Như hoa hướng dương
Chị có cái tên thật đẹp - Xuân Thị Hồng. Bố mẹ chị đặt tên con gái như vậy có lẽ họ mong muốn cuộc đời của con mình sẽ tươi hồng như loài hoa đủ sắc hương. Thế nhưng, cuộc đời không phải lúc nào cũng như ước mong. Dường như bao biến cố, bất hạnh đều trực chờ để dồn lên đôi vai người phụ nữ có cái tên rất đẹp ấy. Song tất cả không làm chị gục ngã, chị vẫn kiên cường sống, lao động và góp cho đời những gì tốt nhất mà mình có...
Tận cùng bể khổ
Tôi gặp chị vào một ngày Hè nắng nóng đỉnh điểm. Giữa trưa, khi hầu hết mọi người ở trong nhà với quạt mát hoặc điều hòa nhiệt độ thì chị - người phụ nữ đã ngoài 50 tuổi lại lánh tạm dưới một bóng cây góc vỉa hè của ngã ba Bắc Nam. Đó là vị trí quen thuộc của chị Hồng đã hơn 2 năm nay. Một tay cầm chiếc bánh mỳ, tay kia là chai nước lọc, bữa trưa của chị Hồng trệu trạo cho có. Chốc chốc, chị lại lấy tay áo gạt mồ hôi chảy đầm đìa trên khuôn mặt đỏ gay vì nóng.
Phụ nữ làm nghề xe ôm như chị không nhiều. Hoàn cảnh của chị khi tôi tìm hiểu lại càng đặc biệt. Chủ cửa hàng tạp hóa gần đó bảo: - Chị Hồng thường làm việc xuyên trưa, có lẽ mong để kiếm thêm thu nhập. Nắng nóng như này, khách đi xe ôm ít lắm vì người có điều kiện thường gọi taxi cho mát. Chủ yếu là khách quen, nhiều người thương cảm đi xe ủng hộ.
Khi thực hiện bài viết này, tôi cứ băn khoăn làm sao phác họa chân dung chị Hồng một cách chân thực nhất. Cảm nhận đầu tiên của tôi khi tiếp xúc là chị cởi mở, nhiệt tình và… nói rất nhiều. Ông Lưu Hoàng Đức, Tổ trưởng tổ dân phố 8 và bà Vũ Ngọc Thảnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên), cũng là hàng xóm cách nhà chị hơn chục bước chân bảo: “Chị Hồng nói nhiều thật, có khi nói đi, nói lại một vấn đề”. Phải chăng trải qua nhiều bất hạnh, biến cố liên tiếp nên chị luôn mong muốn được nói chuyện, được sẻ chia nhiều hơn mức bình thường.
Có thể hình dung cuộc đời chị thế này: Từng tham gia quân đội, năm 1989, chị thi đỗ và theo học Trường Cao đẳng Sư phạm Việt Bắc, chuyên ngành Sinh - Hóa học. Sau khi ra trường, chị được nhận vào dạy học tại Trường THCS Tức Tranh (Phú Lương), rồi chuyển về Trường THCS Sơn Cẩm 2 (nay thuộc T.P Thái Nguyên). Cuốc sống những tưởng cứ bình lặng trôi đi thì năm 1999, chồng chị là anh Trần Quang Vinh đang làm công nhân tại một nhà máy gần nhà xuất hiện triệu chứng của bệnh tâm thần. Gia đình đưa đi chữa trị khắp nơi, lúc ở Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, khi là Khoa Nam của Bệnh viện Tâm thần tỉnh mà bệnh không thuyên giảm. “Năm 2011, trong một lần phát cơn tâm thần, chồng không tự chủ được hành động, đánh tôi mười mấy cái, chảy cả máu mồm. May mà có hàng xóm chạy đến can ngăn kịp. Sau lần đó tôi phải đưa anh ấy vào hẳn Trung tâm điều dưỡng và phục hồi chức năng thần kinh tỉnh chữa trị” - chị Hồng kể.
Biến cố gia đình chưa dừng ở đó, năm 2017, cô con gái xinh xắn Trần Thị Thanh Hảo đang học tại Trường Cao đẳng sư phạm Thái Nguyên trong một lần cùng bạn lên xã Sơn Cẩm (T.P Thái Nguyên) dự sinh nhật đã bị tai nạn giao thông nghiêm trọng. Mọi người kể lại, Hảo bị tai nạn trên đường cao tốc đoạn từ đường tròn Tân Long hướng về Thịnh Đán. Đến tận bây giờ cơ quan chức năng vẫn chưa xác định nguyên nhân cụ thể vụ tai nạn. Sau lần con gái thập tử nhất sinh ấy, gia đình chị phải bán cả căn nhà ở tổ 19, phường Gia Sàng rồi chuyển về làm căn nhà tạm ở tổ 8 này. Hảo sau vụ tai nạn dù có hồi phục nhưng thần kinh bị ảnh hưởng, nhiều lúc cứ ngơ ngẩn đi lang thang chẳng thể kiểm soát được hành vi. Em đã thử đi xin việc ở một vài nơi nhưng ở đâu cũng chỉ được vài ngày là phải nghỉ.
