Nhu cầu sử dụng khí đốt của Trung Quốc sẽ tăng 82% cho đến năm 2030
Theo Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc Sinopec, nhu cầu sử dụng khí thiên nhiên tại Trung Quốc sẽ tăng 82% từ mức 280 tỷ mét khối trong năm 2018 lên mức 510 tỷ mét khối trong năm 2030 do sự đô thị hóa, mở rộng sản xuất công nghiệp và sản xuất điện năng.
Nhu cầu sử dụng khí thiên nhiên tại Trung Quốc trong năm 2019 được dự báo sẽ vượt mức 300 tỷ mét khối, tăng 10% so với năm 2018. Đáng chú ý, nhu cầu sử dụng khí đốt tại các khu đô thị của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng mạnh trong 10 – 15 năm tới đây trong bối cảnh đô thị hóa tại Trung Quốc tăng nhanh. Trong năm 2018, tốc độ đô thị hóa của Trung Quốc đạt 59,7% và mức độ sử dụng khí đốt tại khu vực đô thị đạt 50,9%. Hai chỉ số này được dự báo sẽ đều vượt mức 70% trong 10 năm tới.
Số liệu của Sinopec cho thấy nhu cầu sử dụng khí đốt của các đô thị tại Trung Quốc lên đến 92,5 tỷ mét khối trong năm 2018, chiếm 30% tổng nhu cầu sử dụng khí đốt của nước này. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng khí đốt của khu vực sản xuất công nghiệp đạt 110,6 tỷ mét khối trong năm 2018, tăng 19,2 tỷ mét khối so với năm 2017 và chiếm gần 40% tổng nhu cầu sử dụng khí đốt của Trung Quốc.
Nhu cầu sử dụng khí đốt trong khu vực sản xuất công nghiệp của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới dưới tác động của các chính sách bảo vệ môi trường và sự mở rộng của hoạt động sản xuất.
Bên cạnh đó, việc đưa thêm nhiều nhà máy điện khí vào hoạt động trong vài năm tới cũng sẽ đẩy nhu cầu sử dụng khí đốt tăng lên. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng khí đốt cho sản xuất năng lượng tại Trung Quốc sẽ chậm lại do Chính phủ Trung Quốc giảm dần trợ cấp và mức lợi nhuận kém hấp dẫn. Trong năm 2018, Trung Quốc đã sử dụng 48,4 tỷ mét khối khí đốt để sản xuất điện năng, tương ứng 17% tổng nhu cầu khí đốt của nước này.
Trong năm 2019, Chính phủ Trung Quốc đã giảm 10% giá điện cho các hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, giá khí đốt hóa lỏng (LNG) nhập khẩu tại Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt trung bình 3.024 NDT/mt, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Mặc dù giá LNG giao ngay hiện đã chạm mức thấp nhất trong lịch sử, Trung Quốc cũng như một số quốc gia Châu Á khác vẫn đang nhập khẩu hầu hết lượng LNG theo các hợp đồng dài hạn. Hãng phân tích thị trường Platts Analytics cho biết lượng LNG được Trung Quốc nhập khẩu theo các hợp đồng dài hạn là khoảng 50 triệu mt và chỉ có 5% trong số này sẽ hết hạn trong 5 năm tới. Các nguồn tin thị trường cho biết nhiều nhà máy điện khí tại Trung Quốc đang rơi vào tình trạng thua lỗ và một số nhà máy đã ngưng hoạt động.
Giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng vượt mức kỷ lục, đạt 50 NDT/kg