Như Xuân phát huy tiềm năng, thế mạnh, góp phần giảm nghèo bền vững
Như Xuân là huyện miền núi phía Tây Nam của tỉnh. Toàn huyện có 16.705 hộ, với 70.066 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc chính là Thái, Thổ, Mường, Kinh. Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trong đó có Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, cùng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự vươn lên của mỗi người dân, đã góp phần đưa kinh tế - xã hội (KT-XH) của huyện Như Xuân từng bước phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững.
Xã Xuân Hòa là địa phương có diện tích trồng cam lớn trên địa bàn huyện.
Phát huy lợi thế của huyện miền núi
Những ngày cuối năm cũng là thời điểm nông dân xã Xuân Hòa (Như Xuân) bắt đầu bước vào vụ thu hoạch cam, bưởi. Những vườn cam lòng vàng trĩu quả, bạt ngàn, hứa hẹn một mùa bội thu.
Chúng tôi đến thăm vườn cam của gia đình anh Lê Minh Hải, xã Xuân Hòa - là hộ dân có diện tích trồng cam nhiều trên địa bàn xã. Hiện tại, gia đình anh Hải có 15 ha cây trồng, trong đó có 7 ha trồng cam lòng vàng, cam đường Canh. Riêng năm 2022, vườn cam cho thu hoạch 150 tấn. Ngoài ra, gia đình anh Hải trồng thêm các loại bưởi da xanh, bưởi Diễn. Gia đình anh tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động chính và từ 20 lao động thời vụ trở lên. Năm 2023 được xem là năm được mùa cam đối với gia đình anh cũng như các hộ dân trồng cam trên địa bàn xã Xuân Hòa.
Bà Lê Thị Hoài, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, cho biết: Toàn xã có tổng diện tích 213 ha cây ăn quả, riêng diện tích cam là hơn 118 ha (trong đó diện tích cam được trồng tập trung từ 1 ha trở lên là 103 ha). Điều kiện đất đai, khí hậu vùng đất Xuân Hòa phù hợp cho cây cam sinh trưởng, phát triển. Đây cũng là cây trồng mở ra hướng thoát nghèo, làm giàu cho bà con nông dân. Hiện nay, trên địa bàn xã đã xây dựng các sản phẩm cam, bưởi trở thành sản phẩm OCOP. Năm 2023, HTX Thành Công hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận lại sản phẩm OCOP 3 sao (cam đường Canh và cam Xã Đoài Như Xuân) và tiếp tục duy trì chất lượng 2 sản phẩm OCOP 3 sao đã được công nhận năm 2022 (bưởi da xanh và bưởi Diễn).
Thời gian qua, xã Xuân Hòa đã tuyên truyền để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao; trồng các loại rau màu như bí xanh, dưa lê, ngô..., trồng sắn, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm... Cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo sát sao nên diện tích gieo trồng, thâm canh, luân canh các loại cây trồng vụ chiêm xuân, thu mùa đúng thời vụ, trên tất cả diện tích đất nông nghiệp; động viên Nhân dân tích cực phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu và khả năng canh tác nhằm nâng cao thu nhập. Năm 2023, xã tiếp tục tổ chức hướng dẫn một số hộ dân thôn Thanh Niên tham gia mô hình trồng rau sạch tập trung, đảm bảo theo yêu cầu tiêu chuẩn VietGAP. Cùng với đó, xã Xuân Hòa triển khai thực hiện chương trình MTQG như XDNTM; phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững. Qua đó, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư; người dân được thụ hưởng các chương trình, hỗ trợ phát triển sản xuất, sinh kế.
