg phê duyệt chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, định hướng đến năm 2050. Theo Quyết định, các tỉnh thành phải hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng; khuyến khích đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất các dây chuyền chế biến cát nghiền, cát biển, cát vùng nước mặn, cát nước lợ, cát mịn thành cát đủ tiêu chuẩn sử dụng cho bê tông và vữa;...
Bên cạnh đó, ngày 17/9/2020, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Văn bản số 4516/BXD–VLXD yêu cầu UBND các tỉnh thành trực thuộc Trung ương sớm có kế hoạch, phương án, đề án, chiến lược phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn phù hợp với chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, định hướng đến năm 2050 đúng theo tinh thần của Quyết định số 1266/QĐ-TTg.
Cát sạch ích nước lợi nhà
Trên thực tế, nguồn cát tự nhiên gồm cát đồi núi, cát sông suối, cát cửa sông, cửa biển… chưa qua tuyển rửa nên trong cát còn nhiều bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ. Đây là những chất bẩn có hại cho bê tông và vữa.
Hiện nay, trong nước đã có doanh nghiệp nghiên cứu chế tạo ứng dụng thành công công nghệ tuyển rửa cát đồi núi, cát sông suối, cát biển, cát bẩn cho ra cát sạch dùng cho bê tông và vữa đạt tiêu chuẩn TCVN 7570:2006, khi ứng dụng công nghệ sẽ tận thu các nguồn cát đặc biệt góp phần sử dụng hợp lý tài nguyên cát và khắc phục tình trạng khan hiếm cát.
Kiến trúc sư Trần Thanh Tòng - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thiết kế kiến trúc quy hoạch Trấn Giang cho biết: Hơn 10 năm qua, Công ty Trấn Giang luôn sử dụng cát sạch theo công nghệ Phan Thành cho tất cả công trình xây dựng. Công trình sử dụng cát sạch có tăng chi phí một chút so với cát bẩn nhưng đổi lại công trình sử dụng cát sạch sẽ rất bền, đẹp, tuổi thọ cao gấp nhiều lần nếu so với việc sử dụng cát bẩn, cát không sàng rửa.
Ông Võ Tấn Dũng - người sáng chế công nghệ tuyển rửa cát của Công ty Phan Thành Cần Thơ cho biết: “Thực tế khi cát sông Tiền, sông Hậu qua nhà máy tuyển rửa sạch thì chi phí tiền cát trong xây dựng thấp hơn so với chi phí khi dùng cát không qua tuyển rửa khoảng 115.000 đ/ m3 cát. Ngoài ra, sử dụng cát sạch góp phần đảm bảo chất lượng nên không phải tốn chi phí sơn nhiều lần, giảm phí bảo dưỡng công trình… đặc biệt tuổi thọ cả trăm năm so với việc dùng cát không qua tuyển rửa. Chính vì vậy, Thủ Tướng Chính Phủ ban hành Quyết định số 1266/QĐ-TTg là thiết thực, riêng nguồn tài nguyên cát được khuyến khích thay đổi công nghệ khai thác tiên tiến kết hợp tuyển rửa sạch góp phần sử dụng hợp lý tài nguyên cát và đảm bảo chất lượng công trình của toàn dân bền vững”.
Năm 2007, ông Võ Tấn Dũng là người phát kiến công nghệ sàng rửa cát bẩn thành cát sạch, phục vụ đắc lực cho ngành xây dựng, được nhiều nơi hoan nghênh, ứng dụng. Chính công trình sáng chế này đã đưa ông Dũng đến với Giải thưởng WIPO dành cho nhà sáng chế xuất sắc nhất nhờ vào phát minh “Hệ thống thiết bị sàng rửa cát sạch đạt tiêu chuẩn cát xây dựng”, do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) trao tặng.
Ông Võ Tấn Dũng hiện nay ngoài chức danh chuyên gia kỹ thuật Công ty CP công nghệ cát sạch Phan Thành (TP. Cần Thơ) còn kiêm chức Phó giám đốc Công ty CP cát đá Việt sàng rửa sạch. Thời gian qua, ông Dũng đã nhận nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bộ ban ngành Trung ương và các khen thưởng giá trị khác.