Nhức nhối nạn buôn bán phụ kiện giả ngành Công an
Gần đây, dư luận bày tỏ lo ngại về việc các phụ kiện giả ngành Công an như sao cài mũ, quân hàm cài áo, còng số 8… được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Điều đáng nói, nhiều đối tượng công khai giao dịch các loại hàng hóa này bất chấp đây là hành vi vi phạm pháp luật.
“Không hiểu sao việc mua một chiếc còng tay hay quân hàm ngành Công an lại dễ dàng đến thế. Chỉ cần nhắn tin cho tài khoản Facebook rao trên mạng là có thể nhận hàng trong 1-2 ngày, với giá 100.000-500.000 đồng/sản phẩm”, anh Trần Anh Quân, chung cư Times City (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ.
Để tìm hiểu thực hư vấn đề này, phóng viên Báo Hànôịmới đã nhắn tin cho một chủ tài khoản tên “Còng số 8 chính hãng” ngỏ ý tìm hiểu mua hàng thì nhận được báo giá: Ve hàm cấp thiếu úy, mũ kepi 300.000 đồng/cặp; mũ kepi kèm sao gắn có giá 350.000 đồng; còng số 8 có giá 390.000 đồng. Khách hàng chỉ cần đặt cọc 50.000 đồng, nhận hàng sau 1-2 ngày.
Khi chúng tôi lo ngại liệu có phải cung cấp giấy tờ chứng minh là người trong ngành không thì chủ tài khoản này nhắn là không cần thiết. Người bán hàng cũng nhiệt tình mời chào khách hàng mua khẩu trang, tất, dùi cui điện… của ngành Công an.
Thậm chí, tại website shoptuvepv.org, xuất hiện những lời giới thiệu như: Hiện có shop nào bán còng số 8 uy tín chất lượng? Shop bán còng số 8 giá từ 100k (100.000 đồng) nào nên tìm mua để có được sản phẩm tốt nhất?…
Ngoài ra, cũng có nhiều bài viết giới thiệu công khai, như: “Top 3 shop bán còng số 8 uy tín chất lượng”, “Top 10 shop bán trang phục công an nhân dân uy tín giá rẻ”, “Có sẵn trang phục ngành”…; hoặc những lời quảng cáo “có cánh”: “Bạn không đọc nhầm đâu, dây lưng ngành chỉ từ 159.000 đồng, tặng móc khóa đạn. Khách hàng được kiểm tra sản phẩm trước khi thanh toán…”.
Từ nhiều năm qua, tình trạng mua bán quân phục giả ngành Công an đã được cơ quan chức năng xử lý nghiêm. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra nhức nhối và tinh vi hơn. Ngày 15-3 vừa qua, đối tượng Nguyễn Thế Long (sinh năm 1983, ở xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) bị khởi tố vì giả danh, sử dụng trang phục ngành Công an để giúp người dân chạy án, chiếm đoạt số tiền 4,6 triệu đồng.
Trước đó, ngày 8-3, đối tượng Mai Thị Lan (sinh năm 1977, trú quận Ba Đình) đã bị xét xử sơ thẩm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với số tiền hơn 9 tỷ đồng. Hình thức lừa đảo của Lan là đăng hình ảnh mặc quần áo giống với trang phục của ngành an ninh, gắn hàm giống cấp bậc đại tá rồi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Thắng, Văn phòng Luật sư Hải Chi (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 29/2016/NĐ-CP ngày 21-4-2016 của Chính phủ quy định: “Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng trái phép cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục Công an nhân dân. Trường hợp vi phạm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.
Theo đó, hành vi nhẹ thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 200.000.000 đồng. Những hành vi có mức độ nghiêm trọng thì bị xử lý hình sự theo các điều 190, 191, 192 của Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù.
Trước thực tế có nhiều đối tượng kinh doanh, buôn bán các phụ kiện giả ngành Công an, Bộ Công an đã lên tiếng cảnh báo người dân cần thận trọng, nếu có người lạ mặt mặc trang phục ngành Công an đến nhà dọa dẫm, khám xét nhưng không có cơ quan chức năng địa phương đi cùng thì lập tức báo ngay cho lực lượng công an gần nhất. Đồng thời, người dân cũng không nên tin tưởng những người mặc trang phục ngành Công an không rõ lai lịch, không nên tin tưởng đưa tiền hay giấy tờ quan trọng để tránh tình trạng bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản một cách đáng tiếc.