Như hoa xương rồng
Nếu không có tình yêu tha thiết với biển đảo quê hương, hẳn những thế hệ thanh niên xung phong trên đảo Bạch Long Vĩ ngày ấy không bao giờ làm được những điều diệu kỳ đến thế. Dành cả cuộc đời để tận hiến, những nữ thanh niên xung phong trên đảo Bạch Long Vĩ giống như những bông hoa xương rồng luôn khoe sắc rực rỡ, dù thời tiết có khắc nghiệt, đất cằn, nắng cháy…
Những cô gái đôi mươi…
Ai cũng có một thời tuổi trẻ để được sống, được khát khao và ước mơ nhưng dành cả thanh xuân để tận hiến cho Tổ quốc, thì nhiều người trong số chúng ta vẫn chưa thể làm được.
Câu chuyện thanh xuân của 3 trong số 62 đội viên thanh niên xung phong của thành phố Hoa Phượng Đỏ ngày ấy khiến nhiều người trong chúng tôi không khỏi xúc động. Dành cả tuổi xuân cho biển đảo, chị Nguyễn Thị Bích, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bạch Long Vĩ - nữ thanh niên xung phong ra đảo Bạch Long Vĩ 31 năm trước vẫn nhớ như in chuyến tàu định mệnh ngày ra đảo tiền tiêu.
“Hôm ấy, ngày 26/02/1993, trời mưa phùn nặng hạt, cả người tiễn và người đi đều bịn rịn. Tôi cùng 31 thanh niên xung phong cả nam và nữ mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự háo hức khám phá vùng đất mới, xuống con tàu HQ 558 (còn gọi là tàu Há mồm, tàu vận tải của Hải Quân, Vùng I) để đến với Bạch Long Vĩ - hòn đảo tiền tiêu nơi đầu sóng ngọn gió, xa nhất trong vịnh Bắc bộ. Hôm đó, sóng to lắm, ai cũng say, nhưng được các anh chị trong Tổng đội Thanh niên xung phong tổ chức văn nghệ động viên nên cũng nguôi đi”, chị Bích bùi ngùi kể lại.
Và cô sinh viên 23 tuổi vừa tốt nghiệp trường Trung cấp Y tế Hải Phòng, bỏ lại sau lưng thành phố nhộn nhịp đã đến với đảo Bạch Long Vĩ như thế. Chị kể, hành trang ngoài đồ dùng cá nhân, chỉ có hơn chục con lợn giống và dây khoai lang.
“Ngày đầu ra đảo khó khăn, thiếu thốn trăm bề, ngoài xương rồng và cát trắng, trên đảo chỉ có bộ đội và các đội viên thanh niên xung phong. Đời sống sinh hoạt thì thiếu thốn, rau xanh chưa trồng được vì toàn đất cát chưa cải tạo, nên phải chở từ đất liền ra. Nước ngọt cũng khan hiếm, chúng tôi phải chia nhau leo xuống giếng sâu, gạn múc từng gầu nước lên, đổ vào chậu, chờ cặn lắng xuống, đến chiều đi lao động về mới chắt lấy nước trong để dùng... Những lúc thế này, chúng tôi càng nhớ nhà da diết, nhớ đến phát khóc…”, chị Bích chia sẻ.
Khó khăn vậy nhưng vẫn chưa thấm vào đâu, là sinh viên mới ra trường chưa từng làm công việc nặng nhọc bao giờ, nhưng khi ra đảo thực hiện nhiệm vụ ở Tổ xây dựng công trình, chị cùng các thanh niên xung phong khác phải lao động cật lực.
Chị kể: “Cứ chân trần chạy trên cát nóng, nhiều lúc nản muốn bỏ đảo về nhưng vì mục tiêu gấp rút hoàn thành nhà ở cho các cư dân cùng với trách nhiệm của một đoàn viên đã cuốn chúng tôi ra khỏi nỗi nhớ nhà và sự chán nản…”.
