Nhu cầu than cấp thiết của Ấn Độ
Tại Ấn Độ, mặc dù sản lượng than trong nước đạt mức kỷ lục, giới chức trách vẫn thúc giục các nhà sản xuất điện gia tăng dự trữ do lo ngại nguy cơ không thể đáp ứng nhu cầu năng lượng.
Do khủng hoảng năng lượng và giá cả tăng cao, nhiều quốc gia mới nổi đã quay sang sử dụng than để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về điện. Báo La Tribune mới đây cho biết tại Ấn Độ, mặc dù sản lượng than trong nước đạt mức kỷ lục, giới chức trách vẫn thúc giục các nhà sản xuất điện gia tăng dự trữ do lo ngại nguy cơ không thể đáp ứng nhu cầu năng lượng do tăng trưởng kinh tế đặt ra.
Giống như các nước châu Âu khốn đốn vì khí đốt, Ấn Độ đang tìm cách đảm bảo dự trữ than để đáp ứng nhu cầu điện gia tăng dự kiến vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Theo công bố của Bộ Năng lượng Ấn Độ (MEI), than chiếm 70% nguồn điện tại nước này và các nhà sản xuất điện được khuyến khích tăng 6% dự trữ than từ nay đến tháng Chín. Nếu không làm vậy, ngành sản xuất điện của Ấn Độ sẽ thiếu hụt khoảng 24 triệu tấn.
Ấn Độ là quốc gia khai thác ngày càng nhiều than qua hàng năm. Sản lượng than tại nước này tăng 6,3% trong năm 2021 với 805 triệu tấn và tăng 11% trong năm 2022 với 893 triệu tấn. Dự tính đến năm 2025 sẽ đạt 1 tỷ tấn, nhưng nỗ lực này vẫn được đánh giá là chưa đủ. Theo dữ liệu mới nhất do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố, mức tiêu thụ than của Ấn Độ đạt 959 triệu tấn trong năm 2021 (+14,2%) và 1,027 tỷ tấn năm 2022 (+7,1%).
Do vậy, Ấn Độ buộc phải tính đến phương án cấp thiết là nhập khẩu. Nếu lượng nhập khẩu than tại nước này đã giảm 10,3% vào năm 2021 thì trong năm 2022 đã tăng trở lại 7,8% (+152 triệu tấn). MEI dự kiến khối lượng nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Khai thác và thương mại than là một lĩnh vực quan trọng đối với “người khổng lồ châu Á” này. Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani, người giàu thứ ba thế giới sau tỷ phú Bernard Arnault và Elon Musk, kiếm tiền chủ yếu nhờ buôn bán than.
Ngay cả khi than vẫn là loại năng lượng rẻ nhất, giá quốc tế của nó vẫn khá cao. Không giống như khí đốt tự nhiên và dầu mỏ đã giảm trở lại mức trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine cuối tháng 2/2022, giá quốc tế tham chiếu cho châu Á, do thị trường Newcastle (Australia) cung cấp vào giữa tuần này, đã đạt gần ngưỡng 400 USD/tấn, tức là cao hơn 99% so với một năm trước.
Mức giá này có thể sẽ được duy trì trong thời gian dài do nhu cầu thế giới tiếp tục tăng. Không giống châu Âu, Mỹ hay Trung Quốc, nền kinh tế Ấn Độ đang đạt tốc độ tăng trưởng “đáng ghen tị” là 7,3% trong năm 2022. Đây là một trong những thành tích tốt nhất trên thế giới trong bối cảnh kinh tế trì trệ. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, kinh tế Ấn Độ có thể tăng trưởng 6,6% trong năm 2023.
Trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong năm nay và để vận hành nền kinh tế ở một tốc độ tăng trưởng cao như hiện nay, Ấn Độ sẽ chắc chắn cần nhiều điện hơn và do đó cần nhiều than hơn. IEA cho biết “mức tiêu thụ than của Ấn Độ đã tăng gấp đôi kể từ năm 2007, với tốc độ 6% mỗi năm. Chính nền kinh tế này đang thúc đẩy nhu cầu than toàn cầu”. Riêng năm 2022, Ấn Độ đưa vào khai thác 64 mỏ mới.
