Nhức nhối vi phạm pháp luật đất đai: Bài cuối - Xây dựng thị trường nhà đất lành mạnh
Lợi nhuận địa tô như ma lực, rất dễ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Vừa qua Cơ quan điều tra đã vào cuộc, điều tra xử lý các sự vụ nổi cộm, bước đầu được dư luận đồng tình, đánh giá cao.
Tuy nhiên, để xử lý triệt để, ngăn ngừa hành vi vi phạm tái diễn cần phải có nhiều giải pháp, vừa nghiêm trị theo pháp luật hình sự nhưng đồng thời cũng cần tăng cường phổ biến pháp luật, để người dân đừng vì hám lời mà bỏ qua tính pháp lý của các dự án bất động sản trước khi tiến hành giao dịch mua bán.
Trong quá trình điều tra làm rõ sai phạm tại Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba, Công ty Cổ phần đầu tư Angel Lina, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố danh sách 43 dự án “ma” của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và 9 "dự án ma” của Công ty Cổ phần đầu tư Angel Lina tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là động thái cần thiết để cảnh báo người dân tránh tiếp tục bị lừa, vướng vào "dự án ma". Cơ quan điều tra kêu gọi người dân nếu là nạn nhân đã đầu tư phải những "dự án ma” này cần đến Công an tố cáo, tuyệt đối không giao dịch mua bán đất nền tại các dự án của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba, Công ty Cổ phần đầu tư Angel Lina để tránh bị lừa đảo.
Theo cảnh báo của Công an Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua “miếng mồi” bất động sản đang diễn biến rất phức tạp. Người dân có nhu cầu mua bán đất động sản cần tìm hiểu thật kỹ, liên hệ với chính quyền địa phương để tìm hiểu thông tin, đừng vì tin vào những lợi nhuận “khủng” mà các đối tượng hứa hẹn mà rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang".
Trước diễn biến phức tạp về cơn “sốt ảo” đất nền tại địa bàn ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền nhiều địa phương đã phải gắn biển cảnh báo giao dịch đất nền tại những khu đất công, đất quy hoạch công viên hay công trình công cộng như UBND xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn), UBND phường Trường Thạnh (Quận 9), UBND phường Thạnh Xuân (Quận 12), UBND phường Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú)…
Dưới góc độ quản lý địa phương, theo ông Nguyễn Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, UBND Quận đã giao các cơ quan chức năng và UBND 10 phường tập trung tuyên truyền cảnh báo người dân cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo mua bán nhà, đất qua hình thức góp vốn và lập vi bằng trên, công khai thông tin tại trụ sở khu phố, trụ sở UBND 10 phường và tại các khu đất có dấu hiệu phân lô trái phép để người dân không bị lừa mua các dự án không đúng quy định.
Đồng thời, UBND các phường trong quận tổ chức cắm biển cảnh báo, băng rôn tuyên truyền cho người dân được biết tại các khu vực có dấu hiệu san lấp, phân lô, tách thửa không đúng quy định; giao Trưởng Công an quận rà soát, kiểm tra và có biện pháp đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn quận, trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật tiến hành xử lý nghiêm theo quy định.
Tương tự, UBND huyện Hóc Môn đã phát đi cảnh báo về tình trạng “dự án ma” đất nền trên địa bàn tại 5 xã gồm xã Xuân Thới Thượng, Nhị Bình, Đông Thạnh, Tân Thới Nhì và Tân Xuân. UBND huyện khuyến cáo cáo người dân mua nhà đất cần tìm hiểu kỹ thông tin quy hoạch, vị trí nhà đất và tính pháp lý của nhà đất dự kiến giao dịch. Người dân nên liên hệ các cơ quan chức năng để tìm hiểu trước khi giao dịch.
Là địa bàn có “dự án ma” của bà Phạm Thị Tuyết Nhung vẽ lên trong thời gian qua, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cho biết, UBND xã Xuân Thới Thượng đã gắn biển cảnh báo ở những khu vực đất công, đất quy hoạch, khuyến cáo người dân cần đến UBND xã tra cứu thông tin pháp lý đất đai, quy hoạch trước khi giao dịch mua bán đất nền, nhất là những án phân lô. UBND xã đang theo sát diễn biến xây dựng, giao dịch đất đai trên địa bàn, nếu có những vấn đề phát sinh, phức tạp sẽ báo cáo lên UBND huyện Hóc Môn để xin chỉ đạo giải quyết ngay từ đầu.
Cùng với đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo UBND huyện Hóc Môn, UBND quận Bình Tân và UBND Quận 12 kiểm tra, xử lý và cảnh báo người dân cẩn trọng khi mua đất nền cũng như kịp thời xử lý các "dự án ma”.
Đáng chú ý, để tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bất động sản trên địa bàn, UBND thành phố vừa chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận huyện triển khai các giải pháp để kịp thời phát hiện, khắc phục những bất cập hạn chế trong việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực đất đai, kinh doanh bất động sản; kịp thời phát hiện, báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền về những bất cập, hạn chế trong các quy định pháp luật có liên quan.
UBND thành phố giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng ban hành, tổ chức thực hiện hiệu quả đề án nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố, báo cáo kết kết quả thực hiện định kỳ hàng năm cho Thành ủy, UBND thành phố; tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phòng ngừa tội phạm, phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng cơ bản giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngoài ra, UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao Giám đốc các Sở Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông tổ chức sơ kết, đánh giá tình hình, kết qua thực hiện quy chế cung cấp thông tin, khai thác sử dụng quản lý cơ sở dữ liệu công chứng điện tử thành phố, đồng thời khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng hoàn chỉnh, kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu liên quan theo quy định pháp luật.
Trong đó, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành rà soát các dự án kinh doanh bất động sản, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm; đề xuất kết nối liên thông cơ sở dữ liệu về các dự án kinh doanh bất động sản, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên cả nước phục vụ quản lý Nhà nước, phòng chống vi phạm pháp luật, khắc phục hạn chế về thẩm quyền trong trường hợp doanh nghiệp bất động sản có trụ sở trên địa bàn thành phố kinh doanh sản phẩm bất động sản tọa lạc ở địa phương khác và ngược lại.
Dưới góc độ doanh nghiệp, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần khuyến cáo, đề nghị doanh nghiệp thành viên nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật, tôn trọng và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng, nhằm mục tiêu nâng cao uy tín thương hiệu và phát triển kinh doanh bền vững.
Với những động thái nói trên của các cấp chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, hy vọng rằng, tình trạng vi phạm pháp luật đất đai, kinh doanh bất động sản trên địa bàn sớm được chấn chỉnh, đồng thời những hoạt động làm ăn vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp sẽ được xử lý nghiêm. Qua đó, lập lại trật tự, đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người dân.