Nhu cầu ra nước ngoài làm việc tăng mạnh
Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã đưa 48.363 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Con số trên vừa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thông tin cho thấy, đưa lao động ra nước ngoài làm việc đã dần ổn định và phát triển trở lại.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết, cơ quan này đang tiếp tục thúc đẩy hợp tác để mở rộng các thị trường mới, nhiều tiềm năng. Cơ hội ra nước ngoài làm việc cho người lao động sẽ ngày càng được mở rộng, tăng thêm nhiều lựa chọn cho những người có nhu cầu, đặc biệt là các thị trường có thu nhập cao.
Lao động đăng ký đi Hàn Quốc cao kỷ lục
Ngày 16/5, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, số lượng lao động đăng ký dự thi tiếng Hàn đợt 1 đông gấp ba lần so với chỉ tiêu cả năm, lên đến gần 45.000 người. Nhu cầu ra nước ngoài làm việc của lao động Việt Nam, đặc biệt là tại các thị trường lớn đang tăng rất mạnh. Gần 45.000 người đăng ký, đây là con số kỷ lục trong các kỳ thi tiếng Hàn từ trước tới nay. Số người đăng ký rất đông, tuy nhiên phía Hàn Quốc chỉ phân bổ cho Việt Nam 15.400 người trong năm 2024. Ngành sản xuất chế tạo chiếm hơn 80% tổng số thí sinh dự thi với hơn 36.000 người, trong khi chỉ tiêu tuyển dụng chỉ hơn 11.000 người.
Bà Phạm Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết, kỳ thi năng lực tiếng Hàn đợt 1 năm 2024 dành cho lao động đi làm việc các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng và sản xuất chế tạo theo Chương trình EPS diễn ra tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Thanh Hóa. Tỉ lệ đỗ năng lực tiếng Hàn trong 3 nhóm ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng chỉ đạt 58%, song đến vòng thi tay nghề tỉ lệ đỗ trên 90%. Người lao động đạt yêu cầu qua 2 vòng thi mới được làm hồ sơ dự tuyển để giới thiệu với chủ sử dụng Hàn Quốc.
“Kỳ thì được kiểm soát chặt chẽ, phía Hàn Quốc cũng sẽ tham gia giám sát suốt quá trình thí sinh làm bài. Nếu bị phát hiện gian lận, thi hộ, thí sinh sẽ bị hủy kết quả thi và cấm thi trong 4 năm. Yêu cầu không dễ, trong khi đó số lượng người đăng ký vượt xa so với chỉ tiêu được phân bổ cho thấy nhu cầu đi làm việc ở Hàn Quốc của lao động Việt Nam là rất lớn”, bà Lan cho hay.
Là thị trường luôn dẫn đầu về thu hút lao động Việt Nam, dù đồng Yên của Nhật Bản mất giá dẫn đến thu nhập giảm nhưng sự quan tâm của lao động Việt Nam vẫn không ngừng tăng. Theo bà Lê Thúy Hằng, Giám đốc điều hành Công ty CP Cung ứng nhân lực Tadashi, thị trường Nhật Bản vẫn có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối người lao động do chế độ phúc lợi, văn hóa, môi trường làm việc phù hợp với người lao động Việt Nam, chính sách gia hạn visa, chuyển đổi visa để hưởng mức lương cao hơn, kéo dài thời gian làm việc tại Nhật Bản vô cùng dễ dàng, thuận lợi. Việc đồng Yên mất giá chỉ là tạm thời, và mức lương cho người lao động vẫn hấp dẫn.
“Một lý do nữa khiến nhu cầu sang Nhật Bản liên tục tăng cao là các công ty Nhật luôn bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Số lượng lao động sang Nhật Bản làm việc vẫn ngày một tăng lên. Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản luôn chiếm hơn 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm”, bà Hằng cho hay.
Thúc đẩy mở rộng thị trường
Thông tin về công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài những tháng đầu năm 2024, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan này thời gian qua là ổn định các thị trường truyền thống và phát triển thêm các thị trường mới. Đối với các thị trường lớn truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, các bên đã thường xuyên có các trao đổi và thúc đẩy hợp tác quan hệ lao động.
Đơn cử như Nhật Bản, đây là thị trường lớn nhất và cũng thu hút sự quan tâm nhiều nhất của lao động Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mới đây đã đề xuất phía Nhật Bản mở thêm nhóm nghề kỹ năng đặc định tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực nhà hàng và sản xuất chế biến thực phẩm. Đây là hai lĩnh vực lợi thế của Việt Nam và cũng đã có những khảo sát đánh giá nhu cầu trong 2 lĩnh vực này là rất lớn.
Trong khi đó, với thị trường mới như Hungary, để thúc đẩy quan hệ hợp tác đưa lao động đi làm việc tại nước này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng vừa đề nghị phía bạn làm rõ hơn các vấn đề về hành lang pháp lý, tạo điều kiện để hỗ trợ người lao động Việt Nam đi làm việc. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ lao động Việt Nam trong việc cấp VISA lao động; hỗ trợ các đơn vị tuyển chọn lao động Việt Nam trong việc đào tạo ngoại ngữ để giúp lao động dễ hòa nhập hơn trong môi trường mới.
“Tập trung mở rộng các thị trường tiềm năng cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của lĩnh vực đưa lao động ra nước ngoài làm việc. Đơn cử như thị trường Arab Saudi. Hiện đang có khoảng 5.000 lao động Việt Nam làm việc tại Arab Saudi, chủ yếu là lao động giúp việc gia đình, xây dựng, dịch vụ nhà hàng. Đây là con số chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác phát triển của hai nước. Tiềm năng phát triển quan hệ lao động giữa hai nước là rất lớn, tuy nhiên hiện chưa khai thác được những kết quả tương xứng, đặc biệt trong vấn đề hợp tác nhân lực về đào tạo nghề. Do đó, những thị trường tiềm năng như thế này cũng sẽ được tập trung mở rộng, để có thêm nhiều lựa chọn hơn nữa cho người lao động khi muốn ra nước ngoài làm việc”, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho hay.
Theo kế hoạch năm 2024, Việt Nam sẽ đưa khoảng 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Con số tính đến hết tháng 4 là 48.363. Trong thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh, và nâng cao chất lượng công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp; tăng cường hỗ trợ người lao động về nước đúng hạn hòa nhập thị trường lao động trong nước.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/nhu-cau-ra-nuoc-ngoai-lam-viec-tang-manh-i731454/