Nhựa Tiền Phong - thương hiệu gắn bó với người dân đất cảng
Sản xuất ra những sản phẩm nổi tiếng một thời, từ lâu, Nhựa Tiền Phong đã trở thành 'cánh chim đầu đàn' của ngành nhựa xây dựng Việt Nam.
Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong), tiền thân là Nhà máy Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, được thành lập ngày 19/5/1960. Khi đó, Nhà máy được hình thành một phần nhờ vào phong trào “Kế hoạch nhỏ” của các em thiếu niên nhi đồng miền Bắc. Dù đồng vốn ban đầu ít ỏi, nhưng Nhà máy đã nhanh chóng ổn định sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế ở miền Bắc, chi viện cho miền Nam.
Trước năm 1990, người dân Hải Phòng rất tự hào khi những sản phẩm đồ chơi, đồ dùng học tập, từ quả bóng bàn, đến chiếc làn đi chợ, cái cúc áo… được sản xuất tại Nhựa Tiền Phong có mặt khắp cả nước. Dép nhựa Tiền Phong từng là niềm tự hào cho những ai được sở hữu, là biểu tượng thời trang của một thời.
Sau 30 năm hoạt động, Nhựa Tiền Phong đã quyết định “chia tay” những sản phẩm truyền thống làm nên tên tuổi của mình để sản xuất chuyên biệt ống nhựa uPVC, HDPE, PPR, phục vụ các công trình xây dựng. Kể từ đó, nhắc đến Nhựa Tiền Phong là nhắc đến sản phẩm ống và phụ tùng nhựa xây dựng.
Thương hiệu và uy tín của Nhựa Tiền Phong được khẳng định qua nhiều giải thưởng lớn như Thương hiệu quốc gia, Chất lượng quốc gia, Thương hiệu mạnh Việt Nam nhiều năm liền. Năm 2022, Nhựa Tiền Phong tiếp tục nhận Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt và Top 10 sản phẩm - dịch vụ tin dùng Việt Nam cho nhóm ngành vật liệu xây dựng - nội ngoại thất.
Từ 5 tấn sản phẩm ban đầu được tiêu thụ trong năm 1990, đến nay, sản lượng tiêu thụ ống nhựa Tiền Phong đã đạt trên 101.000 tấn. Năng lực sản xuất mà Công ty sở hữu tại 3 miền khoảng 250.000 tấn/năm - lớn nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Nhựa Tiền Phong từ lâu đã ghi danh vào nhóm các doanh nghiệp đạt doanh thu ngàn tỷ của Việt Nam. Doanh thu thuần hợp nhất của Công ty năm 2022 đã đạt 5.685,1 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 564,48 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 18% và 2,43% so với mức thực hiện năm 2021. Tổng doanh thu thuần hợp nhất của Nhựa Tiền Phong và Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam (do Nhựa Tiền Phong góp vốn thành lập) gần 7.000 tỷ đồng, mục tiêu đặt ra cho năm 2023 là 7.300 tỷ đồng. Nhựa Tiền Phong đang đảm bảo việc làm ổn định cho hơn 1.300 lao động với mức thu nhập bình quân hàng tháng là 13,7 triệu đồng/người.
Với kết quả này, Nhựa Tiền Phong giữ vững danh hiệu là “cánh chim đầu đàn” của ngành nhựa xây dựng Việt Nam. Sản phẩm của Công ty chiếm khoảng 37% thị phần cả nước, sở hữu 12 trung tâm phân phối, gần 400 nhà phân phối và khoảng 26.000 cửa hàng, điểm bán hàng trên toàn quốc.
“Trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và phát triển bền vững, Nhựa Tiền Phong đã liên tục cải tiến, đổi mới, đưa công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để tạo ra các sản phẩm mới. Đối với các dòng sản phẩm sẵn có, Công ty đã hợp tác, nhận chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn Sekisui và Iplex để nghiên cứu sản xuất các sản phẩm như van Zacco PVC, phụ tùng hàn điện trở, ống và phụ tùng CPVC. Nhờ vậy, năm 2022, Công ty đã nhận gia công hơn 400 chủng loại phụ tùng và xuất khẩu thành công nhiều đơn hàng cho Tập đoàn Iplex ở Australia, New Zealand, 10.000 van Zacco sang Đức và sản phẩm PVC sang Sekisui Nhật Bản. Tại Việt Nam, Nhựa Tiền Phong là doanh nghiệp tiên phong trong đầu tư sản xuất theo quy chuẩn quốc tế, với 10.000 chủng loại sản phẩm có dải kích thước rộng”, ông Chu Văn Phương, Tổng giám đốc Nhựa Tiền Phong chia sẻ.
Nhận định ngành nhựa còn nhiều dư địa thị trường, Nhựa Tiền Phong đã đặt mục tiêu là trở thành doanh nghiệp có doanh thu 10.000 tỷ đồng vào năm 2025; đến năm 2040, lọt top doanh nghiệp có doanh thu tỷ USD.
Thương hiệu Nhựa Tiền Phong còn được biết đến thông qua các hoạt động an sinh xã hội như: xây Cầu nối yêu thương, Chương trình Trái tim cho em và nhiều chương trình thiện nguyện khác... Riêng với Hải Phòng, Nhựa Tiền Phong đã xây tặng 4 cây cầu dành cho các khu vực khó khăn, tài trợ 30 ca mổ tim, xây nhà tình nghĩa, bảo trợ trẻ em nghèo, nuôi dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng...