Nhựa Opec: Đại gia ngành nhựa với doanh thu nghìn tỷ nhưng lợi nhuận 'có như không'
Bất chấp việc doanh thu liên tục tăng trưởng, Nhựa Opec vẫn có lợi nhuận vô cùng thấp khiến nhiều chuyên gia phải đặt dấu hỏi lớn.
Nhựa Opec và những lần tăng vốn
Tiền thân là Nhà máy Nhựa Á Châu được thành lập và bắt đầu hoạt động từ năm 2002, công ty đã được đổi tên thành Công ty Nhựa Opec vào tháng 9/2009 với lĩnh vực chính được đăng ký kinh doanh là nhập khẩu và phân phối hạt nhựa PVE, PVC. Cho đến nay, Opec đã trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu ngành sản xuất nhựa tại Việt Nam.
Phân xưởng sản xuất của Nhà máy sản xuất bao bì nhựa xuất khẩu. Nguồn: TL
Ban đầu khi mới bắt đầu thành lập, cơ cấu cổ đông của Nhựa Opec gồm 3 người bao gồm: ông Nguyễn Đước Hà (sở hữu 10% vốn điều lệ), ông Nguyễn Minh Tú (sở hữu 35% vốn điều lệ) và ông Đinh Đức Thắng (nắm giữ 55% cổ phần). Tổng vốn điều lệ theo đăng ký ban đầu của công ty là 55 tỷ đồng với vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật thuộc về ông Đinh Đức Thắng.
Bên cạnh việc nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của công ty Nhựa Opec, ông Đinh Đức Thắng còn là người đại diện cho nhiều doanh nghiệp khác như: Công ty TNHH Tập đoàn Stavian (Stavian Group), Công ty cổ phần Stavian Công nghiệp và Dịch vụ, Công ty TNHH Stavian Việt Nam Holdings.
Ngoài ra, ông Nguyễn Minh Tú người nắm giữ 35% cổ phần của Nhựa Opec cũng là nhân vật chủ chốt của Tổng công ty công nghiệp ô tô Việt Nam – Vinamotor.
Sau 10 năm phát triển, nhựa Opec đã tăng mức vốn điều lệ lên gấp 10 lần, đạt 550 tỷ đồng vào tháng 12/2019. Quá trình tăng vốn được đơn vị thực hiện hàng năm dù cho đơn vị này không còn đầu tư nhiều vào tài sản cố định. Cả hai nhà máy sản xuất bao bì nhựa xuất khẩu của công ty tại Hải Dương đều đã đi vào hoạt động từ năm 2012.
Điều này không khỏi khiến nhiều chuyên gia phải đặt dấu hỏi về những lần tăng vốn nhưng không nhắm tới các tài sản cố định, máy móc sản xuất này.
Hiện tại, trụ sở chính của Nhựa Opec đang nằm tại tầng 13, Tháp BIDV số 194 Trần Quang Khải, Hà Nội. Các văn phòng đại diện của công ty được đặt tại cả 3 miền Bắc Trung Nam và còn cả ở rất nhiều quốc gia như Singapore, Indonesia, Philippines, Trung Quốc, Dubai và Mỹ.
Tăng vốn trăm tỷ, doanh thu nghìn tỷ nhưng lợi nhuận “siêu mỏng”
Như đã nói ở trên, Nhựa Opec liên tục tăng vốn bất chập việc không đầu tư gì nhiều vào tài sản cố định bởi hai nhà máy đã được hoàn thiện và đi vào sản xuất từ khá lâu. Bên cạnh đó, quy mô tổng tài sản của đơn vị này cũng liên tục gia tăng, đạt 7.210 tỷ đồng vào năm 2019, gần gấp đôi so với vốn chủ sở hữu năm 2016.
Trong số này, chiếm một phần lớn là nợ và nợ phải trả với tỷ lệ nợ trên tổng tài sản luôn duy trì ở mức cao trên 90%. Điều này cho thấy việc Nhựa Opec đang sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức tương đối cao so với nhiều đơn vị khác trong cùng ngành. Đây cũng có thể là một nguyên nhân khiến cho dù đạt được mức doanh thu “khủng” hàng nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận của Nhựa Opec lại tương đối mỏng.
Trong năm 2019, Nhựa Opec đã mang về 16.162 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận thuần chỉ đạt 37 tỷ đồng, giảm tới 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận ròng cũng theo đó mà giảm xuống chỉ còn 0,22%. Nói một cách nôm na thì 1000 đồng doanh thu của Nhựa Opec chỉ có 2 đồng lãi mà thôi. Chỉ số ROA của đơn vị này chỉ đạt 0,5% và ROE đạt 5,5%.
Việc tăng trưởng quá nhanh về quy mô bất chấp rủi ro khi sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn (gấp 10 lần vốn chủ sở hữu) khiến cho rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của đơn vị này cũng tăng lên dù Nhựa Opec đã và đang có được mối quan hệ làm ăn với nhiều đối tác, khách hàng đều là các tập đoàn lớn trên thế giới và trong nước.
Theo thông tin trên webiste chính thức của công ty thì tệp khách hàng của doanh nghiệp có sự góp mặt ngoài các tập đoàn trong nước như: Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PVN), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Công ty Cổ phần nhà và thương mại dầu khí (PVBuilding, Petronas (Malaysia)... Ngoài ra còn có những cái tên đình đám tập đoàn đa quốc gia gồm: SCG (Thái Lan), Basell (Ả Rập); Chevron Phillips (Singapore); LG (Hàn Quốc), Lotte (Hàn Quốc), Hanwha (Hàn Quốc), ITOCHU (Nhật Bản), Mitsubishi (Nhật Bản)...