Chị Hồng có 3 người con. Con cả Trần Thị Thanh Hảo đã vậy, hai em sau cũng chẳng được khỏe mạnh. Cậu con trai thứ Trần Xuân Anh, đang học lớp 10 Trường THPT Ngô Quyền đã có biểu hiện trầm cảm từ nhỏ, nên học lực chỉ ở mức trung bình. Còn bé út Trần Huyền Lương đang học lớp 3, Trường THCS Gia Sàng từng phải mổ rò luân nhĩ cách đây 2 năm mất hơn 100 triệu đồng. Năm 2018, vì hoàn cảnh gia đình chị Hồng xin nghỉ chế độ sớm ở trường. Để trang trải cuộc sống, với chiếc xe máy cà tàng, cứ mỗi sáng sau khi đưa hai đứa con đi học là chị lại ra khu vực ngã ba Bắc Nam để chạy xe ôm. Vậy là giờ một mình chị Hồng với tiền trợ cấp giáo viên nghỉ mất sức và chạy xe ôm ít ỏi phải trang trải cho cả gia đình.
Hiến dâng đời những gì mình có
Điều ai cũng thấy khi đến thăm nhà chị Hồng là gia cảnh rất khó khăn. Căn nhà rộng chừng hơn 30m2 là chỗ ở của 4 mẹ con nóng hầm hập bởi lợp bằng mái tôn, thấp lụp xụp. Tường nhà loang lổ vì chưa trát hết vữa, công trình phụ chưa hoàn thiện. Trong căn nhà ấy chẳng có vật dụng gì đáng giá, chiếc tivi và tủ lạnh cũ trưng ra đó chỉ “để làm vì” bởi đã hỏng từ lâu. Có lẽ “điểm sáng” duy nhất là chiếc bàn học kê giữa nhà, bởi trên đó chị đặt trang trọng Giấy khen của Hội Chữ thập đỏ tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện. Bên cạnh đó là những quyển giáo án một thời được xếp ngay ngắn.
Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng chị Hồng luôn sống lạc quan, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Điều này được Hội Chữ thập đỏ các cấp của tỉnh ghi nhận. Chị kể rành rẽ: “Tôi đã tổng cộng 12 lần hiến máu. Riêng năm nay là 3 lần vào các ngày 11-1, 31-3 và 25-6. Lần thứ 2 đúng dịp thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tôi phải trực tiếp đến Trung tâm huyết học, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên để hiến máu. Lần 3 cách đây có vài ngày nên giờ đi làm dưới nắng vẫn còn hơi choáng”.
Bà Vũ Ngọc Thảnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Gia Sàng kể: Hồng là người nhiệt tình và trách nhiệm. Nhà thì nghèo. Hôm trước tôi thấy chạy sang vay tạm 400 nghìn đồng. Sau kể mới hay rằng tiền đó để đổ xăng đi làm, cũng là mua sữa bồi bổ trước khi đi hiến máu. Tốt tính như vậy nên ai cũng thương, cũng quý mến”.
Có điều có lẽ ít người biết, chị Xuân Thị Hồng là một trong những người đầu tiên đăng ký hiến phổi cho phi công người Anh thời điểm bệnh nhân này đang nguy kịch do COVID-19. Chị bảo: - Tôi hay nghe thời sự, khi biết thông tin bệnh nhân nguy kịch, có tính phương án phải ghép phổi thì liên hệ với Bệnh viện Việt Đức Hà Nội để đăng ký làm các thủ tục cần thiết, sẵn sàng thực hiện khi có yều cầu.
Tôi thắc mắc: - Đăng ký hiến phổi cho người hoàn toàn xa lạ, trong khi điều đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đến việc chăm lo cho gia đình mình, chị không sợ à?
Chị nói giản dị: - Ai cũng là con người, mạng sống con người là quan trọng nhất. Dù họ không phải công dân Việt Nam, chẳng có họ hàng với tôi thì cũng cần phải cứu sống. Làm được điều gì cho người khác thì nên làm, mình khó khăn nhưng vẫn còn có người khó khăn hơn.
Suy nghĩ của chị khiến tôi và nhiều người cảm phục. Dù hoàn cảnh quá nhiều vất vả, dù những biến cố liên tiếp ập đến nhưng chị Hồng vẫn luôn vững vàng, như đóa hoa hướng dương vươn tới những điều tốt đẹp.