Nhu cầu mua sắm máy tính cá nhân sẽ tăng mạnh trong năm 2022

Với kết quả tăng trưởng tích cực trong năm 2021, thị trường máy tính cá nhân toàn cầu được giới chuyên môn đánh giá sẽ bùng nổ trong năm 2022 trong bối cảnh thế giới bước vào giai đoạn 'tăng tốc số hóa'.

Người dùng bị hạn chế di chuyển giúp các loại máy tính để bàn gia tăng doanh số.

Người dùng bị hạn chế di chuyển giúp các loại máy tính để bàn gia tăng doanh số.

Số lượng máy tính mua mới nhiều lên đáng kể trong năm 2021

Theo số liệu do hãng nghiên cứu thị trường Canalys công bố ngày 12-1-2022, quý cuối năm 2021 chứng kiến số lượng máy tính để bàn, máy tính xách tay và máy trạm (workstation) bán ra tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 92 triệu chiếc. Thành tích này góp phần vào tổng doanh số máy tính cá nhân toàn cầu trong năm 2021 là 341 triệu chiếc, tăng 15% so với năm 2020 (tương ứng 297,6 triệu máy bán ra).

Kết quả kinh doanh này càng nổi bật khi ngành công nghệ trong năm qua liên tục đối mặt khó khăn do thiếu hụt linh kiện bán dẫn. Giới chuyên môn nhận định, số máy tính bán ra tăng cao chưa từng thấy, vượt tới 27% so với thời điểm trước dịch là năm 2019, là minh chứng rõ nét cho tiến trình chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ do đại dịch Covid-19. Trong đó, một xu hướng đáng chú ý là tỷ lệ máy tính để bàn tăng mạnh 7% (đạt 66 triệu chiếc) cho thấy việc bị hạn chế đi lại khiến người dùng có xu hướng giảm sự quan tâm đối với kích thước thiết bị số của mình, thay vào đó ưu tiên hiệu năng và tính năng.

Số lượng bán ra tăng cao ngoài mọi kỳ vọng cũng cho thấy người dùng trên khắp thế giới tích cực mua bổ sung máy tính mới, thay vì chỉ nâng cấp hay thay thế các máy đang sử dụng. Trong đó, sinh viên thực hiện học tập từ xa và người cao tuổi mua máy tính lần đầu chiếm tỷ lệ đáng kể.

Lợi nhuận tập trung vào các tên tuổi hàng đầu

Doanh số cao đem tới lợi nhuận “khủng” cho các nhà sản xuất. Riêng trong quý cuối năm vừa qua, doanh thu từ máy tính cá nhân các loại đạt 70 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020. Tính toàn năm 2021, các nhà sản xuất thu về tới 250 tỷ USD, tăng 15% so với con số 220 tỷ USD của năm 2020.

Trong đó, Lenovo là hãng đứng đầu thị trường, với 82,1 triệu máy bán ra, tăng 13,1% so với năm 2020. Ở vị trí thứ hai và thứ ba lần lượt là HP và Dell, với doanh số lần lượt đạt 74,1 triệu máy (tăng trưởng 9,5%) và 59,3 triệu máy (tăng trưởng 8,9%). Mặc dù chỉ đứng ở vị trí thứ tư với 29 triệu máy tính bán ra, Apple lại là nhà sản xuất kinh doanh tốt nhất trong năm 2021, với mức tăng trưởng lên tới 28,3%. Trong khi đó, Acer “chốt” danh sách tốp 5, với 24,4 triệu máy bán ra, tăng trưởng 21,8%.

Với kết quả kinh doanh nói trên, thứ hạng thị phần máy tính cá nhân năm 2021 không có nhiều thay đổi so với trước đó. Lenovo vẫn dẫn đầu với 24,1% thị phần, trong khi HP, Dell, Apple, Acer lần lượt nắm giữ các thứ hạng còn lại, tương ứng 21,7%, 17,4%, 8,5% và 7,1% thị phần.

Xu hướng học tập, làm việc, giải trí tại nhà sẽ tiếp tục thúc đẩy doanh số máy tính cá nhân trong năm nay.

Xu hướng học tập, làm việc, giải trí tại nhà sẽ tiếp tục thúc đẩy doanh số máy tính cá nhân trong năm nay.

Kỳ vọng lớn cho giai đoạn “tăng tốc số hóa” năm 2022

Dự báo về thị trường máy tính cá nhân năm 2022, giới chuyên môn cho rằng, nếu như năm 2021 đã chứng kiến việc chuyển đổi số khởi động, năm nay sẽ là giai đoạn “tăng tốc số hóa”, đồng nghĩa nhu cầu mua sắm sẽ tăng vọt.

Tuy nhiên, khác với các năm trước, người tiêu dùng sẽ theo xu hướng tập trung đầu tư cho các loại máy tính cao cấp, song song nâng cấp phụ kiện và màn hình giúp họ có thể làm việc ở mọi nơi, mọi lúc mà không ảnh hưởng tới năng suất. Trong bối cảnh đó, việc các nhà sản xuất phải đưa ra được những loại máy tính nhanh hơn, tốt hơn, bền bỉ hơn và có tính bảo mật cao hơn trở thành thách thức lớn.

Các ý kiến cũng cảnh báo giữa lúc thực trạng nhu cầu thiết bị số tăng cao như vậy, chuỗi cung ứng, sản xuất sẽ tiếp tục gặp khó khăn về nguồn cung. Điều này không chỉ diễn ra ở nhóm sản phẩm máy tính cá nhân mà cả điện thoại thông minh, máy chủ hay ô tô…

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/oto-xemay/1022360/nhu-cau-mua-sam-may-tinh-ca-nhan-se-tang-manh-trong-nam-2022