Như cây rừng vươn cao

Nằm giữa biếc xanh đại ngàn, nơi mây trời lồng lộng, đồng bào Phù Lá, đồng bào Mông ở thôn Tống Thượng, xã Nậm Đét (Bắc Hà) với sự kiên cường, vượt khó đã làm nên những đổi thay. Dường như càng khắc nghiệt thì con người ở xứ này càng quyết tâm mạnh mẽ như cây rừng vươn cao.

Cuối đông, thôn Tống Thượng vẫn chìm trong cái rét ngọt. Những mái nhà hiện ra như mơ, như thực giữa màn sương giăng chẳng thấy rõ mặt người. Giữa tiết trời khắc nghiệt là cả mùa đông vắng bóng mặt trời, chỉ có những khóm dong riềng ra hoa thắp ngọn đuốc đỏ quanh nhà và cây đào góc thôn bật nụ, xòe những cánh mảnh mai gọi xuân về bên sườn núi.

Giữa màn sương giăng, anh Tráng Sín Xuyến nhanh chân trở về nhà ăn cơm và kịp mang chuyến quế giống chiều trồng trên khoảnh đất lưng đồi. Hơn 3.000 gốc quế giống đợt này cùng chừng đó quế lúc trước đã được gia đình anh trồng xong với kỳ vọng mang lại nguồn thu nhập ổn định trong tương lai. Vài năm trước, anh Xuyến và nhiều lao động trong thôn phải đi làm ăn xa với những nơm nớp lo lắng của kẻ tha hương và người ở nhà. Ba năm nay, anh không đi nữa mà ở lại làm kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương. “Ở đây lạnh quá, nuôi trâu, bò thì lo bị chết rét, trồng cây thì mãi chẳng đậu quả, có quả thì cũng còi cọc. Khi ấy, nhìn bà con những thôn vùng thấp ấm no bởi cây quế mà thèm. Chẳng ai tin được sẽ có một ngày cây quế cũng xuất hiện ở Tống Thượng này”, anh Xuyến kể.

Nậm Đét được xem là “thủ phủ” của quế nhưng suốt bao năm qua thôn Tống Thượng không có cây trồng này. Từng có thời điểm cây quế được đưa vào trồng nhưng không thể trụ được trong điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt. Nhưng với quyết tâm, kiên trì “điểm này không được thì chọn điểm khác trồng”, thế là những gốc quế đầu tiên bén rễ chốn này, bắt đầu từ phần diện tích giáp thôn Tống Hạ. Sở dĩ trước đó chẳng ai nghĩ tới việc này bởi đường đến khu sản xuất giáp Tống Hạ khó khăn quá, chủ yếu là đi bộ, ngày mưa có khi đi cả tiếng đồng hồ mà đầy nguy hiểm bởi đất, đá trơn trượt. Thế nhưng bây giờ, trên diện tích một thời chưa biết làm gì để đất “nhả vàng”, hàng chục ha quế đã lên xanh. Bà con bừng lên niềm tin rằng đường lên rừng quế dẫu có xa hơn, khó hơn, thời gian trồng có thể lâu hơn nhưng con đường đổi đời từ cây trồng này sẽ ngắn lại.

Người Phù Lá chọn điểm dừng cho hành trình thiên di của mình là những nơi đất dốc, những khoảng dốc khiến khoảnh ruộng cũng phải tranh thủ chen nhau. Lại thêm ở nơi chơi vơi giữa mây trời, mùa đông đến sớm mà đi thì muộn, ruộng lúa hay ngô cũng chỉ canh tác một vụ rồi để trống. Rẻo cao Tống Thượng hôm nay có 87 hộ, 430 nhân khẩu thuộc 2 dân tộc là Phù Lá và Mông.

Đến thôn Tống Thượng có nhiều đường đi, từ thị trấn Bắc Hà vào hoặc từ trung tâm xã Nậm Đét đi lên. Những con đường này có một điểm chung là cực kỳ gian khó. Bà con nói vui rằng đi từ thôn xuống xã đúng kiểu “gần nhà xa ngõ”. Cách trung tâm xã chừng 8 km nhưng đường ngày mưa không thể đi được, bà con phải đi vòng đến thị trấn Bắc Hà rồi xuôi trung tâm xuống Nậm Đét, quãng đường ước chừng 40 km. Không có “thiên thời, địa lợi”, lại thêm nhận thức của người dân còn hạn chế nên nghèo đói quẩn quanh mảnh đất này một thời.

