Nhu cầu tại Trung Quốc chững, xuất khẩu cao su của Việt Nam quý II/2024 giảm cả lượng và trị giá
Xuất khẩu cao su của Việt Nam quý II/2024 giảm cả về lượng và trị giá, chủ yếu tác động từ nhu cầu cao su tại Trung Quốc thời gian chững lại do kinh tế nước này phục hồi chưa khả quan như kỳ vọng.
Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho biết, trong quý II/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam giảm do nhu cầu cao su chững lại tại Trung Quốc do tình hình kinh tế chưa khả quan. Điểm sáng của xuất khẩu cao su là giá tăng cao, mở ra triển vọng tăng trưởng xuất khẩu cho ngành cao su Việt Nam.
Thời gian tới, nhu cầu của Trung Quốc vẫn là yếu tố chủ chốt tác động đến hoạt động xuất khẩu cao su của Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do sự suy giảm của thị trường bất động sản, trong khi tâm lý tiêu dùng và kinh doanh cũng yếu.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý II/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 311,55 nghìn tấn, trị giá 499,17 triệu USD, giảm 24,8% về lượng và giảm 17,8% về trị giá so với quý I/2024; giảm 19,1% về lượng và giảm 3,8% về trị giá so với quý II/2023.
Về thị trường xuất khẩu, trong quý II/2024, cao su của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang khu vực châu Á, chiếm 88,5% về lượng và chiếm 87,44% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước.
Quý II/2024, xuất khẩu cao su sang khu vực châu Á đạt 275,74 nghìn tấn, trị giá 436,47 triệu USD, giảm 23,9% về lượng và giảm 16,9% về trị giá so với quý I/2024; giảm 20,8% về lượng và giảm 6,4% về trị giá so với quý II/2023.
Trong quý II/2024, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 64,63% về lượng và 62,06% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, đạt 201,34 nghìn tấn, trị giá 309,76 triệu USD, giảm 30,1% về lượng và giảm 24% về trị giá so với quý I/2024; giảm 30,5% về lượng và giảm 19,2% về trị giá so với quý II/2023.
Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Ấn Độ chiếm 9,32% về lượng và chiếm 9,8% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, đạt 29,02 nghìn tấn, trị giá 48,91 triệu USD, tăng 0,1% về lượng và tăng 8,3% về trị giá so với quý I/2024; tăng 4,1% về lượng và tăng 27% về trị giá so với quý II/2023.
Về chủng loại xuất khẩu, trong quý II/2024, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 51,4% về lượng và chiếm 51,25% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, với 160,15 nghìn tấn, trị giá 255,82 triệu USD, giảm 32,2% về lượng và giảm 25,8% về trị giá so với quý I/2024; giảm 34,9% về lượng và giảm 23,7% về trị giá so với quý II/2023.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,69% về lượng và chiếm 99,24% về trị giá trong tổng xuất khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của cả nước, với 159,65 nghìn tấn, trị giá 253,88 triệu USD, giảm 35% về lượng và giảm 24% về trị giá so với quý II/2023.
Về giá xuất khẩu, trong quý II/2024, giá bình quân xuất khẩu phần lớn các chủng loại cao su đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023 như: RSS1 tăng 38,4%; RSS3 tăng 32,4%; Latex tăng 30,6%; Skim block tăng 29,4%; SVR 10 tăng 26,2%; SVR CV50 tăng 26%; SVR 3L tăng 24%; SVR CV60 tăng 22,7%...