Vào thời điểm mà hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng bộc lộ rõ, những lời kêu gọi ngừng sử dụng than càng bức thiết, thì việc lập kỷ lục tiêu thụ than như Ấn Độ rõ ràng là một nghịch lý. Bởi vì bất chấp các tuyên bố tại các diễn đàn khí hậu thế giới, không chỉ các nước mới nổi mà ngay cả các nền kinh tế phát triển vẫn tiếp tục sử dụng các năng lượng hóa thạch, kể cả than.
Theo báo cáo công bố đầu tuần này của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), khác với trường hợp của Mỹ - tỷ lệ điện do than tạo ra tại Mỹ tăng 20% trong năm 2022, 18% trong năm 2023 và 17% trong năm 2024, châu Âu đang đi theo hướng đáng lo ngại.
Cuộc khủng hoảng năng lượng bắt đầu vào mùa thu năm 2021 do “một loạt trục trặc” như thiếu gió ở Anh và Đức, sự cố tại các cơ sở hạt nhân ở Pháp, mực nước thủy điện thấp khắp châu lục..., đã được khuếch đại bởi xung đột ở Ukraine.
Nga đã sử dụng năng lượng làm công cụ gây áp lực lên các nước châu Âu, buộc nhiều nước phải tìm kiếm nguồn cung hoặc các giải pháp thay thế. Và một trong số đó chính là than, đặc biệt là ở Ba Lan và Đức. Hệ quả là nhập khẩu than của châu Âu tăng 6% trong năm 2022.
Nhu cầu than gia tăng của châu Âu còn góp phần làm cho mức tiêu thụ than của thế giới đạt mức kỷ lục lịch sử trong năm 2022. Cụ thể, tiêu thụ than toàn cầu đã tăng 1,2% lên hơn 8 tỷ tấn sau khi tăng 6% trong năm 2021. Mức tăng “khiêm tốn” trong năm 2022 được giải thích bởi sự suy giảm kinh tế ở Trung Quốc vì chính sách “Không COVID” mà nước này áp đặt trong một thời gian dài.
Mặc dù vậy, thị trường than thế giới không vì thế mà bớt căng thẳng. Nếu sản lượng than cũng đạt kỷ lục lịch sử vào năm 2022, ở mức 8,32 tỷ tấn (+5,4%), thì hoạt động khai thác đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu. Trong báo cáo thường niên công bố cuối tháng 12/2022, IEA đã nhấn mạnh “than sẽ tiếp tục là nguồn phát thải carbon dioxide lớn nhất trong hệ thống năng lượng toàn cầu” và dự báo tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất cho đến năm 2025.
Nếu các nước mới nổi trông chờ vào khí đốt ít gây ô nhiễm hơn để thay thế than đá, thì xung đột ở Ukraine đã làm đảo lộn tất cả. Năm 2022, nhu cầu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các nước châu Âu tăng đột biến, không chỉ khiến giá tăng vọt lên mức cao lịch sử mà còn làm chuyển hướng một khối lượng lớn LNG lẽ ra được dành cho các nền kinh tế mới nổi, chẳng hạn như Pakistan, sang "lục địa già" - các nước sẵn sàng trả giá cao để thỏa mãn nhu cầu trước mùa Đông. Hệ quả là các nước mới nổi đã phải chuyển sang sử dụng than.
Để chống biến đổi khí hậu, tháng 11/2022 tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức tại Indonesia, Thủ tướng Narendra Modi đã cam kết đến năm 2030 sẽ hoàn thành mục tiêu 50% lượng điện tại Ấn Độ sẽ được sản xuất từ năng lượng tái tạo. Một mục tiêu đầy tham vọng nhưng phản ánh đúng sự năng động của Ấn Độ trong lĩnh vực này.
Ấn Độ là thị trường lớn thứ hai ở châu Á về khả năng sản xuất điện Mặt Trời mới và lớn thứ ba trên toàn cầu (bổ sung 13 GW trong năm 2021). Quốc gia này hiện đứng thứ tư về tổng số công trình lắp đặt (60,4 GW), lần đầu tiên vượt Đức (59,2 GW). Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn cần những nỗ lực to lớn để có thể thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ năng lượng khổng lồ của chính mình./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhu-cau-than-cap-thiet-cua-an-do/277622.html