Nhu cầu nhân lực tài chính giai đoạn 2026-2030 cần 16.000-17.500 người mỗi năm

Dự báo nhu cầu nhân lực bình quân hàng năm của ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giai đoạn 2026 - 2030 vào khoảng 16.000 - 17.500 người.

Nhu cầu nhân lực tài chính giai đoạn 2026-2030 vào khoảng 16.000-17.500 người

Nhu cầu nhân lực tài chính giai đoạn 2026-2030 vào khoảng 16.000-17.500 người

Thông tin được Trường ĐH Tài chính - Marketing đưa ra tại Hội nghị "Hiệu quả đào tạo chương trình tích hợp và chương trình tiếng Anh toàn phần nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng, Công nghệ tài chính, Kế toán", diễn ra sáng nay (5/1), tại TPHCM.

PGS.TS Huỳnh Thế Nguyễn - Trưởng phòng Quản lý khoa học (Trường ĐH Tài chính - Marketing) cho hay, năm 2024, Việt Nam đạt nhiều thành tựu nổi bật, ước tính: GDP tăng khoảng 7%; Quy mô kinh tế khoảng 470 tỷ USD; Thặng dư thương mại khoảng 24 tỷ USD; Tổng thu Ngân sách Nhà nước vượt 19%; thu hút dòng vốn FDI 40 tỷ USD… Tất cả những yếu tố này là tiền đề cho sự tăng trưởng kinh tế và việc làm từ năm 2025.

Riêng tại TPHCM, năm 2024, kinh tế Thành phố cũng có nhiều điểm sáng, ước tính: GRDP tăng khoảng 7,17%; Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11% (gần 1,2 triệu tỷ đồng); Kim ngạch xuất khẩu tăng 8,3%, kim ngạch nhập khẩu tăng 5,9%; Thu ngân sách tăng 13,3%.

 Dự báo nhu cầu nhân lực bình quân hàng năm của ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giai đoạn 2026 - 2030 vào khoảng 16.000 - 17.500 người.

Dự báo nhu cầu nhân lực bình quân hàng năm của ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giai đoạn 2026 - 2030 vào khoảng 16.000 - 17.500 người.

“Đề án Xây dựng TPHCM trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại và có giá trị gia tăng cao đã tập trung vào 3 nhóm: Nhóm ngành ưu tiên chiến lược có 5 lĩnh vực, trong đó có 3 lĩnh vực lớn là Tài chính - ngân hàng - bảo hiểm; Logistics và Du lịch; Nhóm ngành tiềm năng có 3 lĩnh vực, trong đó có 1 lĩnh vực mới là Hoạt động dịch vụ kinh tế số; và nhóm ngành bổ trợ có 3 lĩnh vực, trong đó có 2 lĩnh vực lớn là Thương mại và Bất động sản” - ông Thế Nguyễn nhận định.

Trong tình hình đó, chuyên gia này dự báo nhu cầu lao động tại TPHCM trong giai đoạn 2025 – 2030 ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kế toán vào khoảng 15.500 – 16.500 người/năm.

Ngành Tài chính - Ngân hàng không chỉ là một lĩnh vực nghề nhiều triển vọng, với nhu cầu lao động trong lĩnh vực rất cao, đặc biệt trong điều kiện TPHCM trở thành Trung tâm tài chính quốc tế. Sinh viên lựa chọn ngành này, tại trường Đại học Tài chính – Marketing sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng tốt nhất để phát triển nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế” - PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Linh - Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, nói.

Đặc biệt, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết thành lập Trung tâm tài chính quốc tế (Nghị quyết 259/NQ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ) tại TPHCM, cùng với đó là Chiến lược phát triển giáo dục (QĐ 1705/QĐ-TTg ngày 31/12/2024) của Thủ tướng, TPHCM đang tập trung mạnh vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và có năng lực làm việc toàn cầu, đặc biệt là nhân lực trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kế toán.

“Chúng tôi đang tập trung cho các ngành ưu tiên chiến lược gồm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, Kế toán theo các định hướng: Định hướng quốc tế; Tích hợp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế; Nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo” - PGS.TS Huỳnh Thế Nguyễn chia sẻ thêm.

PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Linh - Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường ĐH Tài chính - Marketing) cũng khẳng định, cơ hội việc làm và thu nhập của nhóm ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kế toán thời gian tới là rất lớn.

Cụ thể, theo bà Mỹ Linh, ngành tài chính đang chiếm tỷ trọng khoảng 16% GRDP TPHCM, với tăng trưởng bình quân 7,9%/năm. Trong khi đó, việc chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ với sự bùng nổ của fintech, thanh toán số và AI trong kinh doanh tài chính. Chưa kể, sự tham gia của các định chế tài chính quốc tế, các doanh nghiệp quốc tế, thị trường chứng khoán, dòng vốn đầu tư vào/ra sẽ tăng lên, làm tăng cao nhu cầu về nhân lực chất lượng cao ngành tài chính ngân hàng.

“Dự báo nhu cầu nhân lực bình quân hàng năm của ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giai đoạn 2026 - 2030, vào khoảng 16.000 - 17.500 người” - bà Mỹ Linh thông tin.

Quốc Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhu-cau-nhan-luc-tai-chinh-giai-doan-2026-2030-can-16000-17500-nguoi-moi-nam-post714743.html