Nhu cầu mua hàng từ Trung Quốc tăng lên, giá sắn nguyên liệu tăng trở lại

Từ đầu tháng 2/2023 đến nay, giá thu mua nguyên liệu sắn tăng tại nhiều tỉnh, thành phố do nhu cầu mua hàng từ thị trường Trung Quốc tăng trở lại.

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, đầu tháng 2/2023, giá thu mua nguyên liệu tăng tại nhiều tỉnh, thành phố. Hiện giá sắn tươi thu mua tại Tây Ninh dao động ở mức 3.150 - 3.250 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với cuối tháng 1/2023. Tại Đắk Lắk giá dao động ở mức 2.600 - 2.650 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg so với cuối tháng 1/2023. Tại Gia Lai giá dao động ở mức 2.650-2.700 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg so với cuối tháng 1/2023.

Nhu cầu mua hàng từ Trung Quốc tăng lên, giá sắn nguyên liệu tăng trở lại

Nhu cầu mua hàng từ Trung Quốc tăng lên, giá sắn nguyên liệu tăng trở lại

Tại miền Bắc, giá sắn tươi dao động ở mức 1.850-2.350 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg so với cuối tháng 1/2023. Giá tinh bột sắn bán ra cũng tăng theo xu thế chung của thị trường khi nhu cầu mua hàng từ Trung Quốc tăng lên. Có nhiều cửa khẩu đường bộ được phía Trung Quốc mở cửa trở lại, thuận lợi hơn cho các nhà máy phía Bắc Việt Nam giao hàng theo hình thức DAF (giao hàng cho người mua tại biên giới, hay tại địa điểm cụ thể được quy định trên biên giới đó).

Các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá trong khoảng 455 - 485 USD/tấn FOB - cảng TP. Hồ Chí Minh, tăng 10 USD/tấn so với cuối tháng 1/2023 do giá nguyên liệu tăng. Hiện đã có nhiều đơn vị ở khu vực Quy Nhơn mở kho thu mua sắn lát khi chất lượng hàng tốt tại thời điểm chính vụ.

Giá xuất khẩu sắt lát sang thị trường Trung Quốc khoảng 280 USD/tấn FOB - Quy Nhơn, tăng 20 USD/tấn so với cuối tháng 1/2023. Trong khi, giá xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc khoảng 330 USD/tấn FOB - Quy Nhơn, tăng 20 USD/tấn so với cuối tháng 1/2023.

Theo tính toán, lượng hàng sắn lát Việt Nam đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Hàn Quốc vụ này có thể giảm, do năng suất sắn giảm. Thu hoạch sắn tại nhiều vùng dự kiến kết thúc trong khoảng 2 tháng tới.

Trước đó, trong tháng 1, tình hình xuất khẩu sắn khá ảm đạm. Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn cho Trung Quốc. Việc thị trường này giảm nhập khẩu khiến xuất khẩu sắn trong tháng 1 cũng giảm mạnh.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, tháng 1/2023, Việt Nam xuất khẩu được 236,09 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 92,7 triệu USD, giảm 39,4% về lượng và giảm 39,3% về trị giá so với tháng 12/2022; So với tháng 1/2022 giảm 9% về lượng và giảm 17,1% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 392,6 USD/tấn, tăng 0,1% so với tháng 12/2022, nhưng giảm 8,8% so với tháng 1/2022.

Riêng mặt hàng sắn, trong tháng 1/2023, xuất khẩu sắn đạt 58,65 nghìn tấn, trị giá 15,06 triệu USD, giảm 26,2% về lượng và giảm 26,4% về trị giá so với tháng 12/2022; so với tháng 1/2022 giảm 25% về lượng và giảm 28,1% về trị giá. Giá sắn xuất khẩu bình quân ở mức 256,8 USD/tấn, giảm 0,3% so với tháng 12/2022 và giảm 4,2% so với tháng 1/2022.

Trong tháng 1/2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc chiếm tới 94,69% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, với 223,56 nghìn tấn, trị giá 86,88 triệu USD, giảm 39,9% về lượng và giảm 39,8% về trị giá so với tháng 12/2022; So với tháng 1/2022 giảm 10,5% về lượng và giảm 18,6% về trị giá.

Nhìn chung, trong tháng 1/2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang phần lớn các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên, xuất khẩu sang một số thị trường vẫn tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022 như: Philippines và Malaysia.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhu-cau-mua-hang-tu-trung-quoc-tang-len-gia-san-nguyen-lieu-tang-tro-lai-243162.html