Cái khó, cái nghèo ấy khiến lũ trẻ không được học hành tới chốn, khiến những người con của vùng cao này phải rời gia đình, quê hương đi làm ăn. Có những thời điểm thôn có cả trăm người đi làm xa, để lại những mái nhà thiếu vắng mẹ cha, ruộng vườn thiếu tay người cày cấy. “Mấy năm nay, bà con không còn đi làm xa nhiều nữa mà đã biết làm kinh tế tại mảnh đất quê hương. Số lao động đi làm xa ít đi, số diện tích rừng trồng ở thôn tăng lên”, bà Sùng Phà Sủi, Bí thư Chi bộ cũng là người có uy tín của thôn Tống Thượng nói về sự thay đổi.

Không chỉ trồng quế mà cây thông - loài cây đến đất này từ trước cũng đang được mở rộng diện tích trồng. Người Phù Lá gọi cây thông là “sá xủ”. Từ xa xưa, đồng bào Phù Lá đã trồng cây này để lấy gỗ dựng nhà, lấy củi sưởi ấm. Thông dường như là cây duy nhất ở Tống Thượng không phải dành công chăm sóc mà phó mặc cho đất dốc, gió rét, cứ lặng lẽ vươn cao. Giờ đây, thông trở thành hướng phát triển kinh tế, ở bất cứ nơi nào có đất trống là thông được trồng. Hiện cả thôn có khoảng 35 ha thông lấy gỗ, trong đó khoảng 25 ha thông trồng đã hơn 15 năm, có thể cho khai thác. Giá gỗ thông cũng tùy vào chất lượng, từ 1 triệu đồng/m3 đến 3 triệu đồng/m3.

Cùng với những rừng thông và quế lên xanh, người dân còn trồng thêm chừng 5 - 6 ha cây ăn quả ôn đới và phủ màu lên đồng đất bằng cả những loại rau xứ lạnh. Tất cả đều được bà con kỳ vọng mở ra cơ hội đổi đời.

Đồng bào Phù Lá gìn giữ sắc màu văn hóa.

Đồng bào Phù Lá gìn giữ sắc màu văn hóa.

Chuyện vui ở Tống Thượng cứ nối nhau mở ra. Không chỉ có sự mạnh dạn trong hướng đi mới phát triển kinh tế, mà thay đổi trong nhận thức của đồng bào cũng là điều đáng mừng trong nhiều năm gần đây. Chị Thèn Thị Hoảng nhớ về ngày cũ: “Trước đây, người Phù Lá vẫn còn nhiều hủ tục nặng nề. Ví như việc làm chuồng cho con trâu, con lợn, con gà cũng phải xem ngày tháng. Đám cưới, đám ma rình rang, dài ngày cho đúng tục cũ. Bây giờ, những chuyện ấy chỉ còn trong hồi ức”. Hủ tục lùi xa nhường chỗ cho nhịp sống mới đầy văn minh, tiến bộ đã tiếp thêm niềm tin, động lực để bà con vẽ ngày mai tươi sáng.

Nheo đôi mắt cười hướng về phía trước, nơi những ngôi nhà xây kiên cố dần mọc lên đang ẩn hiện trong sương, “đại thụ” Sùng Phà Sủi mừng vui: Nếu cứ cam chịu với đói nghèo và lạc hậu, chẳng còn ai nghĩ tới chuyện phải đổi thay nữa. Càng ở nơi gian khó càng phải quyết tâm. Sự đổi thay hôm nay ở Tống Thượng minh chứng cho sự quyết tâm đó. Người Mông, người Phù Lá chốn này như cây rừng của đại ngàn vậy, dù ở chốn khó vẫn kiên cường bám đất, mạnh mẽ vươn lên.

Tôi rời Tống Thượng khi ánh chiều dần buông, mây và sương lại gọi nhau về ấp lên mái núi. Ngoảnh đầu nhìn lại, bản làng đồng bào Phù Lá, đồng bào Mông thoắt ẩn, thoắt hiện trong mỗi nhịp lùa của gió mùa đông bắc như bức thủy mặc nơi đại ngàn hũng vỹ. Trong sự mờ ảo đó, tôi vẫn hình dung rõ ràng nhất những rặng thông lặng lẽ vượt gió sương vươn lên trời cao. Lòng khấp khởi bao mừng vui, tôi tin rằng đồng bào ở chốn này cũng như loài cây ấy, không vì khó khăn mà cam chịu đói nghèo. Với sự bền bỉ, can trường và khát vọng vươn lên, những người con của mảnh đất này đang gọi những mùa xuân mới đầy no ấm, đổi thay về rẻo cao Tống Thượng.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364057-nhu-cay-rung-vuon-cao