Nhu cầu vay vốn phục hồi, tăng trưởng tín dụng sớm bứt phá
Nhiều ngân hàng đã ghi nhận sự bứt phá ấn tượng về tăng trưởng tín dụng trong 4 tháng đầu năm. Đặc biệt, nhu cầu vay vốn của nhóm khách hàng cá nhân, nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phục hồi rõ rệt.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 15/4, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,95% so với cuối năm 2024, tích cực hơn kết quả của thời điểm này năm ngoái (tăng 1,21%). So với cùng kỳ, tín dụng toàn hệ thống tăng 18,19%. Giới phân tích nhận định, với tốc độ ấn tượng này, khả năng cao dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng ở mức 16% trong năm nay.
Nhu cầu vốn tăng nhanh
Cuối quý I/2025, VPBank tăng trưởng tín dụng 5,3%, cao hơn mức chung hệ thống, nếu tính cả dư nợ tín dụng hỗ trợ GPBank thì đạt hơn 8,4%. Tại đại hội cổ đông mới đây, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank thông tin, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 25%, tổng dư nợ đến cuối năm theo đó dự kiến đạt 887.724 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Vinh cho biết thị trường vẫn tồn tại nhiều khó khăn, trong đó có chính sách thuế quan của Mỹ. Hiện tại, ban lãnh đạo VPBank đang xem xét, đánh giá và dự báo tác động từ chính sách thuế quan này, từ đó đề ra các kịch bản, giải pháp để hạn chế tác động từ các biến động kinh tế toàn cầu, trong nước tới ngân hàng.
Kết thúc quý I/2025, tăng trưởng tín dụng của SHB đạt 7%, bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB khẳng định, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm nay là hoàn toàn khả thi với đà tăng hiện tại. Để đạt được mục tiêu này, SHB đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phát triển các gói tín dụng phù hợp từng nhóm khách hàng, đồng thời mở rộng cho vay vào các lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích như hạ tầng, tín dụng xanh, công nghệ cao và logistics.

Với tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt gần 4% trong 3,5 tháng đầu năm, khả năng cao dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng ở mức 16% trong năm nay.
Trong năm 2025, ABBank đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức 16%, đạt 127.810 tỷ đồng và mức tăng trưởng này cao hơn đáng kể con số 7,5% năm trước. Tỷ lệ này sẽ được điều chỉnh linh hoạt tùy theo hạn mức tín dụng được NHNN cấp trong từng giai đoạn.
Theo Tổng giám đốc Phạm Duy Hiếu, ABBank sẽ thiết kế các giải pháp tài chính chuyên biệt, đáp ứng nhu cầu từng phân khúc như nhóm khách hàng nhỏ và vừa... Đặc biệt, cung cấp các giải pháp tài chính tiện ích, liên tục cải tiến nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB chia sẻ, tín dụng quý I/2025 của MB tăng trưởng 2,31%, là tốc độ tăng trưởng tốt so với toàn ngành và để đảm bảo trong năm 2025 sẽ sử dụng hết room tăng trưởng tín dụng trên 24%. Trong đó, MB tiếp tục duy trì cấu trúc hơn 50% tín dụng tập trung vào bán lẻ, gần 50% còn lại sẽ tập trung vào doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cả những doanh nghiệp siêu nhỏ, đây là mục tiêu ban đầu của MB và tiếp tục duy trì trong năm 2025.
Có thể thấy hiện nay các ngân hàng đang tìm cách “bơm vốn” vào nền kinh tế. Thông tin tại họp báo Chính phủ ngày 6/5, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết NHNN và 12 ngân hàng đang chuẩn bị để triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD) cho vay lĩnh vực hạ tầng và công nghệ số. Gói tín dụng quy mô lớn này nhằm tạo nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào dự án hạ tầng trọng điểm và công nghệ số, sản xuất thông minh.
Lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Theo dự báo của các chuyên gia Công ty Chứng khoán KBSV, trước những tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan lên tăng trưởng kinh tế, Việt Nam sẽ nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trong nước ở các lĩnh vực đầu tư công, sản xuất, tiêu dùng nội địa. Khi đó, hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế.
Hiện nay, các ngân hàng đang duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp. Số liệu từ NHNN cho thấy, đến ngày 10/4/2025, lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 6,34%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2024.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, so với đỉnh năm 2023, mức lãi suất hiện nay đã giảm đáng kể, nhưng vẫn phổ biến quanh 6 - 8%/năm với vay thế chấp và 13-18%/năm với vay tiêu dùng. Mặt bằng này được coi là "vùng đệm" hợp lý, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế, vừa đảm bảo an toàn hệ thống trong bối cảnh thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều biến số.
Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh các nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, đều bị xáo động bởi chính sách thuế quan áp dụng cho hàng nhập khẩu mà Mỹ đưa ra, các doanh nghiệp kiến nghị cần một mức lãi suất tốt hơn hiện nay.
Song, điều này không dễ dàng với các ngân hàng. Bởi, NHNN cho hay mặt bằng lãi suất sẽ có nhiều sức ép trong thời gian tới do lãi suất cho vay đã có xu hướng giảm sâu thời gian qua. Đồng thời, nhu cầu vốn tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng dự kiến gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, trong khi huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng có thể bị ảnh hưởng và cạnh tranh từ các kênh đầu tư khác (như bất động sản, thị trường chứng khoán).
Trong các phân tích gần đây, một số công ty nghiên cứu thị trường cũng cho rằng việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ trở thành thách thức. Báo cáo của KBSV dự báo lãi suất huy động có thể tăng 1-2%, lãi suất cho vay tăng nhẹ và chậm hơn lãi suất huy động (0,5-1%). Mặc dù vậy, lãi suất vẫn được duy trì ở vùng thấp tương đối và sẽ tiếp tục đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.