Nhu cầu vitamin và chất khoáng của người mẹ mang thai và nuôi con bú

Tăng cường chất khoáng và vitamin giúp thai nhi phát triển và đáp ứng nhu cầu cho người mẹ. Các chất khoáng và vi chất là các chất dinh dưỡng tuy chỉ cần một lượng nhỏ nhưng lại có vai trò quan trọng.

Nhu cầu khuyến nghị các chất khoáng

Các chất khoáng và vi chất là các chất dinh dưỡng tuy chỉ cần một lượng nhỏ nhưng lại có vai trò quan trọng. Đặc biệt là giai đoạn cơ thể có nhu cầu cao về các chất dinh dưỡng cho phát triển như thời kỳ có thai, cho con bú.

Nhu cầu khuyến nghị canxi

Can xi giúp cơ thể hình thành hệ xương và răng vững chắc, đảm bảo chức phận thần kinh và sự đông máu bình thường. Các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, tạo xương cho thai nhi và cung cấp can xi trong bài tiết sữa đều cần canxi. Canxi là một chất khoáng rất quan trọng cần cho quá trình phát triển xương của trẻ trong giai đoạn bào thai và tuổi nhỏ. Phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú có nhu cầu can xi cao hơn so với bình thường.

Nếu khẩu phần thiếu hụt canxi, cơ thể phải cân bằng can xi trong máu bằng huy động can xi từ xương. Vì vậy, nếu nhu cầu canxi của người mẹ không được đáp ứng đủ trong những giai đoạn này, sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao của trẻ và tăng nguy cơ loãng xương của người mẹ sau này.

Nhu cầu can xi đối với cơ thể được xác định trong mối tương quan với Phospho: tỷ số Ca/P mong muốn là tối thiểu là > 0,8 đối với mọi lứa tuổi, tốtnhất là 1-1,5. Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị về can xi (mg/ngày) theo tuổi và tình trạng sinh lý.

Nhu cầu khuyến nghị sắt

Sắt đóng vai trò hết sức quan trọng trong cơ thể. Sắt cùng với protein tạo thành huyết sắc tố (hemoglobin), vận chuyển O2 và CO2, phòng bệnh thiếu máu và tham gia vào thành phần các men oxy hóa khử.

Sắt trong thực phẩm ở 2 loại, dạng sắt heme hoặc không heme. Dạng heme có trong thức ăn nguồn gốc động vật, trừ trứng (như phoscidin) và sữa (như lactoferrin). Sắt heme có thể dễ dàng được hấp thu ở ruột, trong khi hấp thu sắt không heme phụ thuộc vào sự có mặt của một số chất làm tăng hay cản trở hấp thu sắt. Vì vậy, hàm lượng sắt của thực phẩm không nhất thiết phản ánh sự đầy đủ sắt trong chế độ ăn. Nhu cầu sắt phụ thuộc vào lượng sắt có thể hấp thu được trong khẩu phần.

Nhu cầu sắt được tính toán dựa trên hai cấp độ giá trị sinh học của sắt trong khẩu phần ăn, thay đổi nhu cầu sắt ở phụ nữ có thai và hiệu chỉnh theo cân nặng nên có của người Việt Nam. Sắt do thức ăn cung cấp thường không đáp ứng được nhu cầu gia tăng trong suốt thời gian mang thai, cho con bú. Vì vậy, bà mẹ có thai cần được bổ sung viên sắt trong thời gian mang thai và ăn các thức ăn giàu sắt trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ.

Bổ sung viên sắt được khuyến nghị cho tất cả phụ nữ có thai trong suốt thai kỳ. Những phụ nữ có thai bị thiếu máu cần dùng liều điều trị theo phác đồ hiện hành.

Nhu cầu khuyến nghị kẽm

Kẽm là một vi khoáng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển hợp lý. Kẽm đóng vai trò xúc tác cho gần 200 enzym bao gồm cả alcohol dehydrogenase, phosphatase, RNA polymerases. Kẽm cần thiết cho cấu trúc của một số protein, một trong số đó liên quan đến biểu hiện gen như các yếu tố phiên mã gắn acid deoxyribonucleic. Kẽm cũng tham gia chức năng cấu trúc cho một số enzyme, đáng chú ý nhất trong số đó là đồng-kẽm superoxide dismutase. Ngoài ra kẽm đóng một vai trò trong biểu hiện gen và đã cho thấy ảnh hưởng đến cả hoạt động của protein kinase C và diệt tế bào (apoptosis).