Cũng theo chị Bích, khó khăn còn đến từ việc đi lại giữa đảo và đất liền. Mấy tháng mới có một chuyến tàu nhưng nếu gặp gió mùa thì phải tìm chỗ neo đậu chờ sóng êm, thậm chí, có chuyến gặp gió Nam bất thường phải ở trên tàu tới 53 giờ chờ Bộ đội đảo dùng xuồng máy tăng-bo ra đón mới vào được.
“Lúc ấy, rau xanh chả khác gì đặc sản, nhưng nếu tàu gặp gió mùa phải tránh trú thì rau đến đảo đã úa vàng, chỉ còn trơ cọng, nhìn xót lắm” - chị Bích nhớ lại.
Thời gian cứ thế thoi đưa, phải đến 8 tháng chị Bích và các đội viên thanh niên mới về đất liền thăm nhà 1 lần… Rồi những khó khăn dần trở thành động lực, được sự hỗ trợ từ phía chính quyền, bộ đội và Đoàn Thanh niên, những đội viên thanh niên như chị Bích dần vượt qua khó khăn, trưởng thành và càng gắn bó hơn với đảo.
Năm 1996, chị chuyển công tác đến UBND huyện, đảm nhận nhiệm vụ quản lý Phòng khám Đa khoa huyện, tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ và nhân dân.. Cũng tại đây, sau nhiều lần cầm quân đi giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, chị đã bén duyên với chàng Thiếu úy bộ đội Hải quân E952 đóng quân tại đảo.
Tình yêu trong gian khó của 2 anh chị cứ thế lớn dần, đến năm 1998 họ quyết định về chung một nhà và sinh hạ được 2 em bé kháu khỉnh. Chị Bích chuyển nhiều vị trí công tác và hiện đang là Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện đảo.
“Bây giờ, tôi đã coi huyện đảo là quê hương thứ 2, tôi quyết định gắn bó, dành tất cả yêu thương cho nơi này từ khi lấy chồng, sinh con và dựng nhà. Hai con tôi nay cũng đã lớn, con gái đầu đã trở thành bác sỹ, các cháu đều chăm ngoan, học giỏi. Tôi luôn tự hào vì là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên, góp phần xây dựng quê hương huyện đảo tươi đẹp như hôm nay”, chị Bích chia sẻ.
Cùng chuyến tàu với chị Bích ngày ấy còn có chị Vũ Thị Ngân, hiện là Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy và chị Vũ Thị Hải Yến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Bạch Long Vĩ. Vượt qua những năm tháng gian khó, quá trình rèn luyện và phấn đấu, các chị đều là những cán bộ đã và đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng của huyện đảo.
“Theo lời kêu gọi “Tuổi trẻ lập nghiệp, giữ nước, thanh niên xung phong tham gia xây dựng và bảo vệ huyện đảo, bảo vệ Tổ quốc” của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Thành đoàn Hải Phòng, năm ấy, chúng tôi xung phong tình nguyện tham gia đi xây dựng và bảo vệ huyện đảo Bạch Long Vĩ với mong muốn được đóng góp công sức, trí tuệ nhỏ bé của mình để xây dựng, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”, chị Vũ Thị Ngân, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy chia sẻ.
Với tinh thần xung kích, vượt khó, sáng tạo, bám trụ kiên cường, hòn đảo Bạch Long Vĩ hoang sơ, cằn cỗi, dưới tình yêu và sức trẻ của những lớp thanh niên xung phong như các chị đã dần chuyển màu xanh tốt, hệ thống điện, đường, trường, trạm được kiên cố hóa. Tình yêu từ những cặp nam thanh, nữ tú đội thanh niên xung phong hay những cô gái, anh bộ đội đã nên duyên và sinh sôi trên vùng đất mới…
…Đi xây dựng công trình, làm đẹp những vùng đất
Đó là những điều tưởng chừng rất khó nhưng lại là thế mạnh của những nữ thanh niên xung phong ngày ấy. Từ trong đất, nước, hơi thở, sự sống của hòn đảo tiền tiêu đã thấm mồ hôi, nước mắt, tình yêu và cả tuổi xuân của những cô gái, những bông hoa xương rồng luôn mang trong mình sức sống mãnh liệt.
