Như Xuân tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, huyện Như Xuân đã triển khai xây dựng hàng chục mô hình sản xuất mới, từng bước mang lại hiệu quả, giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu T9 trực tiếp cử cán bộ kỹ thuật đến hỗ trợ người dân trong suốt quá trình trồng, chăm sóc cây trồng.

Gia đình ông Đinh Ngọc Xuân ở thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân có hơn 10 ha đất đồi nhận khoán từ năm 1984. Trước đây, trên diện tích đất này gia đình ông đã trồng nhiều loại cây như mía, sắn, keo... tuy nhiên hiệu quả kinh tế đem lại không như mong muốn, bởi thiếu lao động, đầu ra cho sản phẩm bấp bênh...

Đầu năm 2021, gia đình ông và một số hộ khác trên địa bàn được Công ty TNHH Xuất nhập khẩu T9 tư vấn, hỗ trợ giống, vốn, phân bón... để thực hiện chuyển đổi cây trồng. Gia đình ông đã mạnh dạn trồng gần 5 ha cây chanh dây, xoài... cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.

Theo đánh giá của đại diện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu T9, chanh dây và xoài là những loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian thu hoạch tuy ngắn nhưng hiệu quả kinh tế cao. Với mỗi ha chanh dây, bà con nông dân sẽ có thu hoạch từ 70 đến 80 tấn/ha/năm. Sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận đạt gần 100 triệu đồng/ha. Để cây chanh dây phát triển tốt, gia đình ông Xuân đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu T9 cũng trực tiếp cử cán bộ kỹ thuật đến hỗ trợ gia đình ông trong suốt quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản... Các sản phẩm sau đó sẽ được công ty thu mua toàn bộ theo hợp đồng đã ký.

Trên địa bàn huyện, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu T9 cũng đang triển khai xây dựng hàng chục ha trồng chanh dây, xoài tại các xã: Xuân Bình, Bãi Trành, Xuân Hòa... Các vùng nguyên liệu này sẽ cơ bản đáp ứng được nguồn nguyên liệu đầu vào mà Công ty TNHH Xuất nhập khẩu T9 đang còn thiếu. Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu T9 Bùi Thiên Trưởng cho biết: “Công ty đang liên kết trồng xoài và chanh dây, hiện đang phát triển tốt”.

Bám sát chủ trương của huyện trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện miền núi Như Xuân đã đầu tư hàng tỷ đồng nhằm triển khai các hoạt động khuyến nông trên địa bàn. Trước đây, phần lớn nông dân vẫn sản xuất theo lối manh mún, quy trình sản xuất lạc hậu nên năng suất cây trồng, vật nuôi không cao, vì thế Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tăng cường xây dựng các mô hình mới, tích cực chuyển giao kỹ thật cho bà con.

Đến nay, huyện Như Xuân đã xây dựng được hàng chục điểm trình diễn trồng trọt, chăn nuôi với sự tham gia của hàng trăm hộ nông dân, chủ yếu tập trung vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình điểm về trang trại, gia trại, chăn nuôi an toàn sinh học, trồng rau an toàn... Cụ thể như mô hình khảo nghiệm giống lúa VT505 tại xã Xuân Bình, giống lúa Lam Sơn 8 tại các xã Bãi Trành, Yên Lễ... với năng suất đạt 350 - 400kg/sào; giống lúa thuần SV181 tại xã Hóa Quỳ với năng suất đạt 380kg/sào, hay mô hình trồng lạc bằng biện pháp sinh học, mô hình nuôi cá nước ngọt theo quy trình VietGAP tại xã Cát Vân, Cát Tân; mô hình chăn nuôi lợn thịt trong nông hộ sử dụng thức ăn lên men tại xã Bãi Trành...

Từ năm 2019 đến nay, huyện Như Xuân đã thực hiện được 130 mô hình sản xuất nông nghiệp ở 14/18 xã, thị trấn. Các mô hình điểm triển khai đều giúp thu nhập của các hộ nông dân tăng từ 12 đến 15% so với sản xuất đại trà và hiện đang được nhân rộng trên địa bàn, như: Mô hình chăn nuôi lợn Móng Cái trên đệm lót sinh học ở các xã Xuân Quỳ, Cát Tân; mô hình chăn nuôi gà lông màu ở xã Thanh Quân, Bình Lương; mô hình chăn nuôi vịt bầu ở xã Thanh Xuân; mô hình lúa bón phân viên nén dúi sâu ở xã Hóa Quỳ, Thanh Lâm, Thanh Quân; mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở Xuân Bình, Yên Cát... Trong đó, mô hình lúa bón phân viên nén dúi sâu, góp phần tăng năng suất lúa từ 10 đến 20% và hiệu quả kinh tế trên mỗi ha cũng được nâng lên khoảng 15 triệu đồng; mô hình trồng thanh long ruột đỏ cho thu nhập cao hơn gấp từ 2 đến 3 lần so với các cây trồng khác. Nhìn chung các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân Lê Tiến Đạt cho biết: Huyện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, theo hướng phát triển cây ăn quả, gắn vùng nguyên liệu với chế biến, theo đó tập trung vào cây xoài, cây chanh dây. Tới đây, huyện sẽ tiếp tục phát triển 600 đến 800 ha cây xoài, tạo sự yên tâm cho người dân trong quá trình phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng các mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có thương hiệu và đồng bộ từ khâu sản xuất, chọn giống đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm, gắn sản xuất nông nghiệp với bảo vệ môi trường, đồng thời tập trung đa dạng hóa các loại nông sản đảm bảo chất lượng, tiếp tục phát triển liên kết 4 nhà trong sản xuất, qua đó góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân.

Bài và ảnh: Minh Khanh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nhu-xuan-tiep-tuc-thuc-hien-de-an-tai-co-cau-nganh-nong-nghiep/191379.htm