'Nhuận miệng' - trả hay không?

Phỏng vấn là một trò chuyện nhưng là cuộc trò chuyện có chủ đích nhằm trao đổi thông tin, kỹ năng, kinh nghiệm, quan điểm... giữa nguồn tin và phóng viên. Với góc độ là một thể loại báo chí, bài phỏng vấn luôn luôn có độ tin cậy cao, nếu không muốn nói là cao nhất, với công chúng và dễ gây ấn tượng - thậm chí rất mạnh - đối với cả nguồn tin lẫn công chúng. Nhưng, hậu trường của một cuộc phỏng vấn, không chỉ là 'có được một cuộc hẹn' và 'có được dàn câu hỏi' mà còn là câu chuyện… thù lao.

1. Cách đây gần 20 năm, tờ An ninh Thế giới Cuối tháng (Chuyên đề của Báo CAND” đã thử nghiệm và thành công với bài phỏng vấn trên báo in độ dài có lẽ là kỷ lục lúc bấy giờ - khoảng gần 4.000 chữ, kín 2 trang báo khổ to (A3). Giờ đây chuyên mục này vẫn duy trì mỗi tháng 2 lần và có khá đông bạn đọc. Tương tự về độ dài, các bài longform trên một số tờ báo điện tử vẫn có view cao và được tòa soạn chăm chút.

Nói vậy để thấy rằng, bài phỏng vấn, luôn có vị trí đặc biệt.

Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất một bài phỏng vấn không bao giờ là dễ dàng, nếu không muốn nói là khó khăn với cả phóng viên và nguồn tin.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời phỏng vấn Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng. Ảnh: Thắng Nguyễn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời phỏng vấn Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng. Ảnh: Thắng Nguyễn.

Là người định hướng các câu hỏi, bài phỏng vấn luôn luôn được thực hiện bằng sự "vắt óc" của phóng viên trước, trong và sau cuộc phỏng vấn. Nguồn tin cũng vất vả không kém khi họ ở thế bị động bởi người định hướng câu hỏi là phóng viên. Nhất là trong thời điểm truyền thông mạng nhanh như cơn lốc, sự "sảy miệng" của nguồn tin rất có khả năng đẩy họ vào thế bất lợi, nên nguồn tin cũng chả mặn mà gì với phóng viên. Đây cũng là một trong nhiều lý do khiến họ cứ né được là né, thậm chí trong một số trường hợp, họ tìm mọi cách để né.

Vì thế, có được một cuộc phỏng vấn bây giờ là muôn trùng gian khó. Là người nằm trong nhóm phải thiết kế, tổ chức mỗi tuần một cuộc phỏng vấn về các vấn đề thời sự của đời sống xã hội nhiều năm nay, tôi thấm thía điều đó.

Chính vì khó nên nhiều phóng viên đã từng đặt vấn đề cần cơ chế trả tiền cho nguồn tin. Tức là cùng với nhuận bút cho phóng viên, Tòa soạn phải trả cho cả người được phỏng vấn. Thực tế, một vài cơ quan báo chí đã có chính sách này, các phóng viên gọi vui là "nhuận miệng".

Tại một diễn đàn nổi tiếng về nghề báo trên mạng xã hội-VietnamJournalism - chủ đề "trả tiền hay không trả tiền" cho người trả lời phỏng vấn đã được nhiều nhà báo tham gia bàn luận với hai luồng ý kiến.

Một bên cho là cần, một bên cho là không.

