Nhu cầu dầu của Trung Quốc giảm mạnh nhất kể từ khi Vũ Hán bị phong tỏa

Trung Quốc đang phải đối mặt với cú sốc nhu cầu dầu lớn nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch Covid-19 khi những nỗ lực của nước này nhằm kiểm soát biến thể Omicron làm tổn thương nhiều khu vực rộng lớn của nền kinh tế.

Một chốt kiểm tra giấy tờ xét nghiệm Covid-19 đối với tài xế xe tải ở TP. Diêm Thành, tỉnh Giang Tô, sát Thượng Hải. Hoạt động vận tải hàng hóa ở miền đông Trung Quốc đã bị ách tắc vì các quy tắc kiểm dịch nghiêm ngặt này. Ảnh: Getty

Nhu cầu về xăng, dầu diesel và nhiên liệu hàng không trong tháng 4 ở nền kinh tế lớn thứ hai dự kiến sẽ giảm 20% so với một năm trước đó, tương đương mức suy giảm tiêu thụ dầu 1,2 triệu thùng/ngày, theo những người nắm rõ thông tin ngành năng lượng của Trung Quốc. Đây là mức tổn thất nhu cầu dầu lớn nhất ở Trung Quốc từ khi TP. Vũ Hán bị đặt dưới lệnh phong tỏa cách đây hơn hai năm.

Mức sụt giảm đó tương đương với khoảng 9% nhu cầu dầu hàng ngày của Trung Quốc khi so sánh với mức trung bình trong năm 2021. Nhu cầu xăng bị ảnh hưởng lớn nhất, trong khi nhu cầu nhiên liệu máy bay giảm từ mức vốn đã thấp, các lãnh đạo giấu tên ở các công ty dầu khí Trung Quốc tiết lộ với điều kiện ẩn danh vì họ không được phép thảo luận công khai vấn đề này. Họ cho biết dù nhu cầu diesel giảm sâu ở ngành vận tải nhưng nhu cầu nhiên liệu này từ lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất công nghiệp cũng đã hỗ trợ phần nào.

Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã phải vật lộn để kiểm soát đợt bùng phát dịch covid-19 mới nhất, dẫn đến một loạt các lệnh phong tỏa trên khắp đất nước, đáng chú ý nhất là ở trung tâm tài chính Thượng Hải. Bắc Kinh vẫn kiên định với chiến lược “zero Covid” với các quy tắc phòng chống dịch nghiêm nghặt, khiến hoạt động vận tải và sản xuất công nghiệp bị tác động nặng nề, gây đình trệ các chuỗi cung ứng và kìm hãm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.

Các nhà kinh tế được Bloomberg thăm dò ý kiến đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của họ đối với Trung Quốc một lần nữa. Trong tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo: “Chúng ta vẫn chưa bước ra khỏi cái bóng của một đại dịch trăm năm mới xảy ra một lần”. Ông cũng bảo vệ cách tiếp cận kiểm soát dịch bệnh dựa vào lệnh phong tỏa.

Trung Quốc đã ngăn chặn thành công các đợt bùng phát dịch lẻ tẻ trong hai năm qua nhưng trong làn sóng lây nhiễm hiện nay, biến thể Omicron rất dễ lây lan, khiến các nỗ lực nhằm dập tắt dịch trở nên khó khăn hơn. Trung Quốc đang siết chặt chiến lược “zero Covid” dù các nước khác chọn cách mở cửa và sống chung với Covid.

Lãnh đạo các công ty dầu khí Trung Quốc cho biết nhu cầu xăng dầu ở miền đông Trung Quốc đã giảm khoảng 40% trong tháng này, chủ yếu do Thượng Hải bị phong tỏa. Chính quyền thành phố Thượng Hải đang quyết liệt thực thi các hạn chế kiểm soát Covid-19 sau khi chứng kiến số ca tử vong tăng lên với 11 ca vào ngày 22-4, mức cao nhất trong một ngày từ trước đến nay.

Lệnh phong tỏa cũng đang gây sức ép lớn cho các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc. Tập đoàn hóa dầu nhà nước hàng đầu Trung Quốc Sinopec, cùng với các nhà máy lọc dầu ở tỉnh Sơn Đông đã buộc phải cắt giảm công suất do mức tiêu thụ nhiên liệu trong nước suy giảm. Điều đó dẫn đến tồn kho nhiên liệu tăng nhanh, khiến các nhà máy lọc dầu kêu gọi chính phủ cấp thêm hạn ngạch để xuất khẩu xăng dầu nhiều hơn.

Dù cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của Trung Quốc đã gây ra một số tác động đến thị trường dầu, giá dầu chuẩn quốc tế Brent vẫn duy trì trên mốc 100 đô la / thùng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra vào cuối tháng 2. Ngân hàng Morgan Stanley nhận định đợt bùng phát dịch ở Trung Quốc chỉ tác động đến nhu cầu dầu trong ngắn hạn và mức thâm hụt nguồn cung lớn hơn dự kiến từ Nga và Iran sẽ hỗ trợ giá dầu. Trong báo cáo phân tích hôm 21-4, ngân hàng này nâng dự báo giá dầu Brent trong quý 3 lên mức 130 đô la/thùng và nhận định mức thiếu hụt nguồn cung dầu khoảng 1 triệu thùng/ngày sẽ kéo dài dai dẳng trong suốt năm nay.

Trong tuần này, Tân Hoa Xã đưa tin giới chức trách Trung Quốc đã cam kết giữ ổn định chuỗi cung ứng và hoạt động sản công nghiệp bằng cách tháo gỡ những trở ngại trong lĩnh vực hậu cần. Nhu cầu xăng dầu ở miền đông Trung Quốc dự kiến dần phục hồi trong đầu tháng 5, theo dự báo của giới lãnh đạo ở các công ty dầu khí Trung Quốc.

Theo Bloomberg

Báo cáo của hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy công bố hôm 22-4 dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ suy giảm 1,4 triệu thùng/ngày trong năm nay về mức trung bình 99,6 triệu thùng/ ngày, thấp hơn mức 100,2 triệu thùng/ngày trong năm 2019. Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu dầu suy giảm là do chiến sự ở Ukraine, lạm phát tăng, các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc và tình trạng gián đoạn của các chuỗi cung ứng. Claudio Galimberti, Phó Chủ tịch Rystad Energy, nói: “Kịch bản tồi tệ nhất do chiến sự ở Ukraine là giá dầu Brent leo lên mức 180 đô la/thùng vào quý 4, khiến tăng trưởng kinh tế trì trệ hơn nữa và đã tàn phá nhu cầu dầu”.

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/nhu-cau-dau-cua-trung-quoc-giam-manh-nhat-ke-tu-khi-vu-han-bi-phong-toa/