Trong thời gian mang thai cho con bú, vai trò quan trọng của kẽm là tham gia sản xuất Insulin và Enzyme, hình thành các tổ chức và giúp cơ thể chuyển hóa năng lượng.

Nhu cầu khuyến nghị Iod

Iod là một chất cần thiết trong cơ thể với một lượng rất nhỏ chỉ từ 15 đến 20mg (WHO 1996). Iod là thành phần thiết yếu của các hormone tuyến giáp là thyroxine (T4) và TriIodothyronin (T3). Thiếu Iod ảnh hưởng rõ rệt đến tăng trưởng và phát triển, đặc biệt là não bộ. Bà mẹ ăn đủ Iod trong thời gian mang thai và cho con bú giúp giảm nguy cơ thiếu Iod cho thai nhi, giảm lệ tử vong trước hoặc sau khi sinh và chứng đần độn ở trẻ nhỏ (cretinism).

Nhu cầu khuyến nghị các Vitamin

Nhu cầu khuyến nghị Vitamin A:

Vitamin A là loại tan trong dầu, có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và bệnh khô mắt, đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ xương, răng, bảo vệ niêm mạc và da, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.

Vitamin A ngoài tác dụng bảo vệ mắt, tăng đề kháng, còn có tác dụng tạo xương cho trẻ giúp cho trẻ có chiều cao tối đa theo tiềm năng. Thiếu vitamin A sẽ làm tăng tỉ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng và tử vong, gây khô mắt, có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn nếu không được điều trị.

Người phụ nữ có thai cần đảm bảo đủ vitamin A trong suốt thời gian mang thai. Sau khi sinh, người mẹ cần đủ vitamin A để cung cấp vitamin A cho sữa nuôi con. Sữa, gan, trứng... là nguồn vitamin A động vật, dễ dàng hấp thu và dự trữ trong cơ thể để dùng dần. Các loại rau xanh, nhất là rau ngót, rau dền rau muống và các loại củ quả có màu vàng, màu đỏ như cà rốt, đu đủ, xoài, bí đỏ, là những thức ăn có nhiều caroten cũng gọi là tiền vitamin A, vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A.

Nhu cầu khuyến nghị Vitamin D

Vitamin D giúp cơ thể sử dụng tốt can xi và phosphor để hình thành và duy trì hệ xương, răng vững chắc. Vitamin D giúp hấp thu và chuyển hóa các chất khoáng cần thiết như canxi, phospho vào cơ thể, khi mang thai nếu cơ thể thiếu vitamin D dễ gây các hậu quả như trẻ còi xương ngay trong bụng mẹ.

Trong tự nhiên, rất ít thực phẩm có lượng đáng kể vitamin D. Các thực phẩm có vitamin D gồm một số dầu gan cá, nhất là ở các loại cá béo, gan và chất béo của động vật có vú ở biển (hải cẩu và gấu vùng cực), trứng gà được nuôi có bổ sung vitamin D, dầu tăng cường vitamin D hoặc các thức ăn bổ sung khác như bột ngũ cốc. Hầu hết trong cá có từ 5 mcg/100g tới 15 mcg/100g (tương ứng 200 IU/100g tới 600 IU/100g), cá trích có thể có tới 40 mcg/100g (1.600 IU/100g).

Nhu cầu khuyến nghị Vitamin E

Chức năng quan trọng của Vitamin E là phòng chống ung thư, phòng bệnh đục thủy tinh thể, phát triển và sinh sản... mà vai trò chính là chống oxy hóa. Hàm lượng Vitamin E khá cao trong các loại dầu thực vật, quả hạch, hạt hướng dương, mầm lúa mì, hạt ngũ cốc toàn phần, lạc, rau bina, cải xoăn.

Nhu cầu khuyến nghi vitamin K

Vitamin K có chức năng chính như một coenzyme trong quá trình tổng hợp nhiều thể hoạt động sinh học của protein tham gia quá trình đông máu như protein của prothrombin.

Bà mẹ mang thai và cho con bú cần chú ý ăn nhiều thức ăn giàu Vitamin K cũng có nhiều trong một vài loại dầu ăn như dầu đậu tương, dầu hướng dương, dầu hạt nho nhằm phòng thiếu vitamin K, gây xuất huyết ở trẻ nhỏ.

