Nhựa Duy Tân: Nỗ lực dùng công nghệ mới để giải bài toán cũ
Duy Tân là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt nam sở hữu nhà máy hiện đại với công nghệ 'bottle to bottle', đem lại vòng tuần hoàn lên tới 50 lần cho chai nhựa.
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank), mỗi năm, Việt Nam thải khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa trên đất liền và 0,28 đến 0,73 triệu tấn chất thải nhựa đổ ra đại dương. Điều này đặt các doanh nghiệp dưới bài toán phải làm sao để xử lý hiệu quả nguồn rác thải nhựa, không gây ảnh hưởng đến môi trường.
Một tên tuổi đi tiên phong trong ngành tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam chính là Công ty CP Nhựa Tái chế Duy Tân, đơn vị sở hữu nhà máy tái chế nhựa hiện đại bậc nhất thị trường tính đến nay.
Ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững của Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân cho biết hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam không mới. Tuy nhiên, với những công nghệ cũ, lượng nhựa tái chế ra vẫn có nguy cơ gây ô nhiễm không khí và nguồn nước.
Đây là động lực thôi thúc Duy Tân đầu tư xây dựng nhà máy đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ "Bottle to Bottle"; trong đó mỗi chai nhựa đã qua sử dụng sẽ được tái chế thành các hạt nhựa để dùng làm đầu vào sản xuất những chai nhựa mới, giúp giảm sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch.
Khởi công xây dựng từ tháng 6/2019, nhà máy nhựa Duy Tân có diện tích 65.000 m2 tại Cụm công nghiệp nhựa Đức Hòa Hạ, tỉnh Long An. Hiện nhà máy có công suất sản xuất 30.000 tấn nhựa/năm, kế hoạch giai đoạn 2 sẽ nâng công suất xử lý lên 60.000 tấn nhựa/năm, tương đương 4,6 tỷ chai nước sẽ được tái chế.
“Nếu như trước đây sản phẩm chai nhựa chỉ có 1 vòng đời thì hiện tại đã tăng lên gấp 50 lần. Đây là bước tiến lớn cho ngành tái chế nói chung và nhựa tái chế nói riêng”, ông Lê Anh khẳng định.
Theo đại diện nhựa Duy Tân, trong khi nhiều người vẫn nghĩ tái chế là hành động mang tính trách nhiệm thì trên thế giới, đây là một thị trường tiềm năng với nhiều cơ hội hấp dẫn. Từ chỗ phải bỏ đi, rác thải đã trở thành nguồn tài nguyên đầu vào cho nhiều hoạt động sản xuất. Như tại Duy Tân, hạt nhựa tái sinh của công ty đáp ứng các tiêu chuẩn của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), chứng nhận từ Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA), phù hợp để sản xuất bao bì cho ngành thực phẩm, bao gồm cả nước uống.
Ông Lê Anh đánh giá ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam đang bước đầu hình thành, thể hiện qua sự quy tụ của các hiệp hội tái chế bao bì giấy, kim loại, thủy tinh, nhựa,…từ đó mang tới kỳ vọng về một môi trường xanh, sạch hơn. Tuy nhiên, một thực trạng không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn phổ biến ở các quốc gia Đông Nam Á khác, đó là hoạt động phân loại rác thải tại nguồn chưa tốt.
Ví dụ với nhựa Duy Tân, doanh nghiệp thu về thu về 100 tấn nhựa thì chỉ sử dụng 50 tấn để tiếp tục tái chế thành chai nhựa; phần còn lại phải chuyển sang tái chế các sản phẩm thấp hơn như xơ sợi dùng cho dệt vải.
“Việc phân loại không tốt khiến tỷ lệ tái chế không cao. Chưa kể, nhiều người tiêu dùng còn e ngại với sản phẩm tái chế. Tôi hy vọng trong năm 2024, Việt Nam sẽ có nhiều chương trình nâng cao nhận thức người dùng để cùng nhau tái chế các sản phẩm”, đại diện nhựa Duy Tân cho biết.