Nhức nhối nạn vẽ bậy, bôi bẩn đường phố: Xử thế nào?
Từ cánh cửa, bức tường nhà dân, nơi công cộng đến các công trình kiến trúc lịch sử, dự án trọng điểm quốc gia, đâu đâu cũng bị những người vẽ tranh đường phố (còn gọi là Graffiti) bôi bẩn bởi những hình ảnh nhếch nhác, kỳ dị. Những 'tác phẩm' này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn gây thiệt hại tài sản của người dân, Nhà nước.
Vẽ cả lên đoàn tàu metro
Nhiều ngày sau khi hai đoàn tàu thuộc dự án đầu tư xây dựng Đường sắt đô thị (metro) số 1 (tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên) bị bôi bẩn bởi những nét vẽ nguệch ngoạc theo hình thức Graffiti, nhà thầu thi công dự án đang đánh giá thiệt hại, tìm giải pháp khắc phục.
Đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) cho biết, vụ việc đang được Công an điều tra. Khu vực các đoàn tàu được hạ đặt đang thuộc nhà thầu thi công (Hitachi) quản lý. MAUR đã yêu cầu nhà thầu đánh giá sự việc và báo cáo cho các đơn vị liên quan, cũng như cung cấp thông tin cho Công an điều tra, xử lý.
Trước mắt, nhà thầu Nhật Bản đã dán băng keo màu xanh để che đi các hình vẽ nguệch ngoạc, đồng thời tìm phương án tẩy rửa phù hợp để không ảnh hưởng đến chất lượng của đoàn tàu.
Không chỉ hai đoàn tàu metro bị bôi bẩn, gần đây dọc các tuyến đường trên địa bàn TPHCM xuất hiện nhan nhản những hình ảnh xấu xí, những nét vẽ kỳ quái trên tủ điện, tường nhà dân, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp hay gầm cầu, cửa cuốn….
Khu vực quận 1, quận 3 với hàng loạt trụ sở hành chính, các điểm tham quan du lịch, công trình kiến trúc cổ, trung tâm thương mại cao cấp… nhiều mảng tường, thậm chí mặt tiền công trình, cửa cuốn các căn nhà vắng chủ bị sơn xịt nhem nhuốc.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, hàng loạt tủ điện, tường rào của các trường học, dự án đang thi công trên đường Lý Tự Trọng, Pasteur, Lê Duẩn, Võ Thị Sáu, Cách Mạng Tháng Tám (quận 1); đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Ngô Thời Nhiệm, Trương Định… (quận 3), đến các khu vực xa trung tâm như đường Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh, Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp)… bị bôi bẩn bởi các hình vẽ phản cảm.
Ông Lê Văn Kiên (ngụ quận 1) bức xúc vì căn nhà hai mặt tiền với 4 cánh cửa cuốn của ông và nhiều hộ dân xung quanh bị sơn xịt nhiều hình thù kỳ dị. Mỗi lần bị vẽ bậy, ông Kiên phải bỏ tiền sơn lại nhưng không được bao lâu.
“Gia đình tôi bức xúc, đã nhiều lần canh chừng để bắt quả tang những người này nhưng không được do họ toàn vẽ vào giữa đêm. Có hôm, thấy tận mắt 4 người đang vẽ lên cửa, ra tới nơi thì họ lên xe chạy mất. Bức xúc thì chửi đổng thôi chứ không làm gì được họ nên tôi bỏ luôn chứ sơn lại bữa trước, bữa sau họ lại vẽ”, ông Kiên nói.
Trước mắt, nhà thầu Nhật Bản đã dán băng keo màu xanh để che đi các hình vẽ nguệch ngoạc, đồng thời tìm phương án tẩy rửa phù hợp để không ảnh hưởng đến chất lượng của đoàn tàu.
Cũng nhiều lần bị sơn xịt làm bẩn cửa cuốn căn nhà mặt tiền, ông Trần Văn Thái (ngụ quận 3) nói rằng đã có các quy định xử lý người sơn vẽ bậy trên tường, nơi công cộng… nhưng rất hiếm khi thấy cơ quan chức năng xử lý.
“Hành vi vẽ bậy trở thành vấn nạn nhiều năm nay nhưng không thấy có giải pháp nào để xử lý triệt để. Chẳng lẽ chính quyền bó tay với những hành vi bôi bẩn, làm xấu đô thị, gây thiệt hại tài sản của nhà nước và người dân”, ông Thái đặt vấn đề.
Khó xử lý?