“Cuộc sống trên đảo lúc bấy giờ khó khăn lắm, không có điện, đường, trường, trạm…, chỉ thấy cỏ dại bị táp cháy lẫn xương rồng. Thức ăn cũng chỉ có cá ruội khô, lạc mốc rang muối, canh bí xanh đại dương hoặc canh rau cải nén mặn từ đất liền mang ra ăn dự trữ. Nhiều lúc chị em thèm rau xanh không có, phải đi tìm quả bàng, quả xương rồng hay dâu dại để ăn”, chị Ngân kể.
Nguồn động viên tinh thần lúc này, ngoài những buổi giao lưu văn nghệ, ca hát cho nhau nghe, chỉ là những lá thư tay, chờ tàu của Vùng I Hải quân mang từ đất liền ra nhưng cứ 4 tháng mới có 1 chuyến.
Khó khăn là vậy nhưng với tinh thần thanh niên xung kích, không ngại khó, không ngại khổ, các chị đã nhanh chóng “thu phục” vùng đất mới. Chị Ngân cho biết: “Chúng tôi tích cực khai hoang, phục hóa để cải tạo những vạt cỏ cháy lẫn xương rồng thành những những mảnh vườn rau xanh tốt; trồng rừng để phủ xanh đất trống, đồi trọc, ngăn mặn và giữ nguồn nước ngọt quý hiếm trên đảo; tham gia xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng dân sinh trên đảo, xây dựng nhà ở để di dân ra định cư khẳng định chủ quyền…; Các trụ sở làm việc để cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp ra công tác, hệ thống điện, đường, trường, trạm, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, trung tâm văn hóa - thể thao thanh thiếu niên... đều có sự chung tay xây dựng của các thế hệ thanh niên xung phong như chúng tôi”.
Chia sẻ về cuộc sống hôm nay trên đảo Bạch Long Vĩ, chị Vũ Thị Hải Yến, Huyện ủy viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Bạch Long Vĩ cho biết: Đến nay, sau nhiều nỗ lực và cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân huyện đảo, cuộc sống tinh thần, vật chất của người dân đã được nâng cao. Đặc biệt, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền địa phương, những khó khăn, khắc nghiệt đã không còn nữa, điện đã đầy đủ, nước đã cơ bản đáp ứng được 80% mùa khô; giao thông đi lại thuận tiện, trung bình tàu chạy ra đảo mỗi tháng 3 - 4 lần bằng tàu hiện đại (Tàu Hoa Phượng), sức chứa vài trăm người và 50 tấn hàng hóa. Ngoài ra còn có tàu cao tốc của thanh niên xung phong và tàu của nhân dân nên đã rút ngắn được hành trình ra đảo, việc lưu thông hàng hóa thuận tiện hơn.
Trên địa bàn huyện có đầy đủ các lực lượng đứng chân để thực hiện nhiệm vụ; Huyện ủy có đủ các Ban xây dựng Đảng; UBND huyện có 5 phòng, ban; 326 hộ dân thường trú với 1.152 nhân khẩu, cùng với quân, dân chiến đấu, làm ăn sinh sống trên đảo có khoảng trên 2.000 người, ngày biển động số người cơ học còn nhiều hơn.
Không thể kể hết được những công sức, sự hy sinh của những thế hệ nữ thanh niên xung phung trên đảo Bạch Long Vĩ ngày ấy, nhưng ở thời điểm nào, các chị - những bông hoa xương rồng trên hòn đảo tiền tiêu của cực Đông Bắc Tổ quốc mãi là niềm tự hào, tượng trưng cho sức sống, nguồn cảm hứng bất tận cho các thế hệ thanh niên, tuổi trẻ trên mọi miền Tổ quốc.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nhu-hoa-xuong-rong-374439.html