Nhu cầu than tăng vọt trên toàn thế giới

Ngày 9-8, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ra thông báo cho biết cuộc khủng hoảng khí đốt, chủ yếu do xung đột ở Ukraine, đã khiến nhu cầu than toàn cầu tăng mạnh, ước tính mức tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu tăng 0,7% vào năm 2022, đạt 8 tỷ tấn.

Một nhà máy nhiệt điện tại Đức

Một nhà máy nhiệt điện tại Đức

Nhu cầu cho phục hồi

Theo IEA, ước tính nêu trên dựa trên giả định nền kinh tế Trung Quốc phục hồi như dự kiến trong nửa cuối năm nay. Nhu cầu về nhiên liệu này còn phụ thuộc nhiều yếu tố để đạt mức kỷ lục được ghi nhận 10 năm trước. Từ năm 2021, sản lượng than tiêu thụ đã tăng trở lại, khoảng 6%. Theo báo cáo, tiêu thụ than toàn cầu trong năm 2021 đã lên hơn 7,9 tỷ tấn. Hiện tượng này một mặt có thể được giải thích bởi sự gia tăng các hoạt động sản xuất và kinh tế sau cú sốc của đại dịch Covid-19, và mặt khác là do giá khí đốt tự nhiên tăng lên khiến nhiều nước có xu hướng chuyển sang sử dụng than đá, trong đó đặc biệt là Ấn Độ - nơi nhu cầu sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch này ngày càng được thúc đẩy để phục vụ tăng trưởng kinh tế.

Là nước tiêu thụ lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã tăng nhu cầu thêm 4,6% vào năm 2021, đạt mức kỷ lục 4,23 tỷ tấn. Nền kinh tế điện đã tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm 2021 và IEA ước tính lượng than tiêu thụ cho sản xuất điện của nước này đã tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Liên minh châu Âu (EU), nhu cầu than cũng dự kiến tăng 7% do xuất khẩu khí đốt của Nga giảm. Trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, một số quốc gia EU đã nâng số giờ vận hành của các nhà máy nhiệt điện đang hoạt động bằng than, kéo dài tuổi thọ của những nhà máy vốn đã được lên kế hoạch đóng cửa. Thậm chí, phải mở cửa trở lại một số nhà máy để phục vụ sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, IEA cũng nhấn mạnh rằng châu Âu chỉ chiếm khoảng 5% lượng tiêu thụ than trên thế giới.

Việc sử dụng than giúp cho các nước đạt được những khoản tiết kiệm không hề nhỏ, nhất là khi giá dầu lửa và khí đốt đang gia tăng. Tuy nhiên, các chương trình phục hồi kinh tế của các nước đã góp phần đẩy lượng khí thải carbon dioxide tăng đến mức kỷ lục, gây hiệu ứng nhà kính và ảnh hưởng đến môi trường sống. IEA cảnh báo: “Việc tiếp tục đốt một lượng lớn than trên khắp thế giới sẽ làm gia tăng mối lo ngại về khí hậu, vì than là nguồn chính phát thải CO2 liên quan đến năng lượng”.

Xu hướng chưa giảm

Nhà kinh tế Carine Sebi thuộc Đại học Quản trị Grenoble (Pháp) dẫn dự báo của Tổ chức nghiên cứu năng lượng Enerdata (có trụ sở tại Pháp) cho biết, từ nay đến năm 2040, tỷ trọng nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn điện trên thế giới chưa giảm. Trung Đông, Mỹ Latinh và châu Âu sẽ là 3 khu vực có tỷ trọng nhiệt điện than thấp nhất thế giới, lần lượt là 1,9%, 4% và 7,4%. Ấn Độ (54,2%), Indonesia (44,3%) và Trung Quốc (38,7%) vẫn sẽ là 3 nước có tỷ trọng nhiệt điện than cao nhất do có trữ lượng than đá dồi dào và mang lại nhiều lợi nhuận về kinh tế.

Xét về ngắn hạn và trung hạn, nhu cầu điện trên thế giới vẫn tiếp tục tăng, nhất là do nhu cầu ở các nước có nền kinh tế mới nổi tăng mạnh. Đồng thời, sẽ có thêm nhiều lĩnh vực sử dụng điện, nhất là xe hơi chạy bằng điện. Theo dự báo của IEA, từ nay đến năm 2030, số xe hơi chạy điện sẽ tăng lên đến 125-220 triệu chiếc. Hiện chính phủ nhiều nước đã đề ra kế hoạch cấm xe chạy bằng xăng và diesel, chuyển hoàn toàn sang xe hơi chạy điện: Na Uy vào năm 2025, Hà Lan - năm 2030, Scotland - năm 2032, Pháp và Anh - năm 2040. Xe hơi chạy điện sẽ khiến nhu cầu sử dụng điện tăng, nhu cầu than đá vì thế khó có thể giảm nhanh.

VIỆT ANH tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//nhu-cau-than-tang-vot-tren-toan-the-gioi-833658.html