Nhu cầu vốn hồi phục mạnh, tín dụng sẽ 'cán đích'?

Dù đã áp dụng nhiều giải pháp và cơ chế thúc đẩy, nhưng tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn chưa đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, các lĩnh vực xuất khẩu đều đang phục hồi mạnh mẽ hơn so với năm trước, khả năng về nhu cầu và hấp thụ vốn năm nay đã tốt hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Thế nhưng, các tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm nay đạt 13,2%, điều chỉnh giảm 0,9 điểm % so với mức dự báo 14,1% tại kỳ điều tra trước.

Tăng ưu đãi, giảm lãi suất

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch, thiên tai, các ngân hàng trong thời gian qua đã tích cực thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vực dậy sản xuất, kinh doanh.

Hiện, lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 6,8%-9,2%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm.

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB cho biết, trong năm 2024, Ngân hàng đã thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 1,45% so với năm 2023. Hiện, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh chỉ còn 6,94%, giảm từ mức 7,88%.

Sức hấp thụ vốn vào quý cuối năm có thể gấp 2 - 3 lần các quý trước.

Sức hấp thụ vốn vào quý cuối năm có thể gấp 2 - 3 lần các quý trước.

“Trong quý IV/2024, MB sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng lãi suất ưu đãi với các khách hàng sản xuất kinh doanh có xếp hạng tín dụng tốt, phương án kinh doanh khả thi để hỗ trợ khách hàng, thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, tiếp tục chú trọng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, quản trị thanh khoản”, ông Thái thông tin.

Tại Techcombank, tính đến thời điểm tháng 9/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 7,73%, tiếp tục giảm so với tháng 3/2024 và đã giảm 2,24% so với thời điểm tháng 12/2023. Trong đó, so với thời điểm 31/12/2023, tại 31/8/2024, lãi suất cho vay bình quân khách hàng cá nhân đối với các khoản vay thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh là một trong những lĩnh vực ghi nhận mức giảm nhiều nhất (giảm 2,48% từ mức 10,11% xuống còn 7,63%).

Đặc biệt, sau khi Luật các TCTD mới có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tinh gọn rất nhiều thủ tục, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại (NHTM) có căn cứ pháp lý để đẩy mạnh việc cho vay. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ trong hoạt động tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho cả người vay cũng như bên cho vay.

Theo cập nhật số liệu mới nhất từ NHNN, tính đến ngày 30/9, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 9%. Dù con số này đã cải thiện đáng kể so với mức tăng trưởng 6,24% đạt được cùng kỳ năm trước, nhưng so với mục tiêu tăng trưởng 15% đặt ra cho cả năm 2024 sẽ còn nhiều việc phải làm trong 3 tháng còn lại.

Ngân hàng tăng tốc đẩy vốn

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, khả năng cho vay của các NHTM hiện nay, kể cả room tín dụng cũng như nguồn lực, nguồn vốn thanh khoản đều đủ cho nhu cầu vốn tín dụng.

Về các gói tín dụng lớn, hiện gói tín dụng cho xuất khẩu thủy hải sản đã giải ngân vượt con số kế hoạch (30.000 tỷ đồng), đạt tới 36.000 tỷ đồng. Dự kiến, NHNN sẽ tăng quy mô của gói này lên khoảng 50.000 - 60.000 tỷ đồng.

Với gói tín dụng cho nhà ở xã hội 140.000 tỷ đồng (có thêm 4 NHTM tham gia) sẽ tiếp tục tăng ưu đãi, giảm lãi suất, thời hạn kéo dài từ 5 năm lên 10 năm để giúp người mua nhà có điều kiện tiếp cận cũng như giải ngân tích cực gói này.

“Điều quan trọng lúc này là khả năng hấp thụ nhu cầu vốn vay. Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh. Cần nhiều chính sách giải pháp vĩ mô khác đồng hành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hấp thụ vốn tín dụng”, Phó Thống đốc phân tích.

Hiện tại, các TCTD kỳ vọng tín dụng sẽ tăng tốc trong quý cuối năm. Kết quả Cuộc điều tra Xu hướng kinh doanh của các TCTD quý IV/2024 vừa được NHNN công bố cho thấy, trong quý IV, các TCTD có xu hướng điều chỉnh tăng rất nhẹ mặt bằng lãi suất huy động và duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp. Tính chung cả năm 2024, các TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ (0,1 điểm %) và mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ (0,09 điểm %) so với cuối năm 2023.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn cho rằng, việc hấp thụ vốn cuối năm thường cao hơn, thậm chí quý cuối có thể gấp 2 lần hoặc 3 lần nhu cầu so với các quý trước, do nhu cầu dòng tiền phục vụ đơn hàng cuối năm, sản xuất kinh doanh mùa lễ tết.

Năm 2023, trong tháng cuối năm, tín dụng đã tăng rất mạnh với hàng trăm nghìn tỷ đồng. Kết thúc năm, mặc dù dòng vốn được "tháo van" trong thời gian ngắn, nền kinh tế vẫn hấp thụ hết (với dư âm tăng trưởng tín dụng gần hết quý đầu năm sau), đưa tăng trưởng dư nợ toàn ngành đạt gần 14%.

Với bệ phóng khả quan đang có của năm nay, cộng với tình hình phục hồi sản xuất thể hiện qua chỉ số PMI, IIP, các lĩnh vực xuất khẩu đều đang phục hồi mạnh mẽ hơn so với năm trước, khả năng về nhu cầu và hấp thụ vốn năm nay đã tốt hơn so với cùng kỳ năm trước.

"Có thể mạnh dạn dự báo về tăng trưởng tín dụng 14-15% là khả thi và vốn sẽ chảy mạnh, mức tăng tính bằng lần càng về cuối năm", chuyên gia Nguyễn Lê Ngọc Hoàn nêu.

Theo ông Hoàn, bài toán còn lại là NHNN sẽ linh hoạt điều tiết để tiếp tục hỗ trợ thanh khoản với giá vốn thấp cho các NHTM, có các chính sách thúc đẩy để triển khai các gói cho vay ưu đãi, cải thiện quy trình tiếp cận vốn, quản trị nợ xấu… nhằm đảm bảo hệ thống luôn an toàn. Đặc biệt, việc thực thi các nhiệm vụ lớn gồm hỗ trợ tăng trưởng GDP, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá luôn yêu cầu ngành ngân hàng cân đối giữa đảm bảo chỉ tiêu của năm và nền tảng cho dài hạn.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/nhu-cau-von-hoi-phuc-manh-tin-dung-se-can-dich-1102896.html