Hiện nay, tổng số hộ nghèo trên địa bàn xã Xuân Hòa là 56 hộ, chiếm tỷ lệ 6,73%, giảm 3,56% so với năm 2022; hộ cận nghèo là 126 hộ, chiếm tỷ lệ 15,14%, giảm 8,3% với năm 2022. Xã Xuân Hòa đang tập trung chỉ đạo và tăng cường bám, nắm đồng ruộng, chỉ đạo công tác thu hoạch các loại cây trồng. Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh về chuyển đổi cơ cấu sản xuất; đề xuất cấp trên hỗ trợ một số mô hình sản xuất tập trung tăng thêm năng lực sản xuất mới để thúc đẩy phát triển kinh tế; xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng nhằm thực hiện tốt hơn đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, đàn vật nuôi. Huy động các nguồn lực cho phát triển KT-XH địa phương.
Không chỉ riêng xã Xuân Hòa, trên địa bàn huyện Như Xuân đã và đang hình thành các vùng cam, bưởi, cây mắc ca... mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Tiêu biểu xã Cát Vân có mô hình trồng, sản xuất cây mắc ca; xã Hóa Quỳ có mô hình “Vườn rừng bản Thổ” - đây là mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi trên đất đồi tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, trồng các loài cây có giá trị kinh tế cao. Nhiều hộ dân ở xã Hóa Quỳ cũng đã cải tạo vườn tạp trồng các loại cây ăn quả như mít, bưởi, ổi; ở xã Cát Tân phát triển vùng nguyên liệu chè; ở thị trấn Yên Cát có mô hình trồng, sản xuất hương bài...
Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế
Huyện Như Xuân đã và đang triển khai thực hiện các chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, góp phần tích cực cho phát triển KT-XH của huyện; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thực hiện các tiểu dự án, dự án của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ, thụ hưởng các chương trình, trong đó có hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo. Cụ thể, năm 2022-2023, UBND huyện Như Xuân đã hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai dự án phát triển cộng đồng (chủ yếu là các dự án chăn nuôi trâu, bò cái sinh sản); hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp...
Mô hình nuôi bò sinh sản của gia đình ông Lê Văn Tình, thôn Thắng Lộc, xã Bình Lương.
Thông qua nguồn lực từ chương trình MTQG, lồng ghép với các chương trình dự án khác và nguồn lực của địa phương, các nguồn lực xã hội hóa, hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư thúc đẩy phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân. Từ đó, điều kiện KT-XH trên địa bàn huyện có bước phát triển khá, đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đoàn kết, thống nhất cao trong chỉ đạo, điều hành; cùng với sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, do đó quá trình thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo đạt được kết quả tích cực. Ý thức của người dân, đặc biệt là người nghèo, hộ nghèo đã chủ động hơn và tự giác lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo.
Đến nay, tổng số hộ nghèo rà soát năm 2023 áp dụng chính sách cho năm 2024 trên địa bàn huyện Như Xuân là 1.661 hộ, chiếm tỷ lệ 9,94%; hộ cận nghèo là 2.677 hộ, chiếm tỷ lệ 16,03%, vượt chỉ tiêu tỉnh giao là 0,22%, vượt chỉ tiêu kế hoạch huyện giao là 106%. Kế thừa những kết quả đạt được năm 2023, năm 2024, huyện Như Xuân tiếp tục phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Như Xuân lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra và Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 16/6/2022 của UBND huyện về việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững huyện Như Xuân giai đoạn 2021-2025.
Cuối năm 2024, huyện Như Xuân dự kiến giảm 3% trở lên hộ nghèo (tương đương 501 hộ), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,94% (tương đương 1.161 hộ nghèo). Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện Như Xuân tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, phấn đấu hoàn thành mục tiêu, kế hoạch của chương trình. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng mục tiêu của chương trình, dự án đến các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân, nhằm thay đổi, chuyển biến nhận thức trong công tác giảm nghèo; khơi dậy ý thức người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo nhanh và bền vững. Huy động, tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ để thúc đẩy hoàn thành các dự án, tiểu dự án; lồng ghép, bố trí đủ vốn cho chương trình, chính sách liên quan. Tăng cường sự tham gia của người dân, cộng đồng xã hội, đoàn thể... trong việc hỗ trợ các nguồn lực thực hiện chương trình.