Nhu cầu trang thiết bị phòng dịch Covid-19 vẫn rất cao
Theo báo cáo mới nhất của lực lượng quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng trang thiết bị y tế phòng dịch Covid-19.
Tuy nhiên, do nguồn hàng cung cấp hạn chế nên xảy ra tình trạng khan hiếm các loại hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế, nước sát khuẩn.
Cục QLTT các tỉnh, thành phố đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xử lý theo quy định để sớm đưa số khẩu trang đã tịch thu ra thị trường. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Aeon Việt Nam, Công ty cổ phần TM và DV Hoàng Dương, Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân và Hệ thống siêu thị Big C cung cấp các sản phẩm khẩu trang vải ra thị trường, phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục QLTT, trong ngày 17/2, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra, giám sát 82 vụ, phát hiện xử lý 12 vụ vi phạm, số tiền xử phạt gần 30 triệu đồng và tạm giữ gần 81,5 nghìn chiếc khẩu trang. Tính từ ngày 31/1 đến nay, lực lượng QLTT đã tiến hành kiểm tra, giám sát, xử lý hơn 4,5 nghìn vụ.
Một số vụ việc điển hình như chiều ngày 15/2, tại TP Hồ Chí Minh, đội QLTT số 01, Đội QLTT số 16 phối hợp cơ quan công an kiểm tra xưởng sản xuất thuộc Công ty TNHH SX thiết bị khẩu trang y tế KATAVI (KATAVI) tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân.
Lực lượng chức năng đã phát hiện doanh nghiệp này đang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn KATAVI, 4 lớp, loại 50 chiếc/hộp. Công ty KATAVI đã tự công bố tiêu chuẩn theo TCVN số 8389-1:2010 và 8389-2:2010 (khẩu trang y tế - khẩu trang y tế thông thường - khẩu trang y tế phòng nhiễm khuẩn).
Nhưng thực tế đoàn công tác đã kiểm tra và phát hiện khẩu trang được sản xuất tại đây chỉ có 02 lớp không dệt màu và 02 lớp vải không dệt màu trắng, không có lớp giữa vải lọc kháng khuẩn, chưa phù hợp với tiêu chuẩn cơ sở tự công bố áp dụng với số lượng gồm 20.000 chiếc (400 hộp).
Ngoài ra, tại xưởng đang chứa 10.000 chiếc khẩu trang 3D không nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ và 08 cuộn vải do Trung Quốc sản xuất không có hóa đơn chứng từ. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để xử lý theo quy định.
Cùng ngày 15/2, Đội QLTT số 1 tiếp tục kiểm tra Kho trung chuyển - Nhà xe vận chuyển Trọng Tấn, địa chỉ số 789 Lê Thị Riêng, phường Thới An, quận 12, TP Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra đội phát hiện 30.000 chiếc khẩu trang kháng khuẩn (50 hộp/thùng, 50 chiếc/hộp chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ. Đội lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng trên để tiếp tục xác minh, làm rõ.
Trước đó, vào ngày 14/2, Đội QLTT số 7 phối hợp với Công an huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn kiểm tra xe ô tô 7 chỗ, biển kiểm soát 30F-187.12 do ông Hoàng Tuấn Anh, sinh năm 12/9/1991 điều khiển.
Qua kiểm tra, phát hiện, tạm giữ toàn bộ 21.400 chiếc khẩu trang chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ gồm: Khẩu trang kháng khuẩn 4 lớp, nhãn hiệu Việt Anh, số lượng 12.500 chiếc; Khẩu trang kháng khuẩn, nhãn hiệu Hoàng Anh, số lượng 4.600 chiếc; Khẩu trang kháng khuẩn than hoạt tính, nhãn hiệu BoniBoni, số lượng 4.300 chiếc.