Nhức nhối tình trạng dự án treo nhiều năm ở Thừa Thiên Huế
Đất dự án chỉ khởi công rồi bỏ hoang gây cảnh nhếch nhác trong khi người dân không có nơi canh tác, mất thu nhập, chủ đầu tư thì biệt tăm gây nhiều bức xúc trong nhân dân.
Thu hồi đất canh tác của người dân nhằm ưu tiên phát triển các dự án nhưng hàng chục năm trôi qua, nhiều dự án khởi công rầm rộ rồi im lìm, không triển khai thực hiện. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập 4 tổ công tác đặc biệt để tiến hành rà soát, kiên quyết thu hồi những dự án chậm tiến độ, không triển khai.
Nhếch nhác và xuống cấp, dự án trở thành nơi cho người dân chăn thả trâu bò… là hiện trạng nhức nhối tại khu vực Nhà máy xi măng Nam Đông, ở xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Nguyễn Như Hai là một trong số hộ dân bị thu hồi hơn 4ha đất phục vụ dự án này. Kể từ khi đoàn xe khởi công rầm rộ cách đây 14 năm, đến nay, dự án này vẫn án binh bất động. Cũng như bao người dân địa phương khác, ông Hai đã xin chính quyền cho mình trồng các loại cây ngắn ngày ở khu vực này và cam kết dẹp bỏ ngay khi dự án tái triển khai.
“Nhân dân nhường đất cho xây dựng nhà máy để tạo công ăn việc làm, nhưng mười mấy năm đã qua nhà máy không triển khai khiến đất bỏ hoang, quá lãng phí. Người dân kiến nghị chính quyền huyện và tỉnh nếu dự án làm được tiếp thì cho làm, nếu không xin thu hồi lại đất để cho nhân dân trồng trọt, để phát triển kinh tế”, ông Hai bày tỏ.
Liên quan đến dự án này, sau khi chủ đầu tư xin gia hạn thời gian và được tỉnh Thừa Thiên Huế chấp thuận tháng 10/2011, chủ đầu tư vẫn không tiếp tục triển khai. Đến năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công văn về việc rà soát các dự án đầu tư trong quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam, trong đó dừng triển khai dự án Nhà máy xi măng Nam Đông.
Tuy nhiên, đến năm 2019, dựa trên kiến nghị của tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng đã đồng ý cho phép triển khai lại dự án trên tinh thần lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án này vẫn “đắp chiếu”, còn người dân địa phương lại thiếu đất sản xuất.
Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các Sở, ngành làm việc với nhà đầu tư rà soát các nội dung liên quan theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh để tham mưu phương án xử lý phù hợp.
“Chính quyền địa phương rất mong các Sở, ngành của tỉnh đôn đốc chủ đầu tư sớm triển khai, khởi động tiếp tránh lãng phí tài nguyên; cùng với đó là tạo việc làm cho bà con nhân dân trên địa bàn huyện Nam Đông”, ông Hồ nói.
Tương tự, dự án đầu tư xây dựng đường cứu nạn, cứu hộ Phong Điền - Điền Lộc, huyện Phong Điền do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ năm 2012 có tổng mức đầu tư hơn 670 tỷ đồng với chiều dài hơn 16,2 km khởi công từ năm 2015, sau khi giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp để thi công phần thô thì ngưng trệ từ đó đến nay.
Đập vào mắt người dân là một công trình bê tông trơ sắt thép, cỏ mọc um tùm đang dần xuống cấp. Công trình đã lắp đặt dầm cầu, thi công xong cọc khoan nhồi nhưng do thiếu đường dẫn nên nằm im hơn 10 năm qua. Hiện, tỉnh Thừa Thiên Huế đã bố trí thêm 94 tỷ đồng, yêu cầu chủ đầu tư phải cam kết tiến độ, hoàn thành các khu tái định cư bảo đảm chất lượng, cam kết đảm bảo tiến độ trong giai đoạn 2022-2023.
Ông Nguyễn Đăng Trường, Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong năm 2022 sẽ hoàn thành 1/2 hạng mục cầu vượt đường sắt, giải phóng mặt bằng tái định cư dân xung quanh cầu vượt hơn 40 hộ. “Chúng tôi sẽ kiểm đếm xây dựng. Đến năm 2023, khi người dân giao mặt bằng chúng tôi sẽ tiếp hoàn thành nửa cầu còn lại để đầu tư hoàn thiện”, ông Trường khẳng định.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn hàng chục dự án chậm tiến độ, ngừng triển khai trong thời gian dài, tác động xấu môi trường đầu tư. Nổi cộm là Dự án Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec - Huế của Công ty CP Xây dựng và phát triển công nghệ Việt Nam; Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân Golf Lăng Cô của Công ty CP Đầu tư phát triển Phong Phú- Lăng Cô... Theo thống kê, hiện có 19/350 dự án chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân về giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn lực tài chính… Tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập 4 tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế làm Tổ trưởng để giải quyết các vướng mắc của các dự án.
Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, quan điểm của tỉnh giai đoạn này là thúc đẩy mạnh hơn thủ tục đầu tư, phục vụ công tác hỗ trợ đầu tư.
“Các dự án khi triển khai rất chậm, không đảm bảo theo thời gian, thủ tục và quy trình. Tỉnh đã cho rà soát và đã có chỉ đạo các Sở, ban ngành giám sát nhà đầu tư nếu đưa đất vào thực hiện không đúng quy định sẽ xử lí theo thẩm quyền. Trên cơ sở giám sát, nếu dự án triển khai quá thời hạn quy định sẽ bị xử phạt, thậm chí chấm dứt dự án”, ông Phương khẳng định./.