Nhức nhối nạn xâm hại tình dục trẻ em. Bài 2: Khó khăn trong công tác điều tra, xét xử

Thời gian qua, tòa án các cấp trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra và viện kiểm sát cùng cấp từ giai đoạn điều tra, truy tố đến đưa ra xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đấu tranh, xử lý các vụ án này vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định.

* Nhức nhối nạn xâm hại tình dục trẻ em. Bài 1: Những nỗi đau dai dẳng

 Một vụ án hiếp dâm trẻ em được Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử -Ảnh: H.N

Một vụ án hiếp dâm trẻ em được Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử -Ảnh: H.N

Tăng số lượng và mức độ nguy hiểm

Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến tháng 9/2021, Tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp tỉnh Quảng Trị đã xét xử 30 vụ án xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em. Cụ thể: Năm 2018, TAND 2 cấp đã giải quyết 5 vụ/6 bị cáo với mức án phạt tù từ 3 - 15 năm; năm 2019 giải quyết 12 vụ/12 bị cáo với mức phạt tù từ 7 - 20 năm; năm 2020 giải quyết 8 vụ/8 bị cáo với mức phạt tù từ 3 - 7 năm; từ tháng 1- 9/2021, giải quyết 5 vụ/5 bị cáo với mức phạt tù từ 7 - 15 năm.

Nhìn chung, loại tội phạm XHTD trẻ em diễn ra trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phổ biến ở 3 tội danh: “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”, “Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” và “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”. Số liệu thống kê cho thấy, các vụ án XHTD trẻ em trong những năm gần đây có xu hướng ngày càng tăng, tính chất nguy hiểm ngày càng cao, mức hình phạt nghiêm khắc nhất được áp dụng là hình phạt tù từ 20 năm. Người phạm tội phần lớn là người dân tộc thiểu số, có trình độ văn hóa thấp và nhận thức pháp luật còn hạn chế. Tuy nhiên, xuất hiện một số vụ án mà người phạm tội là cha đẻ, cha dượng của bị hại - những người cùng huyết thống, trực tiếp nuôi dưỡng chăm sóc trẻ em; cán bộ công chức nhà nước - người có trình độ học vấn và nhận thức pháp luật; người trên 75 tuổi - người đáng tuổi ông của bị hại… khiến các chuẩn mực đạo đức bị đảo lộn, gây bức xúc trong Nhân dân.

Về loại tội phạm này, quan điểm chung của các cơ quan tố tụng trên địa bàn tỉnh là nâng cao hiệu quả điều tra, truy tố và xử lý kịp thời, nghiêm minh. Trong công tác xét xử, tòa án các cấp đều cân nhắc kỹ lưỡng, vừa làm rõ các tình tiết của vụ án, vừa đảm bảo thuần phong mĩ tục, các yếu tố văn hóa và danh dự, nhân phẩm của trẻ em.

Khó khăn trong điều tra, xét xử

Qua thực tiễn công tác điều tra, xét xử cho thấy, vấn đề khó khăn nhất trong giải quyết các vụ án XHTD trẻ em là việc lấy lời khai và đánh giá chứng cứ. Do bị hại còn nhỏ, bị nhiều người xâm hại hay bị xâm hại nhiều lần…dẫn đến tâm lý chưa ổn định, vì vậy lời khai thường thiếu chính xác. Thậm chí thay đổi lời khai hoặc khai theo ý chí của người đại diện nên cơ quan điều tra, xét xử khó thu thập thông tin chính xác. Còn về phía hung thủ, lợi dụng đối tượng bị hãm hại là trẻ con nên liên tục phủ nhận hành vi của mình.

Theo Đại úy Nguyễn Thành Đạt, Đội trưởng - Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, do phần lớn các vụ án phát hiện chậm, điều tra truy xét không thu giữ được chứng cứ vật chất, thường chỉ có lời khai của bị hại nên người phạm tội lúc đầu khai nhận hành vi của mình, nhưng sau đó lại thay đổi, không khai nhận hành vi phạm tội hoặc khai nhận có nhiều mâu thuẫn do vụ án không có người làm chứng. Hầu hết các vụ XHTD thường xảy ra nơi vắng vẻ, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, miền núi hẻo lánh, do đó khi phát hiện đã muộn, khó thu thập được chứng cứ sinh học...