Lý lẽ của bên cần là nhân vật bỏ công sức, thời gian để trả lời nhà báo nên không có lý gì nhà báo được nhận nhuận bút còn họ thì không. Một thành viên trên diễn đàn hài hước mô tả câu chuyện hậu phỏng vấn của một phóng viên với một chuyên gia rằng, khi "tác phẩm đăng lên, nhuận bút phóng viên nhận, nước chè chuyên gia uống" và cảm thấy vô lý khi "cô người mẫu có ảnh đăng trên báo Xuân thì được trả tiền mà vị chuyên gia trả lời phỏng vấn 1.200 chữ thì được tờ báo biếu". Chuyên gia bỏ công sức ra nghiên cứu để trả lời câu hỏi của phóng viên, thậm chí bổ sung kiến thức nền cho phóng viên, nhưng chả được gì, may ra thì được câu khen của hàng xóm "tôi vừa thấy bác trên tivi" là cùng... Vì thế, việc nhuận bút nhà báo nhận, nhân vật chỉ được tờ báo biếu hoặc cái link bài báo gửi qua tin nhắn là thiếu công bằng. Kể cả trong nhiều trường hợp, phóng viên có trả tiền, người được phỏng vấn cũng không lấy mà "gửi lại cho mấy anh em nhà báo uống cafe" thì vẫn nên trả vì đó là việc phải làm.

Còn lý lẽ của bên không cần là việc một số nhà khoa học trả lời phỏng vấn báo chí được xem là hoạt động phục vụ cộng đồng; việc cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước (có thẩm quyền hoặc được giao nhiệm vụ) trả lời báo chí là một trong những trách nhiệm mà họ phải thực hiện…

Cứ thế, chủ đề "phí trả lời phỏng vấn" được bàn luận sôi nổi trên mạng mấy ngày liền, hai bên đều đưa ra rất nhiều lý lẽ và dẫn chứng để bảo vệ quan điểm của mình.

Trên thực tiễn, báo chí trong nước cũng đang tồn tại hai chính sách ứng xử đối với người trả lời phỏng vấn.

Một số cơ quan báo chí áp dụng trả 2 khoản thù lao cho một bài phỏng vấn sau khi xuất bản. Khoản thứ nhất là "nhuận bút" cho phóng viên và khoản thứ hai là "nhuận miệng" cho người trả lời phỏng vấn. Hai khoản này, ở một tòa soạn mà tôi biết, thậm chí ngang bằng nhau. Có báo, tiền "nhuận miệng" được trả ngay trước cuộc phỏng vấn hoặc ngay sau khi kết thúc phỏng vấn, bất cần biết sản phẩm báo chí đó có được đăng tải/phát sóng hay không. Có báo, đợi sau khi tác phẩm báo chí đến được với công chúng thì tòa soạn mới trả tiền và phóng viên luôn là người lãnh nhiệm vụ "kính chuyển". Các nhà báo thường hào hứng với nhiệm vụ này và mong chờ đến lúc được trịnh trọng trả thù lao cho nhân vật của mình.

"Có nhân vật nhận, có nhân vật nhận rồi tặng lại phóng viên, nhưng tôi thấy họ vui và tôi cũng không còn cảm giác áy náy khi họ phải mất quá nhiều thời gian cho cuộc phỏng vấn", một nhà báo kể. Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, không phải cuộc phỏng vấn nào cũng đều có khoản thù lao cho nhân vật mà thường chỉ có những cuộc phỏng vấn phục vụ cho bài phỏng vấn dài, về những vấn đề có tính chất tổng hợp, quan trọng thì tòa soạn mới chi trả.

Một số cơ quan báo chí khác thì hoàn toàn không có chính sách trả "nhuận miệng". Tòa soạn chỉ trả duy nhất một khoản, đó là “nhuận bút". Ứng xử với nhân vật ra sao là hoàn toàn do phóng viên. Sẽ có những phóng viên tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc này. Họ đến gặp nhân vật chỉ với một dàn câu hỏi đã được chuẩn bị. Tác phẩm báo chí sau khi được đăng tải/phát sóng, phóng viên sẽ gửi báo biếu/ link chương trình (tùy từng loại hình báo chí) để nhân vật xem, lưu trữ, như một món quà tặng thuần tinh thần.

