Như Thanh nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững
Như Thanh là huyện miền núi nằm phía Tây Nam tỉnh Thanh Hóa, có 14 xã, thị trấn; dân số trên 99.000 người, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Kinh, Mường, Thái. Hiện nay, Như Thanh đang triển khai thực hiện cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trong đó có Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
UBND huyện Như Thanh tổ chức hội nghị đối thoại thực hiện chính sách giảm nghèo giai đoạn 2021-2025.
Tập trung nguồn lực
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Huyện ủy Như Thanh đã ban hành Quyết định số 300-QĐ/HU, ngày 5/4/2022 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn huyện Như Thanh, giai đoạn 2022-2025. UBND huyện ban hành Kế hoạch số 160/KH-UBND, ngày 14/6/2022 triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Thời gian qua, huyện Như Thanh đã triển khai đầy đủ các nội dung của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và năm 2023 trên hệ thống thông tin đại chúng, đài truyền thanh của huyện, xã, thôn, bản; tuyên truyền thông qua các hội nghị triển khai từ huyện đến cơ sở. Ban chỉ đạo từ huyện đến xã tổ chức trên 20 hội nghị triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo, trên 30 hội nghị lồng ghép, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống đài truyền thanh huyện, xã.
Hiện nay, huyện Như Thanh đang triển khai thực hiện 5 dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đối với Dự án 2 (đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo), huyện hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng (chủ yếu là các dự án chăn nuôi trâu, bò cái sinh sản) thuộc 9 xã với 11 dự án cho 253 hộ tham gia, tổng kinh phí 3 tỷ 859 triệu đồng. Dự án 3 (hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng), huyện đã lập dự án đề nghị thẩm định 4 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng (chăn nuôi trâu, bò sinh sản) thuộc 4 xã: Thanh Tân, Xuân Thái, Mậu Lâm, Cán Khê, tổng nguồn vốn hỗ trợ 1 tỷ 852 triệu đồng. Đối với Dự án 4 (phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững), huyện đã mở các lớp dạy nghề cho lao động trên địa bàn huyện, triển khai 4 lớp đào tạo nghề cho 140 lao động.
Đối với Dự án 6 (truyền thông và giảm nghèo về thông tin), huyện Như Thanh đã tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ thông tin, tuyên truyền; trang bị loa truyền thanh cho các xã vùng đặc biệt khó khăn phục vụ thông tin, tuyên truyền. Thiết kế tờ rơi tuyên truyền về giảm nghèo, biên soạn các nội dung thông tin tại cộng đồng; tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng; tổ chức hội nghị truyền thông giảm nghèo. Huyện Như Thanh đã đăng ký với Sở Thông tin và Truyền thông nội dung phát hành, in 8.652 tờ rơi tuyên truyền giảm nghèo; tổ chức 2 hội nghị truyền thông giảm nghèo tại 2 cụm xã Thanh Tân, Thanh Kỳ và Cán Khê, Xuân Du. Đối với Dự án 7 (nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình), huyện đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, cấp thôn; tổ chức sơ kết chương trình giảm nghèo bền vững; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm cho cán bộ huyện, xã, thôn.
Song song với việc triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện Như Thanh đã huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo, hỗ trợ, chăm lo đời sống cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đó, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội đóng vai trò quan trọng. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Như Thanh đã vận động quỹ “Vì người nghèo” các cấp trên địa bàn huyện và nguồn hỗ trợ của tỉnh được 2 tỷ 857 triệu đồng, đạt 143% kế hoạch vận động. Trong đó, vận động và tiếp nhận chương trình tết cho người nghèo, hỗ trợ xây dựng 67 căn nhà Đại đoàn kết; tiếp nhận và phân bổ 72 bộ thiết bị điện DPE do Công ty CP DPE Việt Nam hỗ trợ cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong huyện; hỗ trợ dê giống cho 32 hộ dân xã Thanh Tân và Xuân Thái với giá trị 320 triệu từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” và kêu gọi hỗ trợ từ các doanh nghiệp, cá nhân trong huyện.
Hội Cựu chiến binh huyện Như Thanh hỗ trợ 42 con bò sinh sản cho các hộ nghèo tại xã Thanh Tân; xây mới 2 nhà cho cựu chiến binh nghèo trị giá 80 triệu đồng. Huyện đoàn Như Thanh triển khai chương trình “Thanh niên vì thanh niên” trao 60 triệu đồng hỗ trợ một số thanh niên thoát nghèo, xây mới 2 ngôi nhà khăn quàng đỏ cho thiếu nhi trị giá 60 triệu đồng. Hội LHPN huyện trao 53 con bò cho hội viên nghèo với trị giá 530 triệu đồng. Liên đoàn Lao động huyện trao 2 nhà mái ấm công đoàn trị giá 70 triệu đồng; hội nông dân triển khai dự án quỹ nuôi ong cho 10 hộ với số tiền là 60 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho các gia đình là hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách để sản xuất, kinh doanh và đã giúp nhiều hộ thoát nghèo. Hiện nay, có 5.044 hộ đang được thụ hưởng tín dụng chính sách từ ngân hàng chính sách xã hội (trong đó có 1.336 hộ nghèo, hộ cận nghèo 2.350 hộ...).
Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện Như Thanh đã và đang tích cực lao động sản xuất, nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Chúng tôi về xã Xuân Du - địa phương có diện tích trồng đào lớn của huyện Như Thanh và đến thăm gia đình ông Quách Văn Lưu, dân tộc Mường, thôn 6, xã Xuân Du - tấm gương về phát triển kinh tế, xóa nghèo. Trước kia, gia đình ông thuộc diện khó khăn, tuy vậy với quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế, gia đình ông Lưu đã tận dụng điều kiện đất đai để phát triển mô hình trồng đào. Từ những gốc đào đầu tiên, đến nay, gia đình ông là hộ có diện tích trồng đào nhiều nhất trong xã với số lượng hơn 3.000 gốc đào. Bên cạnh đó, gia đình ông còn trồng thanh long ruột đỏ với hơn 800 trụ. Mỗi năm, gia đình ông cho thu nhập từ đào, thanh long hơn 300 triệu đồng. Thôn 6 hiện có hơn 200 hộ, trong đó có 70 hộ là đồng bào dân tộc Mường, nhiều cá nhân, hộ gia đình đã từ trồng, kinh doanh đào phai và vươn lên thoát nghèo, từng bước khấm khá.
Ông Bùi Đức Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Du cho biết: Xã hiện có 1.668 hộ, 6.808 nhân khẩu. Toàn xã hiện có 285 ha diện tích trồng cây đào. Những năm qua, xã Xuân Du đã không ngừng đẩy mạnh công tác giảm nghèo theo hướng bền vững, đồng thời tạo điều kiện để Nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước 68,23 triệu đồng/năm. Cuối tháng 10/2023, số hộ nghèo xã Xuân Du còn 16 hộ (chiếm tỷ lệ 0,95%), cận nghèo 33 hộ (tỷ lệ hộ cận nghèo 1,98%).
Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về giảm nghèo bền vững
Đồng chí Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thanh, cho biết: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã được các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triển khai tích cực, ưu tiên nguồn lực cho công tác giảm nghèo, các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tích cực nên đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận về mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện đã ban hành kế hoạch giảm nghèo năm 2023 trên địa bàn huyện, giao chỉ tiêu giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo cho các xã, thị trấn; phân công các thành viên ban chỉ đạo phụ trách cơ sở; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo; phân công nhiệm vụ cho các phòng, ngành trong tham mưu chỉ đạo thực hiện giảm nghèo năm 2023 để đạt và vượt chỉ tiêu tỉnh giao.
Cán bộ xã Xuân Du đến thăm mô hình trồng đào, thanh long của gia đình ông Quách Văn Lưu, thôn 6.
Kết quả thực hiện chỉ tiêu giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 của huyện Như Thanh, đó là: Số hộ nghèo đầu năm 2023 là 1.624 hộ (chiếm tỷ lệ 6,8%); số hộ nghèo sau rà soát hiện nay là 896 hộ (chiếm tỷ lệ 3,7%). Số hộ thoát nghèo là 728 hộ, giảm 3,1 (vượt kế hoạch tỉnh giao 236 hộ). Số hộ cận nghèo đầu năm 2023 là 1.562 hộ (chiếm tỷ lệ 6,5%), số hộ cận nghèo sau rà soát là 834 hộ (chiếm tỷ lệ 3,5%). Công tác giảm nghèo bền vững góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày một phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi mới, đời sống dân cư nông thôn được cải thiện rõ rệt, gắn với kết quả giảm nghèo đa chiều bền vững. Đến nay, toàn huyện chỉ còn 2 xã và 27 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Huyện Như Thanh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện trong năm 2024 trên 1,3%; cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn dưới 1,5%. Để đạt được mục tiêu này, huyện đề ra các giải pháp trọng tâm đó là: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình; nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng mục tiêu của chương trình, dự án đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư, nhằm làm thay đổi, chuyển biến nhận thức trong công tác giảm nghèo; khơi dậy ý thức người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo nhanh và bền vững. Huy động, tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ để thúc đẩy hoàn thành các dự án, tiểu dự án Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023-2025. Lồng ghép, bố trí đủ vốn cho chương trình, chính sách liên quan. Tăng cường sự tham gia của người dân, cộng đồng xã hội, đoàn thể... trong việc hỗ trợ các nguồn lực thực hiện thắng lợi Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.