Một số trường hợp chính quyền cấp xã phát hiện hoặc tiếp nhận tố giác, tin báo về XHTD tuy không đúng thẩm quyền nhưng vẫn giữ lại xác minh, một thời gian sau mới chuyển lên cấp trên có thẩm quyền để điều tra, xác minh thì lúc đó có những dấu vết hoặc tình tiết không thể thu thập được, nên phải kéo dài thời gian giải quyết hoặc có giải quyết nhưng không thể chứng minh được tội phạm.

Trong công tác xét xử, đối với các vụ án xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi, tòa án các cấp gặp một số hạn chế như: Tòa án không được yêu cầu bị hại là người dưới 16 tuổi tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội; đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên tòa; xác định bộ phận bị xâm hại bằng cách để bị hại là người dưới 16 tuổi chỉ trực tiếp vào bộ phận cơ thể của mình hoặc của người khác…

Chánh tòa Hình sự, TAND tỉnh Lê Thiết Hùng cho biết: Ngoài ra, chúng tôi còn ghi nhận nhiều trường hợp hung thủ là hàng xóm nhưng vì đối tượng xin lỗi, hứa hẹn bồi thường nên gia đình nạn nhân không trình báo ngay. Đến khi đối tượng lật lọng, chối bỏ trách nhiệm, mạt sát thì mới trình báo. Lúc đó, chứng cứ buộc tội chẳng còn gì ngoài lời khai của con trẻ. Vì thế, trong những trường hợp đó, để buộc tội bị cáo cần phải có chứng cứ pháp lý vững chắc.

Năm 2018, một vụ XHTD bé gái chưa tới 13 tuổi ở xã Hải An, huyện Hải Lăng bị phanh phui. Điều đáng nói, Phan Thanh Toản (sinh năm 1970) - hung thủ trong vụ án này là Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải An, huyện Hải Lăng. Vì thế, không chỉ ba mẹ của bị hại mà người dân trong vùng lúc đầu không tin đó là sự thật. Đương nhiên, bản thân đối tượng cũng dựa vào “lý lịch” của mình mà lúc đầu phủ nhận hành vi tội phạm. Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ án, Công an huyện Hải Lăng khẩn trương vào cuộc điều tra, thu thập lời khai, chứng cứ, đặc biệt là chứng cứ vật chất liên quan để truy tìm thủ phạm. Tấm chăn mỏng được đối tượng sử dụng trong quá trình xâm hại bé gái đã lưu lại bằng chứng phạm tội và từ bằng chứng đó, qua kết quả giám định pháp y đã khẳng định Toản chính là thủ phạm.

Để nâng cao chất lượng xét xử các vụ án XHTD trẻ em, theo ông Lê Thiết Hùng, căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, tòa án nói riêng và các cơ quan tố tụng nói chung cần phải: Hạn chế triệu tập bị hại là người dưới 16 tuổi đến phiên tòa nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác. Trường hợp phải triệu tập thì tòa án cần tạo điều kiện để bị hại làm quen, tiếp xúc với môi trường tòa án, quy trình và thủ tục xét xử; bố trí cho bị hại ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của bị hại khi khai báo, tham gia tố tụng tại phiên tòa. Trường hợp không bố trí được phòng cách ly thì để bị hại ngồi ở phòng xử án nhưng phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo và khoảng cách giữa Hội đồng xét xử với người bị hại là người dưới 16 tuổi không quá 3m. Câu hỏi đối với bị hại là người dưới 16 tuổi phải phù hợp, ngắn gọn, dễ hiểu, không đặt câu hỏi chỉ để tranh luận... Khi bị cáo đề nghị được hỏi bị hại là người dưới 16 tuổi thì phải chuyển câu hỏi cho người bào chữa hoặc Hội đồng xét xử.

Phan Hoài Hương- Tú Linh

Bài 3: Trả lại cho em nụ cười trẻ thơ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=162061&title=nhuc-nhoi-nan-xam-hai-tinh-duc-tre-em-bai-2-kho-khan-trong-cong-tac-dieu-tra-xet-xu