Những ai không nên ăn dưa hành, dưa cải muối?

Những ai cần hạn chế hoặc không nên ăn dưa hành, dưa cải muối? Dưới đây là những người không nên ăn dưa muối.

Hành muối, dưa muối là món ăn phổ biến trong bữa cơm hàng ngày.

Lợi ích khi ăn dưa hành, dưa cải muối

Dưa hành và dưa cải muối chứa nhiều men probiotics và các vi khuẩn có lợi, có tác dụng kích thích tiêu hóa, hỗ trợ hoạt động của đường ruột, tăng cường hệ miễn dịch. Bởi vậy, thực phẩm này rất tốt đối với những người bị hội chứng ruột kích thích, rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, táo bón...

Ngoài ra, dưa hành, dưa cải muối cung cấp chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng chất như vitamin A, C, E, betacroten, selen, kẽm... có lợi sức khỏe, enzyme sống trong dưa hành làm giảm cảm giác khó chịu khi ăn các món chiên rán, nhiều dầu mỡ.

Dưa muối là món ăn khoái khẩu của nhiều người

Dưa muối là món ăn khoái khẩu của nhiều người

Nguy cơ tiềm ẩn sức khỏe

Tuy có nhiều mặt có lợi như vậy nhưng dưa muối cũng tiềm ẩn các nguy cơ sau:

- Ung thư dạ dày: Các thực phẩm ngâm quá nhiều muối làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Nhiều nghiên cứu cho thấy người thường xuyên sử dụng các thực phẩm ngâm muối, tỉ lệ ung thư dạ dày cũng cao hơn đáng kể.

- Tăng huyết áp: Để bảo quản bất kỳ loại thực phẩm nào bằng việc ngâm muối thì lượng muối trong đó cần ít nhất 5%. Nếu bạn ăn quá nhiều dưa muối có nghĩa là bạn nạp một lượng lớn natri vào cơ thể, làm tăng nguy cơ bệnh tăng huyết áp và nhiều nguy cơ khác cho sức khỏe.

Người không nên ăn dưa hành, cải muối

Dưa hành và dưa cải muối cũng tiềm ẩn nguy hại đến sức khỏe, chuyên gia khuyến cáo những người này không nên ăn.

Người mắc các bệnh về thận

Khi thận yếu, chức năng đào thải độc tố trong cơ thể cũng bị suy giảm. Nếu tiêu thụ nhiều muối người bệnh sẽ bị tăng huyết áp, tích nước gây hiện tượng phù, tăng cân ảo, ảnh hưởng tới các thuốc điều trị. Do đó, người bệnh thận không nên ăn đồ mặn nói chung và các loại dưa, cà muối nói riêng.

Người bị bệnh về đường tiêu hóa

Những người bụng dạ kém khi ăn các món muối chua, lên men dễ gặp phải các bệnh về tiêu hóa như tiêu chảy, thương hàn, lỵ trực khuẩn, tả... Người đau dạ dày cũng cần cân nhắc khi tiêu thụ món ăn này khi gặp phải tình trạng kích thích tại vùng thượng vị. Nồng độ axit cao trong các món muối chua có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày gây viêm- loét dạ dày.

Người mắc bệnh thận, bệnh về đường tiêu hóa được khuyến cáo không nên ăn hành muối, dưa cải muối.

Người mắc bệnh thận, bệnh về đường tiêu hóa được khuyến cáo không nên ăn hành muối, dưa cải muối.

Người mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch

Dưa muối chứa hàm lượng natri cao là một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp, nên người bị tăng huyết áp không nên ăn dưa muối.

Phụ nữ mang thai

Khi mang thai, dường như đường tiêu hóa của mẹ bầu trở nên nhạy cảm hơn, nhất là khi nghén, trong khi dưa chua có thể trở thành một thực phẩm kích thích, làm tăng cảm giác đầy bụng, buồn nôn. Hơn nữa, bạn sẽ không chắc chắn về độ an toàn của các thực phẩm và các chất phụ gia có thể thêm vào dưa muối có ảnh hưởng như thế nào đến bạn và em bé trong bụng. Đặc biệt là những tháng cuối của thai kỳ bạn cần phải ăn nhạt để tránh phù, nhiễm độc thai nghén cho nên mẹ bầu không nên ăn dưa muối.

Trẻ dưới 5 tuổi

Chức năng thận của trẻ chưa hoàn chỉnh nên việc ăn nhiều dưa muối cũng ảnh hưởng đến việc đào thải muối ra khỏi cơ thể. Mặt khác hệ tiêu hóa của bé cũng chưa hoàn chỉnh nên bé sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa.

Ăn dưa muối thế nào có lợi cho sức khỏe?

- Không nên ăn nhiều và liên tục, đặc biệt không ăn khi bụng rỗng. Một tuần một người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ khoảng 50g.

- Không ăn đồ muối khi còn hăng, cay, có vị khác lạ, bị khú, bị ủng hoặc quá chua, đổi màu, dưa cà đã nổi váng trắng (vàng) hoặc nấm đen...

- Trước khi ăn nên rửa qua nước đun sôi nhiều lần để giảm hàm lượng muối và độ chua.

- Khi muối dưa, cà phải đảm bảo nguyên liệu và các dụng cụ được vệ sinh thật kỹ. Không muối vào thùng nhựa đã qua sử dụng vì hóa chất độc hại còn sót ở thùng có thể bị ngấm vào thực phẩm. Nên muối vào bình thủy tinh, bình gốm sứ.

- Không nên ăn các loại dưa muối xổi (vừa muối xong đã ăn), chỉ nên ăn sau khi muối khoảng 2-3 ngày.

- Nên ăn dưa nhà tự muối: Tự muối dưa các loại rau và quả của riêng nhà bạn, có thể giúp bạn điều chỉnh được lượng muối thêm vào và đảm bảo được thực phẩm sạch, không chất phụ gia, không chất bảo quản, dụng cụ muối sạch: Lọ thủy tinh, lọ sứ, gốm, lọ inox chuyên dụng sẽ bảo vệ các sản phẩm an toàn, khi dưa chua nên bảo quản trong tủ lạnh sẽ giữ nguyên được hương vị dưa muối.

Vân Anh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/nhung-ai-khong-nen-an-dua-hanh-dua-cai-muoi-ar739494.html