Nhu cầu vay vốn tăng trưởng tích cực

Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến 28/6, tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt khoảng 14,3 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với cuối 2023. Trong khi đó, Vụ Dự báo thống kê (NHNN) cho biết, đến thời điểm đầu quý III/2024, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp đã có sự tăng trưởng tích cực.

Vốn ưu đãi giải ngân tăng

Hệ thống ngân hàng có xu hướng điều chỉnh giảm giá bình quân các sản phẩm dịch vụ, nhất là điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Điều này đồng nghĩa rằng các gói tín dụng có mặt bằng lãi suất thấp và có thời gian ưu đãi, ân hạn trả nợ dài đã có sự lan tỏa mạnh.

Ghi nhận thực tế trên thị trường, cho thấy riêng trong tháng 6/2024 tại TP. Hồ Chí Minh tốc độ tăng trưởng tín dụng đã đạt mức 2,03% so với tháng trước đó và trong 6 tháng đầu năm tỷ lệ này tăng trưởng 4%. Theo lãnh đạo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, các chương trình tín dụng ưu đãi, các chính sách cơ cấu lại nợ cho khách hàng, cho vay kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trong các quý đầu năm đều được hệ thống ngân hàng triển khai tích cực.

Đơn cử, dư nợ cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên tại TP. Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng khá, gói tín dụng theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn từ đầu năm có 17 tổ chức tín dụng đăng ký gần 510.000 tỷ đồng đến hết tháng 6/2024 đã giải ngân được hơn 53,7%. Hầu hết các khoản vay đều được hưởng mức lãi suất ưu đãi khá thấp và được doanh nghiệp ghi nhận đáp ứng được nhu cầu về vốn.

Tại Đồng Nai, Bình Dương quy mô tín dụng dù nhỏ hơn so với TP. Hồ Chí Minh, tuy nhiên sức lan tỏa của các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất thấp cũng khá mạnh mẽ. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024 dư nợ tín dụng tại Bình Dương đạt khoảng gần 332.000 tỷ đồng. Hầu hết dòng vốn này đều đã được các ngân hàng tập trung cho vay vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cho vay đời sống, tiêu dùng, mua sắm nhà ở.

Tương tự, tại Đồng Nai, đến hết quý II, tăng trưởng tín dụng đạt mức 6,75%, trong đó, khoảng 118.000 tỷ đồng được các ngân hàng cho vay vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (có trên 15.300 tỷ đồng cho vay không có tài sản đảm bảo); hơn 5.500 tỷ đồng được cho vay đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (khoảng 1.700 khách hàng) với mức lãi suất từ 4%/năm.

Nhiều doanh nghiệp tận dụng lãi suất thấp để mở rộng kinh doanh

Nhiều doanh nghiệp tận dụng lãi suất thấp để mở rộng kinh doanh

Cơ hội tiếp cận vốn mở rộng hơn

Theo kết quả khảo sát của Vụ Dự báo thống kê, với xu hướng tăng trưởng tín dụng tích cực như hiện nay, trong quý III/2024 tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng kỳ vọng có thể đạt mức 3,7%, tức là trong các tháng sắp tới sẽ có khoảng 500.000 tỷ đồng được các tổ chức tín dụng trên cả nước cho vay vào nền kinh tế.

Dự báo cả năm 2024, Vụ Dự báo thống kê cho rằng, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống sẽ đạt mức 14,1%, tăng khoảng 0,47% so với dự báo 13,6% trong lần điều tra xu hướng kinh doanh trước đó. Đồng nghĩa rằng các yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng tín dụng đã được nhiều ngân hàng đặt kỳ vọng cao hơn.

Cũng theo Vụ Dự báo thống kê, trong các tháng còn lại của năm 2024 nhu cầu vay vốn của khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu và nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân sẽ có sự khởi sắc. Các nhóm khách hàng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ, xuất nhập khẩu, thép và kim loại khác và khách hàng vay tiêu dùng (chủ yếu là vay mua nhà để ở) dự báo sẽ là động lực để các NHTM tăng trưởng cho vay.

Về phía ngân hàng, trong hai quý cuối năm xu hướng thúc đẩy tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh sẽ diễn ra phổ biến, nhất là các lĩnh vực như: cho vay đầu tư ứng dụng công nghệ cao; đầu tư công nghiệp hỗ trợ; cho vay mua nhà để ở; đầu tư ngành dịch vụ logistics; công nghiệp chế biến chế tạo; xuất nhập khẩu và du lịch…

Đặc biệt, hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đã được nhiều doanh nghiệp ghi nhận giảm khoảng 3-4%/năm so với các năm trước. Nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận được các khoản vay thương mại (ngắn hạn) từ 6-7%/năm, là mức lãi suất phù hợp để bổ sung vốn lưu động, thu mua nguyên liệu sản xuất, chế biến xuất khẩu các ngành hàng chủ lực.

Đối với lĩnh vực vay tiêu dùng, hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà để ở của nhiều ngân hàng đã xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Ngoài thời gian ưu đãi, đa số khách hàng vay mua nhà có thể tiếp cận được các khoảng vay từ 9-13%/năm. Trong khi đó, với việc ban hành Thông tư 12/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ tháng 7/2024 không bắt buộc yêu cầu khách hàng chứng minh phương án sử dụng vốn đối với các khoản vay dưới 100 triệu đồng, cơ hội để tăng trưởng cho vay tín dụng sẽ mở rộng, dễ dàng hơn đối với cá nhân và doanh nghiệp nhỏ.

Thạch Bình

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nhu-cau-vay-von-tang-truong-tich-cuc-153600.html