Nhức nhối vấn nạn bán hải sản gian lận trên toàn cầu
Trong một bài báo mới đây, The Guardian đã công bố kết quả phân tích 44 nghiên cứu gần đây về 9.000 mẫu hải sản từ các nhà hàng, cửa hàng và siêu thị ở hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Theo đó, có 36% mẫu hải sản đã bị dán nhãn sai hoặc giả mạo. Kết quả phân tích của The Guardian cho thấy, tình trạng bán hải sản gian lận đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng trên quy mô toàn cầu.
Hành vi gian lận phổ biến là ghi sai loại hải sản. Ví dụ, ở Đức, 48% mẫu được kiểm tra có dán nhãn là sò điệp hoàng gia nhưng trên thực tế lại là sò điệp Nhật Bản có giá rẻ hơn. Tại Italy, 45% trong số 130 phi lê cá mập mua từ các chợ cá của nước này đã bị dán nhãn sai. Thay vì phi lê cá mập được người tiêu dùng Italy đánh giá cao nhất, các nhà cung cấp dùng các loại thịt cá mập rẻ hơn và ít phổ biến hơn. Ngoài ra, các mẫu nghiên cứu khác còn cho thấy, sản phẩm được bán hoàn toàn không phải là hải sản. Tôm viên bán ở Singapore thường chứa thịt lợn và thậm chí không có một chút tôm nào trong đó.
Trong một cuộc điều tra quy mô lớn về việc dán nhãn sai ở các nhà hàng châu Âu với sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học, các mẫu hải sản tại 180 nhà hàng ở 23 quốc gia đã được bí mật thu thập và gửi đến đến phòng thí nghiệm. Các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp phân tích DNA để xác định loại hải sản và sau đó đối chiếu với tên món ăn trên thực đơn. Theo kết quả điều tra, cứ 3 nhà hàng thì có 1 nhà hàng bán hải sản dán nhãn sai. Tổ chức bảo tồn đại dương quốc tế Oceana cũng đã thực hiện gần 20 nghiên cứu về việc dán nhãn sai, cũng như tiến hành đánh giá toàn cầu 200 nghiên cứu từ 55 quốc gia vào năm 2016. Sau đó, Oceana rút ra kết luận rằng, trung bình cứ 5 con cá được lấy ra từ các quán cá, siêu thị và nhà hàng thì có 1 con bị dán nhãn sai. Và thời gian trôi qua, tình trạng gian lận trong buôn bán hải sản không được cải thiện. Vào năm 2019, Oceana phát hiện ra rằng 47% mẫu được kiểm tra tại các cửa hàng và nhà hàng ở 6 thành phố của Canada đã bị dán nhãn sai.
Từ lâu, buôn bán hải sản gian lận trở thành một vấn nạn trên toàn thế giới. Bởi vì hải sản là một trong những loại mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trên thế giới thông qua các chuỗi cung ứng phức tạp và không rõ ràng. Phần lớn sản lượng đánh bắt của thế giới được vận chuyển bằng tàu đánh cá đến các tàu trung chuyển lớn để chế biến, nên việc dán nhãn giả được thực hiện tương đối dễ dàng. Bà Beth Lowell, Phó chủ tịch phụ trách các chiến dịch của Mỹ tại tổ chức Oceana cho biết có “nhiều cơ hội” trong chuỗi cung ứng để thực hiện hành vi gian dối trong việc dán nhãn và lừa đảo sản phẩm kém chất lượng là loại có giá trị cao hoặc hải sản nuôi thành hải sản tự nhiên. Theo bà Lowell, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc dán nhãn sai diễn ra ở mọi nơi.