Nhu cầu thịt cá voi ở Na Uy tăng sau nhiều năm suy giảm

Nhu cầu về thịt cá voi ở Na Uy đã tăng sau nhiều năm suy giảm, mặc dù các nhà bảo tồn cảnh báo việc nới lỏng các quy định đã tạo ra các mối đe dọa đối với cá voi.

Nhu cầu về thịt cá voi ở Na Uy đã tăng sau nhiều năm suy giảm, mặc dù các nhà bảo tồn cảnh báo việc nới lỏng các quy định đã tạo ra các mối đe dọa đối với cá voi.

Na Uy là một trong ba quốc gia (cùng với Nhật Bản và Iceland) cho phép buôn bán cá voi. Phần lớn thu hoạch sau khi đánh bắt được cung cấp cho Nhật Bản, quốc gia có nhu cầu tiêu thụ lớn. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, ngành đánh bắt cá voi Na Uy cho biết nhu cầu tiêu thụ thịt cá voi trong nước tăng nhanh.

480 cá thể cá voi Minke đã được đánh bắt trong năm 2020, chiếm gần 50% hạn ngạch hàng năm cho phép (1.278 cá thể). Năm ngoái, chỉ có 429 cá thể cá voi bị đánh bắt và đó là số liệu thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Đội đánh bắt cũng đã giảm với chỉ 12 tàu tham gia đánh bắt, so với 34 tàu năm 2004.

Trong nỗ lực tăng cường đội tàu đánh bắt cá voi, chính phủ Na Uy đã nới lỏng các quy định về tham gia đánh bắt cá voi trong năm nay.

Ông Odd Emil Ingebrigtsen, Bộ trưởng Nghề cá Na Uy cho biết: “Điều tích cực là chúng tôi đã tăng được sản lượng khai thác và đáp ứng nhu cầu thực phẩm năm nay. Sửa đổi các quy định là một trong các nỗ lực đúng thời điểm và đạt hiệu quả đối với các quy định khai thác thủy sản ở Na Uy. Các rào cản không cần thiết đối với việc đánh bắt cá voi đã được dỡ bỏ”.

Tuy nhiên, các nhà bảo tồn đã chỉ trích nghề đánh bắt cá voi lâu đời ở Na Uy. Kate O’Connell, chuyên gia về động vật biển tại Viện quyền lợi động vật cho biết, nới lỏng các quy định sẽ gây ra các mối quan ngại về tình trạng cá voi bị giết hại.

Bà khẳng định: “Yêu cầu chỉ một người trên tàu có kinh nghiệm về đánh bắt cá voi và chỉ đánh bắt một lần trong vòng sáu năm trước là không bảo đảm cho khả năng sống sót của cá voi. Việc thay đổi này không quan tâm đến lợi ích của việc bảo tồn động vật và đặc biệt là cá voi”.

Trong khi chưa phải là thực phẩm chủ yếu trong bữa ăn ở Na Uy, thịt cá voi lại là nguồn thực phẩm chủ đạo ở một số quốc gia.

Nhưng gần đây, Hopen Fisk, một công ty có trụ sở đặt tại phía bắc khu vực Lofoten, một quần đảo ở Na Uy cho biết nhu cầu về thịt cá voi đã tăng và kho dự trữ đã cạn vào tháng 7.

Roy Størkersen, Giám đốc của Hopen Fisk cho biết ông tin rằng nhu cầu tăng có mối liên quan đến sự quan tâm của ngành thực phẩm và người tiêu dùng do đã nhàm chán các thực phẩm công nghiệp như thịt bò và thịt lợn.

Nhu cầu tăng về thịt cá voi do Na Uy đánh bắt cũng đã xuất hiện ở tầm quốc tế. Năm ngoái, 200 tấn thịt cá voi đã được xuất khẩu đến Nhật Bản với trị giá 1,1 triệu bảng Anh.

Người phát ngôn của Cơ quan thủy sản Nhật Bản cho biết: “Mặc Nhật Bản đã khôi phục việc đánh bắt cá voi từ tháng 7-2019, nhu cầu nhập khẩu thịt cá voi từ Na Uy không hề giảm. Do đó, chúng tôi cho nhập khẩu từ Na Uy và Iceland sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường nội địa”.

Buôn bán thương mại cá voi đã bị cấm trên toàn thế giới từ 30 năm trước. Tuy nhiên, Na Uy đã trì hoãn được lệnh cấm từ Ủy ban cá voi quốc tế (IWC) vào năm 1986 và không bị tác động bởi lệnh cấm trên.

Hiện có khoảng 100.000 cá thể cá voi Minke trong tự nhiên và chúng chưa được Tổ chức bảo tồn thế giới (IUCN) xem là loài nguy cấp. Tuy nhiên, các nhà bảo tồn khuyến cáo các quốc gia có phân bố cá voi không nên khai thác loài thú biển khổng lồ này.

O’Connell cho biết: “Với quyết định nới lỏng các quy định để tăng các đội tàu, chúng tôi tin rằng Na Uy cần nhận thức rằng đánh bắt cá voi không phải là ngành nghề bền vững và phải tuân thủ hạn ngạch đánh bắt cá voi do IWC công bố”.

Cá voi Minke có tên khoa học là Balaenoptera bonaerensis thuộc Phụ lục I CITES – Nghiêm cấm buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại.

BẢO TỒN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/vi-moi-truong-xanh/nhu-cau-thit-ca-voi-o-na-uy-tang-sau-nhieu-nam-suy-giam-615537/