Như Xuân xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại

Nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân trong giảm nghèo, những năm qua cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Như Xuân đã tích cực tuyên truyền người dân xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động sản xuất, phấn đấu thoát nghèo.

Gia đình bà Nguyễn Thị Dậu tập trung chăn nuôi bò và đã vươn lên thoát nghèo.

Gia đình bà Nguyễn Thị Dậu tập trung chăn nuôi bò và đã vươn lên thoát nghèo.

Là xã thuộc vùng trũng của huyện miền núi Như Xuân, nhiều năm qua cấp ủy chính quyền xã Bình Lương đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về XDNTM, đến nay xã đã có nhiều đổi thay. Từ những con đường đất gập ghềnh khó đi trước đây, nay đã được “cứng hóa”, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương. Những vạt đồi trọc đã được phủ bởi màu xanh trù phú của keo, cam, bưởi... Đó là thành quả, lao động sản xuất của người dân trong xã nói chung và của những hộ nghèo đã nỗ lực vươn lên có cuộc sống ổn định trong ngôi nhà kiên cố thay thế nhà tranh tre nứa lá trước đây.

Từng là hộ nghèo của xã Bình Lương, trước năm 2020 gia đình bà Nguyễn Thị Dậu ở thôn Làng Sao còn phải sống trong ngôi nhà tranh tre nứa lá. Sau nhiều nỗ lực cố gắng, được cấp ủy, chính quyền hướng dẫn và hỗ trợ 10 triệu đồng để mua bò cái sinh sản về chăn nuôi. Từ lúc ban đầu với một con, đến nay gia đình bà đã nhân lên 4 con, kết hợp trồng cây keo, bà đã xây dựng được nhà kiên cố, và ra khỏi danh sách hộ nghèo. Hiện nay, gia đình bà tiếp tục phát triển chăn nuôi bò và trồng cây keo ổn định cuộc sống.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lương Đinh Thị Thắm, cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền xã Bình Lương đã tích cực tuyên truyền, vận động người nghèo, hộ nghèo thấy rõ vai trò của mình, vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thực hiện chương trình giảm nghèo. Đồng thời phân công cán bộ, đảng viên phụ trách hướng dẫn, giúp đỡ hộ nghèo, người nghèo có những phương thức mới trong lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Nhất là việc tuyên truyền, vận động khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Trên cơ sở nắm chắc hoàn cảnh, nguyên nhân các hộ nghèo, địa phương đã tổ chức tập huấn khuyến nông, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật để các hộ nghèo biết cách cải tạo vườn tạp, đưa các loại cây có giá trị kinh tế cao vào trồng trọt kết hợp với chăn nuôi; tổ chức các buổi đối thoại để trao đổi cách làm hay của các hộ khá và giàu, giải đáp thắc mắc của các hộ nghèo.

Để các hộ nghèo có nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, cấp ủy, chính quyền xã Bình Lương đã chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn xã phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ giúp nhau thoát nghèo. Trong đó, Hội Cựu chiến binh xã hỗ trợ hội viên tiếp cận kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã phối hợp với các tổ chức tín dụng, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện thuận lợi giúp bà con tiếp cận chương trình tín dụng ưu đãi dành cho đối tượng nghèo, cận nghèo. Từ những cách làm cụ thể, năm 2016 toàn xã Bình Lương có 35,2% hộ nghèo, thì đến giữa năm 2024 chỉ còn hơn 3% hộ nghèo.

Ở Như Xuân, trong những năm qua công tác giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền quan tâm, nhất là việc tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, với phương châm “trao cần câu hơn trao con cá” để người nghèo phải tự nỗ lực vươn lên bằng bàn tay, khối óc của mình trong lao động, sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Thông qua việc hỗ trợ, tạo điều kiện, hướng dẫn mô hình sản xuất thoát nghèo, nhiều hộ gia đình nghèo trên địa bàn huyện Như Xuân đã cần cù lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo. Điển hình như mô hình liên kết hộ chăn nuôi trâu, bò sinh sản cho nhóm hộ tại thôn Làng Trung, xã Thanh Quân. Với quy mô ban đầu là 19 hộ, tổng số 62 con bò và 22 con trâu, đến nay đàn trâu, bò đã tăng lên trên 100 con. Hay như hoạt động của mô hình câu lạc bộ phụ nữ giảm nghèo đã giúp nhiều hội viên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích để phát triển kinh tế hiệu quả, như gia đình chị Hà Thị Phước ở thôn Chôi Trờn, xã Bãi Trành; gia đình chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hùng Tiến, xã Xuân Bình... Đó còn là mô hình tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản ở xã Cát Vân; tổ hợp tác chăn nuôi dê ở xã Thanh Quân. Qua đó làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, xóa bỏ các tập tục, tập trung lao động sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Như Xuân Lê Văn Thuận, cho biết: Chương trình giảm nghèo nhanh, bền vững đảm bảo an sinh luôn được cấp ủy, chính quyền trong huyện quan tâm thực hiện với phương châm lấy vai trò chỉ đạo của các tổ chức đảng làm định hướng, các tổ chức đoàn thể - xã hội làm trọng tâm, người dân là chủ thể... Giai đoạn 2021-2025, để đạt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 3%, Đảng bộ huyện đã xây dựng chương trình hành động và chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ; phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ phụ trách các lĩnh vực và các chi bộ, đảng bộ trực thuộc để hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người nghèo, hộ nghèo tích cực lao động sản xuất tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Bài và ảnh: Minh Hiếu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nhu-xuan-xoa-bo-tu-tuong-trong-cho-y-lai-220230.htm