Nhu cầu vàng cao kỷ lục, giá sẽ tiếp tục tăng trong năm nay?
Hội đồng Vàng Thế giới cho biết nhu cầu vàng cao kỷ lục trong năm 2023, giá vàng có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.
Giá vàng trung bình hàng năm trong năm 2023 cao nhất trong lịch sử
Báo cáo Xu hướng nhu cầu vàng của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, nhu cầu tiêu dùng vàng tại Việt Nam bị ảnh hưởng bởi xu hướng kinh tế toàn cầu năm 2023.
Cụ thể, nhu cầu vàng hàng năm (không bao gồm thị trường phi tập trung OTC) giảm xuống còn 4.448 tấn trong năm 2023, giảm 5% so với mức tăng đáng chú ý trong năm 2022. Khi gộp cả nhu cầu từ thị trường mua bán vàng không qua sàn giao dịch tập trung và các nguồn khác,1 tổng nhu cầu về vàng đã tăng lên mức kỷ lục hàng năm mới là 4.899 tấn.
Theo đánh giá của Hội đồng Vàng Thế giới, đầu tư từ nguồn nhu cầu không chính thống này đã đẩy giá vàng trung bình hàng năm trong năm 2023 lên mức cao nhất trong lịch sử.
Hội đồng Vàng Thế giới cho hay, từ năm 2022, các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì mua vàng với tốc độ chóng mặt, đưa nhu cầu về vàng năm ngoái đạt mức cao kỷ lục thứ hai với 1.037 tấn, giảm 45 tấn so với năm 2022.
Nhu cầu tiêu dùng vàng tại Việt Nam nói chung giảm nhẹ, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái từ 59,1 tấn trong năm 2022 xuống còn 55,5 tấn trong năm 2023. Vàng miếng và vàng xu đã có mức giảm nhẹ 2% trong năm 2023 so với cùng kỳ, ở mức 40 tấn. Đáng chú ý, đầu tư vàng tại Việt Nam tăng mạnh trong Quý 4 nhờ sự điều chỉnh giá.
Tuy nhiên, Việt Nam đã có sự suy giảm đáng kể về nhu cầu vàng trang sức, giảm 16% xuống còn 15 tấn. Sự suy giảm này được thể hiện bằng bốn quý liên tiếp giảm so với cùng kỳ năm trước, do tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát tương đối cao trong khu vực.
Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới cho biết: Trong Quý 4/2023, Việt Nam đã có đợt tăng đầu tư vàng do điều chỉnh giá; tuy nhiên, nhu cầu tăng và các sự lựa chọn đầu tư vàng bị hạn chế đã dẫn đến mức chênh lệch đáng kể đối với các thỏi vàng SJC chính thức, đạt khoảng 600-700 USD/ounce.
Trái với nhu cầu mạnh mẽ của thị trường phi tập trung và khu vực ngân hàng trung ương, dòng vốn vàng trên toàn cầu của ETF (quỹ giao dịch hoán đổi) tiếp tục chảy ra trong năm 2023, tiêu tốn 244 tấn, trong đó các dòng vốn chảy ra ở châu Âu là mạnh nhất.
Nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu trên toàn cầu đã hạ nhiệt giảm 3% do thế mạnh ở một số thị trường giúp bù đắp cho sự yếu kém ở những nơi khác. Tại các thị trường khác trong khu vực ASEAN bao gồm Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Singapore, nhu cầu vàng miếng và vàng xu cũng giảm lần lượt 2%, 4%, 5% và 8% so với cùng kỳ năm trước.
Nhu cầu đầu tư vàng của châu Âu tiếp tục giảm mạnh, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này được bù đắp bằng sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc, nơi nhu cầu đầu tư vàng bán lẻ hàng năm tăng 28% lên 280 tấn; kết hợp với mức tăng đáng chú ý ở Ấn Độ (185 tấn), Thổ Nhĩ Kỳ (160 tấn) và Mỹ (113 tấn).
Thị trường vàng trang sức trên toàn cầu cho thấy tiềm năng phục hồi đáng kể trong bối cảnh giá tăng cao kỷ lục khi nhu cầu tăng 3 tấn so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng, ghi nhận nhu cầu vàng tăng 17% khi quốc gia này phục hồi sau lệnh phong tỏa vì COVID-19, bù đắp cho mức giảm 9% ở Ấn Độ.
Sản lượng khai thác vàng tương đối ổn định vào năm 2023, tăng 1%. Vàng tái chế tăng 9%, thấp hơn dự kiến do giá vàng cao và đẩy tổng nguồn cung tăng 3%.
Các yếu tố thúc đẩy giá vàng
Theo đánh giá của bà Louise Street, Nhà phân tích thị trường cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu ổn định từ các ngân hàng trung ương một lần nữa hỗ trợ nhu cầu vàng trong năm nay và giúp bù đắp sự yếu kém ở các lĩnh vực khác của thị trường, làm cho nhu cầu vàng trong năm 2023 cao hơn mức trung bình 10 năm.
Bên cạnh chính sách tiền tệ, sự bất ổn về địa chính trị thường là nhân tố chính thúc đẩy nhu cầu vàng vào năm 2024. Điều này sẽ có tác động rõ rệt đến thị trường. Các cuộc xung đột đang diễn ra, căng thẳng thương mại và hơn 60 cuộc bầu cử diễn ra trên khắp thế giới có khả năng thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển sang vàng vì đây từ lâu được xem là tài sản tích trữ an toàn, bà Louise Street nhận định.
Nhà phân tích của Hội đồng Vàng Thế giới cũng cho rằng, các ngân hàng trung ương thường lấy kết quả hoạt động của vàng trong thời kỳ khủng hoảng làm lý do để mua, điều này cho thấy nhu cầu từ lĩnh vực này sẽ duy trì ở mức cao trong năm nay và có thể giúp bù đắp sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng do giá vàng tăng cao và tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Tại thị trường trong nước, giá vàng hôm nay 1/2/2024 liên tiếp bứt phá, vàng SJC hiện đã vượt ngưỡng 78 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Trong khi đó, giá vàng thế giới giao ngay cũng tăng nhẹ, dao động quanh mức 2.040 USD/ounce.
Cụ thể, lúc 16h chiều 1/2, Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng mua vào 76 triệu đồng/lượng; bán ra là 78,3 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch hôm qua. Chênh lệch giá mua - bán vàng SJC ở mức 2,3 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới giao dịch trên sàn Kitco tăng 5 USD/oz lên mức 2041,9 USD/oz. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngoại tệ tại Vietcombank: 1 USD = 24.590 VND, giá vàng thế giới tương đương 60,49 triệu đồng/lượng, thấp hơn 17,81 triệu đồng/lượng so với giá bán vàng SJC.
Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 01/2024 tăng 2,55% so với tháng 12/2023 và tăng 15,43% so với cùng kỳ năm trước.