Những anh hùng ra đi từ mùa xuân ấy để đất nước bình yên: Bài 2 - Hài cốt liệt sĩ trở về trong làn bão đạn
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, hàng vạn thanh niên quê hương Hải Dương là bộ đội chủ lực, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong... trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ những ngày đầu tiên cho đến khi tiếng súng đã im trên bầu trời biên giới.
Trong số họ có những người đã hy sinh oanh liệt, là những anh hùng liệt sĩ.
Gác bút nghiên lên đường đánh giặc
Từ năm 1979 cho đến khoảng 10 năm sau, hàng vạn chiến sĩ từ Bình Trị Thiên trở ra đã thác vào dải đất biên cương, hóa thân thành bờ lau, bụi cỏ và ở lại mãi mãi với miền biên viễn. Nhưng nhiều người may mắn được trở về đất mẹ. Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Trọng Thường ở thôn Tráng Liệt, xã Thanh Sơn (Thanh Hà) là một người như thế.
Năm 1979, tin từ biên giới liên tiếp đưa về: Đêm 17/2, nhà cầm quyền Trung Quốc đã phát động tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, trên suốt chiều dài 1.200 km từ Ma Lù Thàng, Dào San, Pa Nậm Cúm (Lai Châu) cho đến Pò Hèn (Quảng Ninh).
Ngay trong đêm đó, ca khúc “Chiến đấu vì độc lập tự do” của nhạc sĩ Phạm Tuyên ra đời. "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới/ Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới...", lời hát thúc giục vang lên khắp các làng quê, thôi thúc các chàng trai, cô gái lên đường với khí thế hừng hực của những Chi Lăng, Bạch Đằng lịch sử.
Khi đó, ông Trần Trọng Thường mới 21 tuổi. Nhưng trước đó 2 năm, ông đã nhập ngũ và được đưa đi huấn luyện ở Bắc Giang. Bây giờ, trong căn nhà nhỏ nhưng ấm cúng, được xây cất trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của ông, di ảnh liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Trọng Thường luôn được người anh ruột là Trần Trung Bình và người chị dâu Đoàn Thị Dưng treo ở nơi trang trọng nhất.
Sở dĩ, người lên đường nhập ngũ khi đó là ông Thường chứ không phải anh trai, bởi lẽ hai anh em cùng đi khám nghĩa vụ quân sự, nhưng ông Thường quả quyết sẽ vào bộ đội. Khi ấy, ông Bình đã xây dựng gia đình. Ông Thường một mực nói anh phải ở nhà chăm bố mẹ đã già và chị dâu.
"Chú huấn luyện ở Bắc Giang, được về qua nhà đúng 1 ngày để chào từ biệt mọi người rồi đi một mạch cho đến lúc hy sinh", bà Đoàn Thị Dưng xúc động nói.
Vì là học sinh "gác bút nghiên lên đường đánh giặc", nên trong hành trang của ông Thường, ngoài chiếc áo len mẹ mua, còn có chiếc bút kim tinh mà người anh trai kỷ niệm trước lúc ra chiến trường. Sau này, chiếc bút kim tinh ông Thường luôn đeo ở túi ngực, lúc chiến đấu đã bị một viên đạn xuyên qua gần đứt rời phần nắp. Chiếc bút đã trở thành một kỷ vật vô giá, được gia đình trao tặng Bảo tàng tỉnh Hải Dương lưu giữ.
Năm 1979, sau gần 2 năm huấn luyện, ông Thường đang học hạ sĩ quan thì cùng đơn vị hành quân lên biên giới. Gia đình chỉ biết ông thuộc biên chế của Sư đoàn bộ binh chính quy (Sư đoàn Sao Vàng) và biết tình hình chiến sự qua những lá thư thưa thớt gửi về cho đến lúc ông hy sinh khi cùng đồng đội đẩy lùi hàng loạt cuộc tấn công của quân xâm lược.
Đón em về là "mệnh lệnh từ trái tim"
Anh hùng liệt sĩ Trần Trọng Thường nhập ngũ tháng 6/1977. Khi hy sinh, ông là hạ sĩ, Tiểu đội trưởng C51, D5, E12, F3, Quân đoàn 14, Quân khu 1.
Theo các tài liệu, trong đợt chống quân xâm lược ở biên giới phía Bắc, ông Thường chiến đấu ở tây bắc Đồng Đăng (Lạng Sơn). Từ ngày 25-28/2, địch sử dụng lực lượng lớn đánh phá vào trận địa, ông động viên tiểu đội giữ vững quyết tâm, một mình diệt 39 tên, thu 1 súng, cùng tiểu đội diệt nhiều tên khác... Ngày 3/3/1979, trong lúc dẫn đầu bộ phận tiến công vào đội hình địch, ông bị trúng đạn và anh dũng hy sinh.
Theo ông Trần Trung Bình, sau khi được tin con hy sinh, mẹ của ông như ngây dại suốt nhiều ngày vì nỗi đau quá lớn. Sau này bình tâm lại, bà nói, cuộc chiến tranh nào cũng thế, cũng có mất mát hy sinh thì mới có hòa bình. Nếu xác định được địa điểm an táng và đưa em về thì bà mới yên lòng nhắm mắt. Ước mong của mẹ giống như mệnh lệnh, khiến ông Bình thấp thỏm không yên.
Khoảng một năm sau đó, khi đã biết được vị trí em nằm là nghĩa trang cầu Khánh Khê (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn), ông Bình cùng một người anh trong họ mang theo xe đạp, đèn pin, cuốc xẻng lặng lẽ lên tàu hỏa tìm đến Lạng Sơn. Khi đó, dù Trung Quốc đã rút quân song tình hình biên giới vẫn còn rất phức tạp, tiếng súng vẫn chưa yên nên từ ga Lạng Sơn đến nghĩa trang nơi em trai nằm lại, ông Bình phải đi qua khoảng 10 chốt kiểm soát ngặt nghèo.
Hai anh em tìm đến nơi thì đang là ban đêm, tiếng súng vẫn ràn rạt quanh đó, cũng may có đơn vị pháo binh bên cạnh đón vào. Ông Bình trình bày nguyện vọng sẽ mang hài cốt em lên ngay trong đêm rồi tìm đường về thị xã Lạng Sơn. Tuy vậy, đơn vị pháo binh ngăn lại vì ban đêm ở đây dễ bị pháo binh bên kia bắn sang. Đêm đó, anh em ông Bình được đưa sâu vào làng để ngủ nhờ nhà của một người dân. Thời điểm đó, người Lạng Sơn đã sơ tán về xuôi, chỉ để mỗi nhà 1 người ở lại. Làng xóm im lìm, hoang lạnh, tiếng súng vẫn còn, mong muốn đón em trở về khiến ông không chợp mắt để chờ trời sáng.
Trời chưa sáng hẳn, được đơn vị pháo binh hỗ trợ, ông Bình đã đưa được em lên. Khi ấy, anh hùng liệt sĩ Trần Trọng Thường vẫn mặc tấm áo len của mẹ, bên ngoài là quân phục. Phía trước ngực, chiếc bút kim tinh, chiếc đồng hồ Poljot ông Bình tặng em vẫn còn ở đó. Ở vành bụng của liệt sĩ vẫn còn nguyên băng đạn. Phần nắp bút bị xuyên thủng, là dấu vết của viên đạn đã tước đi tuổi thanh xuân của người liệt sĩ anh hùng.
Ngày 20/12/1979, liệt sĩ Trần Trọng Thường được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Quân công hạng III.
Kỳ sau: Nhớ lời nhắn gửi của cha