Nhu cầu vàng trên toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong năm 2024

Theo báo cáo thường niên của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng đã đạt mức cao kỷ lục vào năm 2024 trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tiếp tục đẩy mạnh mua vào và nhu cầu đầu tư tăng trưởng.

Tổng giao dịch vàng đạt 4.974 tấn vào năm ngoái, so với 4.899 tấn vào năm 2023, bao gồm cả giao dịch ở các thị trường phi tập trung (OTC).

Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) cho biết: "Vào năm 2024, nhu cầu vàng toàn cầu đã tăng vọt lên mức cao mới và tổng mức kỷ lục trong năm được thúc đẩy bởi sự gia tăng bất ổn về địa chính trị và kinh tế".

Báo cáo cho biết nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương vẫn không ngừng gia tăng và đã đạt được "một cột mốc quan trọng", duy trì tốc độ mua vàng mạnh mẽ liên tục với lượng mua vượt quá 1.000 tấn trong năm thứ ba liên tiếp. Ngân hàng trung ương Ba Lan là tổ chức mua ròng hàng đầu trong số các ngân hàng trung ương, khi bổ sung thêm 90 tấn vào dự trữ ngoại hối trong năm vừa qua.

Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ là tổ chức mua ròng lớn thứ hai trong số các ngân hàng trung ương. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đứng thứ ba, với lượng mua ổn định hàng tháng trừ tháng 12.

Bên cạnh đó, tổng đầu tư hàng năm vào vàng đã tăng 25% lên mức cao nhất trong bốn năm là 1.180 tấn, chủ yếu được thúc đẩy bởi các quỹ ETF.

Tương tự, nhu cầu về vàng thỏi vẫn vững chắc, được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc và Ấn Độ.

"Các nhà đầu tư Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài sản thay thế để đầu tư", báo cáo cho biết.

Đi kèm với đó là sự kết hợp giữa tình hình kinh tế trong nước không chắc chắn, biến động liên tục của thị trường chứng khoán và lợi suất trái phiếu chính phủ thấp kỷ lục đã thúc đẩy các nhà đầu tư trong nước ở Trung Quốc đổ xô vào vàng.

Tại Ấn Độ, nhu cầu về vàng đã tăng lên sau khi chính phủ nước này giảm thuế nhập khẩu vàng từ 15% xuống 6% vào tháng 7.

Nhu cầu đầu tư vàng cũng tăng trên tất cả các thị trường ASEAN vào năm ngoái, với Singapore, Indonesia, Malaysia và Thái Lan báo cáo mức tăng hai chữ số trong năm qua.

Báo cáo cho biết, các khoản đầu tư OTC vẫn ổn định vào năm ngoái và nhu cầu phản ánh những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao muốn phòng ngừa rủi ro địa chính trị và kinh tế. Các giao dịch OTC diễn ra trực tiếp giữa hai bên, không giống như giao dịch do sàn giao dịch thực hiện.

Mặt khác, nhu cầu vàng trong lĩnh vực trang sức đã sụt giảm do chịu áp lực từ giá vàng tăng cao, với mức tiêu thụ giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là trường hợp ngoại lệ duy nhất trong khi các lĩnh vực khác tăng trưởng.

Báo cáo cho biết nhu cầu về trang sức vàng có khả năng vẫn yếu trong năm nay vì sức mua của người tiêu dùng vẫn bị kìm hãm bởi giá cao hơn và tăng trưởng kinh tế yếu.

“Vào năm 2025, chúng tôi kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ vẫn nắm quyền chi phối giá vàng và các nhà đầu tư ETF sẽ tham gia vào xu hướng, đặc biệt là nếu chúng ta thấy lãi suất thấp hơn nhưng không ổn định”, Louise Street, nhà phân tích thị trường cấp cao của WGC cho biết.

Nhu cầu đầu tư nói chung có khả năng vẫn ở mức lành mạnh trong năm nay, với lãi suất dự kiến thấp hơn để giảm chi phí cơ hội khi nắm giữ vàng.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nhu-cau-vang-tren-toan-cau-dat-muc-cao-ky-luc-trong-nam-2024-post362788.html