Nhưng lại có những phóng viên tự thu xếp món quà của cá nhân mình tặng người đã bỏ công sức trả lời phỏng vấn. Có thể chỉ là một bó hoa tươi khi gặp họ, mấy thứ đồ nhỏ xinh có logo của cơ quan, như một lời cảm ơn. Trên thực tế, đa số nhân vật thường cống hiến thời gian, công sức vô điều kiện cho các nhà báo mà không đòi hỏi gì, đặc biệt về vật chất. Họ nhận lời phỏng vấn vì nhiệm vụ, vì họ muốn hợp tác, vì tự họ thấy vấn đề họ trả lời, nếu được báo chí lan tỏa thì có ích cho cộng đồng hoặc nhiều khi chỉ vì họ yêu quý cơ quan báo chí hoặc cá nhân nhà báo. Một phóng viên kể, sau khi anh phỏng vấn một nhân vật qua điện thoại, anh xin số tài khoản của nhân vật để tòa soạn trả thù lao thì nhân vật trả lời: "Cảm ơn, nhưng tôi chưa nhận thù lao của bất cứ cơ quan báo chí nào cả!".

Khách tham quan trải nghiệm trưng bày số hóa tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: Congluan.vn

Khách tham quan trải nghiệm trưng bày số hóa tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: Congluan.vn

Nhưng cũng có những trường hợp cá biệt và khó xử đối với phóng viên khi người phỏng vấn yêu cầu được trả tiền vì họ vẫn thường được trả trong các trường hợp tương tự mà chính sách của cơ quan báo chí lại không có. Một comment trong cuộc bàn luận kể, nhân vật yêu cầu trả 1 triệu đồng cho một cuộc phỏng vấn mà nhuận bút bài chỉ có… 400.000 đồng.

Cũng may là những "pha" như thế không nhiều nên việc có trả hay không trả thù lao cho người trả lời phỏng vấn sẽ không trở thành "vấn đề khó /dễ" đối với phóng viên. Điều quan trọng hơn cả, tôi nghĩ, đó là cuộc phỏng vấn đích thực là một cuộc trò chuyện có chủ đích nhưng đầy cảm xúc khi trình độ, tư cách và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của nhà báo gây được thiện cảm với nhân vật. Một bó hoa, một vài sản phẩm báo chí của Tòa soạn, một món quà có thể giá trị vật chất nhỏ, có thể sẽ vẫn mang đến cho nhân vật sự hài lòng, niềm vui chứ không hẳn là cứ phải... phong bì.

2. Nhìn rộng ra báo chí nước ngoài, cũng tại bàn luận về "phí phỏng vấn” trên diễn đàn VietnamJournalism đã nêu trên, có ý kiến dẫn ra nhiều tài liệu cho thấy, bộ quy tắc ứng xử của nhiều hãng tin không khuyến khích việc trả tiền để có thông tin bởi hành vi đó liên quan đến vấn đề đạo đức báo chí và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh để có được tin tức. Họ quy định "không trả tiền cho người cung cấp tin tức" (Los Angeles), chỉ trả trong các trường hợp ngoại lệ (ABC) hoặc cụ thể hơn "không được trả tiền cho các cuộc phỏng vấn" (New York Times).

Chợt nhớ đến câu chuyện cười ra nước mắt cách đây nhiều năm ở một tờ báo nọ. Tổng biên tập tờ báo ấy vốn là người hào sảng, thích tặng quà khách, trong đó có cả những người từng trả lời phỏng vấn báo mình. Là quà riêng của cá nhân ông thôi chứ không phải là chính sách của tòa soạn. Rồi có một ngày, một trong số những người đó lại "bị" phóng viên của tờ báo phỏng vấn lần nữa. Nhưng hậu phỏng vấn chỉ có báo biếu mà không có quà. Đương nhiên là thế vì tòa soạn không có chính sách tặng quà cho các cuộc phỏng vấn. Song, người được phỏng vấn lại cứ đinh ninh là phóng viên đã “biên tập” quà của họ. Và, thế là từ đó, họ ghẻ lạnh với nhau thay vì nồng ấm hơn như kỳ vọng...

Song Thi

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/nhuan-mieng-tra-hay-khong--i733955/