Ông Bùi Nguyễn Huy Hoàng, Chánh Văn phòng UBND quận Gò Vấp thừa nhận trên địa bàn quận có nhiều nơi bị những người vẽ tranh đường phố vẽ bậy, bôi bẩn. Theo quy định, những hành vi này sẽ bị phạt hành chính từ 1-2 triệu đồng khi bắt quả tang.
Tuy nhiên, đến nay quận Gò Vấp vẫn chưa phát hiện, xử lý trường hợp nào liên quan đến hành vi vẽ Graffiti tự phát. “Đây là một dạng tự phát. Những người này thường vẽ vào ban đêm, rất khó để ngăn chặn kịp thời. Đây cũng là khó khăn chung của cả thành phố. Đối với những trường hợp đã vẽ, quận tổ chức khắc phục bằng cách sơn lại”, ông Hoàng thông tin.
Phạt tù cao nhất đến 20 năm
Theo Nghị định 144/2021, hành vi phun sơn, viết, vẽ, dán, gắn hình ảnh, nội dung lên tường, cột điện hoặc các vị trí khác tại khu vực dân cư, nơi công cộng, khu chung cư, nơi ở của công dân hoặc các công trình khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng. Nếu hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức có thể bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng. Hành vi này có thể cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 có hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn bị phạt tiền đến 100 triệu đồng.
Theo ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 3, nạn vẽ bậy, bôi bẩn lên tường, cửa cuốn nhà dân hay các tủ điện, cơ quan hành chính đã diễn ra nhiều năm nay và gây bức xúc cho người dân.
Thời gian qua, việc xử lý các hành vi này chủ yếu là nhắc nhở, buộc khắc phục nguyên trạng.
“Quận sẽ kiên quyết xử lý tới nơi tới chốn các hành vi vẽ bậy. Quận đã chỉ đạo Công an, trật tự đô thị, kể cả những người làm công ích cũng là “tai mắt” để khi thấy những hành vi này sẽ báo cho Công an đến xử lý ngay”, ông Bình nói.
Theo ông Bình, phong trào vẽ Graffiti là tự phát, đam mê của một số người. Những năm qua, quận 3 đã có nhiều giải pháp “mềm” để ngăn chặn, hạn chế tình trạng bôi bẩn, vẽ bậy. Các đoàn thể đã tuyên truyền, khuyến khích, vận động những người có đam mê vẽ tranh đường phố đến vẽ những bức tranh cổ động trên các bức tường dài, nhà trẻ, trường học và xung quanh ga Sài Gòn… vừa thỏa mãn đam mê của những người thích vẽ, vừa làm đẹp mỹ quan đô thị.
Bên cạnh đó, quận 3 cũng đã có ý tưởng phối hợp với ngành điện lực mềm hóa các trụ điện, tủ điện, trạm biến áp trên lề đường bằng những khung tranh cổ động, tuyên truyền. Đồng thời, quận đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM hoàn thiện các cơ sở pháp lý để xử lý triệt để hành vi viết, vẽ bậy…
“Quận 3 là địa phương đầu tiên ở TPHCM áp dụng biện pháp “mềm hóa” tủ điện trên lề đường bằng cách lắp các tranh cổ động, tuyên truyền cho các hộp điện. Điều này vừa tạo thành các hình ảnh đẹp mắt vừa ngăn chặn được hành vi vẽ bậy, bôi bẩn. Hiện quận đang đề xuất nhân rộng mô hình này”, ông Bình nói.
Vi phạm pháp luật
Luật sư Nguyễn Tri Đức, Giám đốc Công ty luật 360 (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, hành vi ngang nhiên viết, vẽ lên tường nhà người khác, tường công cộng, cơ quan công sở, tàu xe… là vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả gây ra, các “tác giả” có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự với tội danh “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản người khác”.
Luật pháp một số quốc gia trên thế giới đã nghiêm trị người vẽ Graffiti bất hợp pháp bằng hình thức phạt tiền, lao động công ích hoặc phạt tù do hậu quả của việc vẽ tranh gây nên.
“Đã đến lúc cần nghiêm trị những tác giả tranh đường phố thiếu ý thức, xem thường pháp luật. Việc cấp thiết nhất hiện nay là các cơ quan hành pháp cần phải khẩn trương thực thi pháp luật một cách triệt để nạn vẽ viết bậy”, luật sư Đức nói.
Theo luật sư Đức, các quy định và các chế tài đã có và tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, trên thực tế việc kiểm tra xử lý đối với các công trình công cộng do Nhà nước quản lý chưa được các cơ quan chức năng xử lý nghiêm. Nhiều nơi là hè phố các công trình công cộng bị vẽ bậy nhưng việc xử lý các đối tượng này trên thực tế chưa đạt được hiệu quả cao mang tính răn đe.