Như Thanh phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Không chỉ khẳng định vai trò 'cầu nối' giữa cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân, mà đội ngũ người có uy tín (NCUT) của huyện Như Thanh còn là 'hạt nhân' trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế gia đình, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Ông Trương Văn Đinh - người có uy tín thôn Đồng Tâm, xã Phượng Nghi chăm sóc vườn cây ăn quả.

Huyện miền núi Như Thanh có dân số hơn 97.630 người, với 4 dân tộc anh em cùng chung sống đoàn kết là Kinh, Thái, Mường, Thổ. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 43%. Qua bình chọn và tôn vinh, toàn huyện hiện có 109 NCUT trong đồng bào DTTS. Thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Tiêu chí lựa chọn, công nhận NCUT và chính sách đối với NCUT trong đồng bào DTTS”, huyện Như Thanh đã triển khai đầy đủ, kịp thời chính sách hỗ trợ đến đội ngũ NCUT. Giai đoạn 2018-2022, tổng kinh phí thực hiện chính sách đối với NCUT trong đồng bào DTTS là 1,1 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 995 triệu đồng; ngân sách huyện là 105 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí đó, huyện đã tổ chức các hội nghị cung cấp thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; mở các lớp tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm phát triển sản xuất cho đội ngũ NCUT. Cùng với duy trì việc tặng quà dịp Tết Nguyên đán, thăm hỏi gia đình NCUT gặp khó khăn, ốm đau, huyện cũng kịp thời cung cấp các loại báo, tạp chí và biểu dương, khen thưởng những NCUT tiêu biểu trên các lĩnh vực. Đây là nguồn động viên to lớn để đội ngũ NCUT phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình đối với cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng thôn, bản.

Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi về xã Phượng Nghi khi cán bộ, đảng viên và Nhân dân đang đẩy nhanh tiến độ bê tông hóa đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi nông thôn. Đồng chí Lê Viết Hương, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Năm 2021, Phượng Nghi mới thoát khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn, bởi vậy khi bắt tay vào XDNTM địa phương gặp không ít “lực cản”. Đầu năm 2022, thời điểm bước vào giai đoạn nước rút để “về đích” NTM, xã Phượng Nghi mới đạt 9/19 tiêu chí NTM. Các tiêu chí còn thiếu đều là những tiêu chí đòi hỏi nguồn vốn lớn, cần sự chung tay, góp sức của Nhân dân, như: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường... Sau hơn 1 năm quyết tâm, đến nay, Phượng Nghi đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM. Để có được thành quả to lớn ấy ngoài vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy, chính quyền xã và Nhân dân, còn có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ NCUT.

Năm 2017, ông Trương Văn Đinh, người dân tộc Mường đã được Nhân dân thôn Đồng Tâm bầu chọn làm NCUT. Bằng uy tín, tiếng nói của mình, ông Đinh không chỉ tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn luôn tận tụy, hết lòng với công việc chung của cộng đồng. Trước năm 2021, hơn 1,2 km đường giao thông nội thôn Đồng Tâm chủ yếu là đường đất, đi lại khó khăn. Để việc giao thương thuận lợi, góp phần hoàn thành các tiêu chí XDNTM, ông Đinh đã cùng với chi bộ, ban công tác mặt trận thôn không quản ngại nắng, mưa “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động Nhân dân đóng góp 544 triệu đồng và hiến hơn 300m2 đất cho công trình. Uy tín, tiếng nói của ông Đinh đã tạo nên sự đồng thuận của Nhân dân và đúng 1 năm sau, hơn 1,2 km đường giao thông của thôn đã được bê tông hóa. Với phương châm, phát huy nội lực trong Nhân dân, ông Đinh còn cùng với chi bộ, ban công tác mặt trận thôn tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân đóng góp 274 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa thôn. Từ sức dân và nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, thôn Đồng Tâm đã khoác lên mình “diện mạo mới” với những tuyến đường sạch sẽ, giao thương thuận lợi hơn.

Không chỉ giữ vai trò quan trọng trong tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia XDNTM, NCUT trong huyện Như Thanh còn là những “đầu tàu” trong học hỏi kinh nghiệm các mô hình sản xuất và tổ chức sản xuất theo phương pháp khoa học mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, thường xuyên phổ biến giúp đỡ, hướng dẫn nhiều người dân trong thôn, xóm, dòng họ phương thức sản xuất mới để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Nhiều tấm gương NCUT đi đầu trong mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, như ông Bùi Văn Bảy, dân tộc Mường, trưởng thôn 2, xã Xuân Phúc, đã tận dụng, khai thác tiềm năng đất đai để canh tác sản xuất nông - lâm - nghiệp tổng hợp; ông Quách Văn Lưu, dân tộc Mường, hộ sản xuất giỏi thôn 6, xã Xuân Du đã thành công với mô hình trồng đào phai và chăn nuôi tổng hợp. Bên cạnh đó, đội ngũ NCUT của huyện Như Thanh còn thể hiện vai trò trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp được duy trì như lễ tục Kin chiêng boọc mạy của người Thái ở xã Xuân Phúc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; lễ hội Sết boóc mạy của dân tộc Thái ở xã Xuân Thọ; lễ hội cơm mới của dân tộc Mường ở xã Phượng Nghi.

Bằng những việc làm thiết thực, đội ngũ NCUT trong đồng bào DTTS huyện Như Thanh đã và đang góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và XDNTM ở mỗi thôn, bản. Tính đến hết năm 2022, huyện Như Thanh có 9 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt NTM nâng cao, 78 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM và 14 thôn, bản đạt NTM kiểu mẫu.

Bài và ảnh: Hòa Bình

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nhu-thanh-phat-huy-vai-tro-nguoi-co-uy-tin-trong-dong-bao-dan-toc-thieu-so/180714.htm