Nhựa Đông Á (DAG) thua lỗ 257 tỷ, thiệt hại nặng nhất 13 năm từ khi lên sàn
Tính riêng trong năm 2023, CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á (Mã: DAG) thua lỗ tới 257 tỷ đồng, cao nhất trong 13 năm kể từ khi lên sàn.
Nhựa Đông Á (DAG) thua lỗ kỷ lục 257 tỷ đồng từ khi lên sàn
Kể từ khi bắt đầu lên sàn vào năm 2010 đến nay, Nhựa Đông Á luôn báo lãi hàng chục tỷ đồng mỗi năm và chưa từng ghi nhận thua lỗ. Tuy nhiên, trong năm 2023, đơn vị này đã chứng kiến sụt giảm doanh thu mạnh cùng khoản thua lỗ kỷ lục lên tới 257 tỷ đồng.
Theo BCTC hợp nhất quý 4/2023, Nhựa Đông Á ghi nhận doanh thu thuần 30,7 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ. Chi phí giá vốn cao khiến công ty phải chịu lỗ gộp 1,6 tỷ đồng trong Quý 4/2023.
Tình trạng sụt giảm doanh thu được công ty lý giải là do tình hình kinh tế trong nước khó khăn, thị trường bất động sản giảm sút. Trong khi đó các chi phí vận hành vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn dù đã tiết giảm nhiều so với cùng kỳ.
Chi phí tài chính chiếm 15,9 tỷ đồng trong khi doanh thu tài chính chỉ có 368 triệu đồng. Trong đó phần chi phí lãi vay đang chiếm toàn bộ chi phí tài chính mà DAG phải gánh chịu. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt chiếm 903 triệu và 4,5 tỷ đồng, dù đã giảm một nửa nhưng vẫn là gánh nặng cho công ty trong giai đoạn thua lỗ này.
Trừ đi hết các chi phí và thuế, DAG lỗ sau thuế 22,3 tỷ đồng ngay trong Quý 4.
Tính đến hết Quý 4, lũy kế doanh thu của DAG đạt 1.203,6 tỷ đồng, giảm tới 47% so với cùng kỳ. Công ty thua lỗ tới 257,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn đang lãi 7,4 tỷ đồng. Đây là khoản thua lỗ lớn nhất của DAG trong 13 năm kể từ khi lên sàn tới nay.
Nợ vay cao gấp 3 lần vốn chủ, lỗ lũy kế "nhảy vọt" lên 238 tỷ đồng
Một trong những nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng thua lỗ của Nhựa Đông Á đến từ cơ cấu nợ vay gia tăng rất mạnh trong nguồn vốn của công ty.
Tại cuối Quý 4/2023, DAG ghi nhận nợ phải trả chiếm tới 1.744,8 tỷ đồng, tăng gần 17% so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm 1.487,9 tỷ đồng, nợ vay ngắn hạn chiếm 1.022,9 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.
Bên cạnh đó, công ty cũng đang vay nợ dài hạn 255,6 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của DAG là 1.278,5 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ đang chiếm 429,7 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tính riêng nợ vay của DAG cũng đang cao gấp 3 lần so với vốn chủ sở hữu.
Áp lực từ vấn đề vay nợ ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của Nhựa Đông Á. Trong năm 2023, chi phí lãi vay của công ty chiếm 78,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ chiếm 13,9 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong 1 năm, chi phí lãi vay của Nhựa Đông Á đã tăng lên gấp 5,6 lần.
Cổ phiếu DAG bị chuyển sang diện kiểm soát, liên tục mất giá
Với kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa, cổ phiếu DAG đã liên tục mất giá trong khoảng 2 năm trở lại đây. Cụ thể, DAG từng đạt đỉnh 15.300 đồng/cổ phiếu trong tháng 10/2021.
Sau đó liên tục là những nhịp giảm giá khiến cho cổ phiếu DAG hiện chỉ còn ghi nhận ở mức 3.160 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 15/2/2024. Có thể thấy rằng giá trị cổ phiếu DAG đã giảm tới gần 5 lần chỉ trong 2 năm.
Trong tháng 11/2023, Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã chuyển cổ phiếu DAG từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát do công ty liên tục vi phạm quy định về công bố thông tin. Phía Nhựa Đông Á sau đó cũng đã nộp BCTC Quý 4/2023 để khắc phục tình trạng trên.