Như Thanh tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác xuất khẩu lao động
Xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là hướng giải quyết việc làm hiệu quả cho người lao động và góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo bền vững, thời gian qua các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Như Thanh đã chú trọng thực hiện những giải pháp nhằm tăng cường công tác này.
Người dân trang bị kiến thức cần thiết để tham gia xuất khẩu lao động tại các thị trường cho thu nhập cao.
Thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI), Ban Thường vụ Huyện ủy Như Thanh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch học tập và tổ chức hội nghị học tập, quán triệt, triển khai thực hiện chỉ thị đến đội ngũ cán bộ chủ chốt toàn huyện; các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và toàn thể Nhân dân trong huyện về chủ trương đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, UBND huyện phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các ngành chức năng, các doanh nghiệp tuyển lao động, các xã, thị trấn tổ chức các hội nghị chuyên đề tư vấn, tuyên truyền, giám sát, đánh giá về công tác XKLĐ để người dân nắm bắt được các thông tin về thị trường lao động ngoài nước; cung cấp công khai danh sách, địa chỉ các doanh nghiệp đang tuyển chọn lao động xuất khẩu trên địa bàn; số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn; điều kiện lao động và sinh hoạt; các khoản phí phải nộp, quyền lợi và trách nhiệm của người lao động khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên các văn bản chỉ đạo.
Huyện cũng tuyên truyền các chính sách ưu đãi của các nước và Việt Nam đối với người lao động hết hạn hợp đồng lao động về nước đúng thời hạn; các nguy cơ rủi ro mà người lao động phải đối mặt khi làm việc và cư trú bất hợp pháp tại các nước; đồng thời tích cực vận động gia đình có con em cư trú bất hợp pháp khẩn trương trở về nước, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài...; hướng dẫn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đăng ký trực tiếp với doanh nghiệp XKLĐ để học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và được chấp nhận đi làm việc ở nước ngoài làm các thủ tục cần thiết để được hỗ trợ...
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ năm 2012 đến nay tổng số lao động của huyện đã xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài có trên 2.500 người, hiện tại có trên 1.000 người đang làm việc tại nước ngoài. Mức thu nhập bình quân của người lao động đi làm việc ở nước ngoài giao động từ 15 - 40 triệu đồng/tháng. Cụ thể, tại thị trường Đài Loan từ 15 - 20 triệu đồng/người/tháng; Nhật Bản từ 20 - 30 triệu đồng/người/tháng; Hàn Quốc từ 36 - 40 triệu đồng/người/tháng... số tiền người lao động ở nước ngoài gửi về nước hàng năm từ 20 - 23 tỷ (VNĐ). Các lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã tích lũy được vốn, thanh toán các khoản nợ khi đi XKLĐ và trang trải chi phí gia đình, xây dựng nhà mới, nhiều hộ đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mở cửa hàng kinh doanh, trang trại tạo việc làm cho lao động địa phương, tập trung ở các xã Cán Khê, Xuân Du, Hải Long, Phượng Nghi... Nhiều hộ có người đi XKLĐ cơ bản đã thoát nghèo và có hướng phát triển vươn lên làm giàu, góp phần tích cực vào chương trình đào tạo và giải quyết việc làm giảm nghèo bền vững. Trong năm 2023 đã có 255 người đi XKLĐ, đạt 170% kế hoạch huyện giao.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý Nhà nước về XKLĐ của một số xã trên địa bàn huyện vẫn chưa được quan tâm đúng mức; việc phối hợp tư vấn, tuyển lao động còn hạn chế; Ban Chỉ đạo XKLĐ ở một số xã chưa phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp XKLĐ trong việc tuyển dụng lao động, nên hiện tượng XKLĐ phải qua môi giới trung gian, làm tăng chi phí, khi người lao động gặp rủi ro chính quyền địa phương không nắm được thông tin dẫn đến sự việc kéo dài khó giải quyết; việc doanh nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương trong giải quyết những vụ việc xảy ra như làm việc không đúng hợp đồng, về nước trước thời hạn, rủi ro trong XKLĐ còn thiếu chặt chẽ, nhiều vụ việc chưa giải quyết dứt điểm, kéo dài; vẫn còn hiện tượng người dân tự ý hoặc thông qua môi giới đưa sang một số nước như: Trung Quốc, Thái Lan... làm việc, cư trú bất hợp pháp thông qua hình thức đi du lịch, thăm người thân đã gây thiệt hại cho chính bản thân người lao động và công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực XKLĐ; tỷ lệ lao động bỏ trốn, hết hợp đồng lao động không về nước, ở lại làm việc, cư trú bất hợp pháp tại một số nước mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao gây hình ảnh xấu đối với lao động Việt Nam nói chung và của các huyện nói riêng...
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo XKLĐ huyện Như Thanh, trong những năm tới, dự báo tình hình thị trường sẽ có thêm nhiều cơ hội cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, các thị trường lao động có thu nhập cao đang mở cửa với lao động Việt Nam, như thị trường Nhật Bản với nhiều ngành nghề nông nghiệp, chế biến thực phẩm, khách sạn, nhà hàng, công nghiệp... đối tượng tiếp nhận là người lao động thuộc nhiều trình độ không còn hạn chế trong nhóm thực tập sinh, thực tập kỹ năng. Thị trường lao động tại Đài Loan, Rumani, Liên bang Nga... làm việc trên lĩnh vực xây dựng, dệt may, nông nghiệp, công nghệ cao, điều dưỡng mở ra hàng trăm nghìn cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam. Đây là thị trường tiềm năng có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài lớn, ngành nghề phù hợp với lao động Việt Nam, thu nhập của người lao động đảm bảo, chi phí trước khi đi thấp.
Để công tác XKLĐ đạt hiệu quả, thời gian tới huyện Như Thanh triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư gắn với Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 30/5/2014 của thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý người Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS; Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 21/7/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác XKLĐ. Triển khai các chương trình hỗ trợ đào tạo lao động xuất khẩu, như hỗ trợ đào tạo một số ngành nghề đặc thù, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nghèo đi làm việc ở nước ngoài, đảm bảo tất cả các lao động khi đi làm việc ở nước ngoài đều tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức cần thiết về phong tục, tập quán, pháp luật có liên quan của các nước tiếp nhận lao động.
Tăng cường phối hợp với doanh nghiệp; các xã, thị trấn trong việc tuyên truyền, tuyển chọn đào tạo nguồn lực đi làm việc tại nước ngoài thông qua việc cung cấp thông tin để người lao động có đủ thông tin khách quan khi tham gia XKLĐ. Thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích XKLĐ của Trung ương, của tỉnh để ngày càng đưa được nhiều lao động thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hộ chính sách và gia đình người có công đi làm việc ở nước ngoài.
Tạo môi trường thuận lợi, đảm bảo đúng quy trình, quy định của các doanh nghiệp và người lao động trong công tác XKLĐ đảm bảo chất lượng khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chú trọng đưa lao động đi làm việc ở các thị trường có thu nhập cao, ổn định, môi trường làm việc tiên tiến. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ XKLĐ của Trung ương, địa phương và lồng ghép chính sách hỗ trợ việc làm của nhà nước khuyến khích người lao động, thực hiện tốt chính sách cho vay XKLĐ đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn XKLĐ trong đó ưu tiên đối với lao động thuộc diện gia đình chính sách, gia đình người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số.