Nhu cầu khuyến nghị Vitamin B1 (Thiamin)

Vitamin B1 tham gia chuyển hóa glucid và năng lượng. Vitamin B1 có nhiều trong lớp vỏ cám và mầm của các loại ngũ cốc, trong đậu đỗ, thịt nạc và phủ tạng động vật.

Nhu cầu khuyến nghị vitamin B2 (Riboflavin)

Vitamin B2 tham gia vào sự chuyển hóa thức ăn thành năng lượng thông qua chuyển hóa glucid, lipid và protein bằng các enzym.Vitamin B2 cũng rất cần thiết cho mắt, da, móng tay và tóc. Nguồn vitamin B2 tốt nhất là phủ tạng, sữa, rau xanh, phô mai và trứng.

Nhu cầu khuyến nghị vitamin B6 (pyridoxyl)

Vitamin B6 có 3 dạng trong tự nhiên là pyridoxal (PL), pyridoxine (PN), và pyridoxamine (PM), và 3 dẫn chất có 5'-phosphates trong phân tử gồm PLP, PNP và PMP. Dạng chính của vitamin B6 trong mô động vật là PLP và PMP, còn trong thực vật là PN và PNP. Vitamin B6 có vai trò quan trọng đối với các enzyme cần cho quá trình chuyển hóa amino acid, glycogen, và các gốc sphingoid. Vitamin B6 có nhiều trong cá đặc biệt cá ngừ, thịt gà, thịt lợn nạc, thịt bò nạc, chuối, quả bơ hoặc rau xà lách

Do vitamin B6 tham gia vào cấu thành nhiều enzyme chuyển hóa amino acid nên việc ăn nhiều protein sẽ dẫn đến nhu cầu vitamin B6 tăng lên.

Nhu cầu khuyến nghị Folate

Folate (hay còn gọi là vitamin B9) là một vitamin nhóm B tan trong nước đóng vai quan trọng trong các phản ứng vận chuyển carbon khi chuyển hóa acid nucleic và các acid amino. Tham gia vào quá trình phát triển và phân chia tất cả các loại tế bào của người, động vật, thực vật và vi khuẩn.

Nhu cầu khuyến nghị vitamin B12

Vitamin B12 rất quan trọng trong quá trình mang thai, giúp tạo năng lượng, phát triển hệ thần kinh, hỗ trợ hình thành cơ thể. Các thực phẩm như thịt, cá, gia cầm, sữa, sò, gan… là nguồn thức ăn giàu vitamin B12.

Nhu cầu khuyến nghị vitamin C (Acid Ascrobic)

Vitamin C cần thiết cho cả mẹ và con trong suốt thời kỳ mang thai và cho con bú. Vitamin cần thiết để tao collagen, protein cho cơ thể. Vitamin C đóng vai trò như một chất chống oxy hóa để bảo vệ cơ thể, chống nhiễm khuẩn. Hoa quả tươi và rau lá rất giàu vitamin C là những thực phẩm sẵn có tại Việt nam.

Nhu cầu khuyến nghị Choline

Choline đóng vai trò là tiền chất của acetylcholine, các phospholipid và các loại đường betain cung cấp nhóm methyl. Choline có vai trò quan trọng trong cấu trúc toàn vẹn của màng tế bào, chuyển hóa methyl, các dẫn truyền thần kinh kiểu Choline, và tín hiệu màng tế bào. Nó cũng có vai trò quan trọng trong vận chuyển và chuyển hóa lipid và cholesterol. Tế bào cơ thể rất cần Choline, nếu không có Choline các tế bào sẽ chết. Chuyển hóa Choline có liên quan chặt chẽ với chu trình chuyển hóa Folate và methionine. Nhu cầu Choline của cơ thể thay đổi liên quan tới chuyển hóa trao đổi methyl giữa choline với methionine, Folate và vitamin B12. Các thực phẩm giàu Cholin gồm sữa, gan, trứng và các loại hạt.

(Theo Hướng dẫn quốc gia dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú. Bộ Y tế)

PV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhu-cau-vitamin-va-chat-khoang-cua-nguoi-me-mang-thai-va-nuoi-con-bu-169230817081324029.htm