Nhu cầu nhân lực lớn cho ngành bán dẫn
Trong bối cảnh các tập đoàn lớn như Samsung, Intel và Foxconn gia tăng đầu tư vào Việt Nam, ngành bán dẫn đang trở thành động lực mới của kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, việc thiếu hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực chính là rào cản lớn đối với sự phát triển bền vững của ngành.
Xây dựng chiến lược đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn
Tại Việt Nam, mục tiêu của chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 9/2024, phấn đấu đến năm 2030 đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực trình độ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn; đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế, ít nhất 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế TP. Hồ Chí Minh, hiện cả nước mỗi năm chỉ mới đào tạo 1.000 sinh viên bậc đại học lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, hầu như chưa có trường cao đẳng nào đào tạo phần sản xuất, đóng gói, kiểm nghiệm.
“Về nhu cầu sử dụng nhân lực, nếu thiết kế vi mạch cần 1 người thì cần 2-5 người cho phần còn lại: sản xuất, đóng gói, kiểm nghiệm. Khâu này cần nhân lực rất lớn nhưng lại chưa được chú trọng đào tạo”, ông Lý chia sẻ.

Ngành công nghiệp điện tử đang là động lực tạo việc làm quan trọng tại Việt Nam
Đề cập đến tầm quan trọng của nguồn nhân lực bán dẫn tại Việt Nam, chuyên gia chính sách thị trường lao động và việc làm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ông Felix Weiden Kaff nhận định rằng, ngành công nghiệp điện tử đang là động lực tạo việc làm quan trọng tại Việt Nam, nhất là các vị trí có tay nghề trung bình trong sản xuất thiết bị máy tính, điện tử và quang học.
Ông Felix Weiden Kaff cho biết, nhiều động lực đang làm thay đổi sâu sắc bản chất công việc và yêu cầu về kỹ năng, bao gồm tiến bộ công nghệ (robot, tự động hóa, vật liệu tiên tiến), toàn cầu hóa (căng thẳng địa chính trị, dịch chuyển chuỗi giá trị) và biến đổi khí hậu (xu hướng giảm sử dụng các sản phẩm điện tử gây hại môi trường).
Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cần xây dựng hệ sinh thái đầy đủ, không chỉ về nhân lực mà còn cả hạ tầng, logistics và chuỗi cung ứng. Mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn trong vòng 5 - 10 năm tới là thách thức lớn nếu thiếu nền tảng chiến lược và hành động cụ thể ngay từ bây giờ.
Cần xây dựng một hệ sinh thái nhân lực toàn diện
TS. Chử Đức Hoàng, Chánh văn phòng Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định, với mục tiêu đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực chất lượng cao, Việt Nam đang gặp khó khăn vì thiếu chiến lược về chất lượng và cấu trúc, tức là việc đào tạo mới đáp ứng 15% trình độ quốc tế và 40% cần đào tạo lại sau tuyển dụng. Cùng với đó, Việt Nam chỉ đào tạo khoảng 22% yêu cầu kỹ năng chuyên sâu, thiếu hụt 85% chuyên gia đầu ngành. Không chỉ vậy, tỷ lệ "chảy máu chất xám" lên đến 35%, trong đó 70% sinh viên xuất sắc du học không trở về và 65% kỹ sư được đào tạo ở nước ngoài không quay lại sau 5 năm làm việc.
TS. Hoàng đề xuất cần áp dụng mô hình đào tạo song cấp: Đào tạo đồng thời giảng viên và sinh viên thông qua các giáo sư thỉnh giảng, từ đó tạo ra đội ngũ nhân lực tinh hoa. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của việc thu hút các “đại bàng” công nghệ bằng các chính sách ưu đãi vượt trội, môi trường sống và điều kiện làm việc hấp dẫn.
Bên cạnh đó, các trường đại học cần được trao quyền tự chủ học thuật, tái cấu trúc linh hoạt, xây dựng phòng thí nghiệm dùng chung, thúc đẩy hợp tác đào tạo, khuyến khích các mô hình spin-off và startup trong lĩnh vực công nghệ cao. Đặc biệt, ông nhấn mạnh yêu cầu đi liền giữa tiếp nhận và làm chủ công nghệ, chuyển giao công nghệ phải gắn với sở hữu trí tuệ để tạo giá trị thực tế.
TS. Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo quốc gia cho rằng, chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái nhân lực toàn diện, không chỉ bao gồm đào tạo kỹ sư và kỹ thuật viên, mà còn cần xây dựng những lãnh đạo công nghệ đủ tầm để dẫn dắt ngành bán dẫn. Chính phủ, doanh nghiệp và trường đại học cần làm việc với nhau chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo nguồn nhân lực Việt Nam sẽ đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành bán dẫn trong tương lai.
Ông Lê Văn Thinh - Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, ngành công nghệ chất bán dẫn là xu hướng và là nền tảng cốt lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh đang ưu tiên thu hút đầu tư công nghệ cao, bán dẫn được xác định là một trong những lĩnh vực trọng điểm, cần được đầu tư đồng bộ cả về hạ tầng và nhân lực. Theo ông Thinh, việc đào tạo nhân lực cho ngành này mang giá trị chiến lược quốc gia, chứ không chỉ dừng ở lợi ích kinh tế.
Thực tế, thời gian qua, làn sóng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn lan tỏa khắp các địa phương như Bắc Ninh, Phú Thọ, Đà Nẵng… Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, nhân lực, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, những nỗ lực của các địa phương sẽ giúp Việt Nam từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nhu-cau-nhan-luc-lon-cho-nganh-ban-dan-167777.html